Giữ vững ổn định hệ thống ngân hàng để kiểm soát các hoạt động khác là cần thiết
Sửa đổi bổ sung Luật Các TCTD là cần thiết Quốc hội thảo luận về Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật các TCTD Sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng: Cơ sở pháp lý cho giai đoạn mới |
Ông Lê Minh Nam - Ủy viên Thường trực, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang |
Dự thảo Luật Các TCTD sửa đổi có đề xuất, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 10% vốn tự có của các TCTD, trong khi luật hiện hành quy định tỷ lệ này là 15%. Tỷ lệ dư nợ cấp tín dụng tối đa đối với một khách hàng và người có liên quan cũng được hạ từ 25% xuống còn 15% vốn tự có. Ông đánh giá thế nào về đề xuất này?
Như chúng ta đã biết, quy định về giới hạn mức cấp tín dụng là một trong những giải pháp nhằm đảm bảo tăng cường an toàn cho TCTD khi thực hiện cho vay. Nếu được kiểm soát trong trường hợp khách hàng không có khả năng trả nợ sẽ không gây ra rủi ro cho hệ thống các TCTD. Còn nếu không kiểm soát, giới hạn khi có rủi ro xảy ra không chỉ ảnh hưởng trực tiếp TCTD đó mà cả hệ thống tài chính. Theo nguyên tắc rủi ro không bỏ trứng vào một giỏ. Do đó, việc quy định kiểm soát hạn mức cấp tín dụng theo tôi là rất cần thiết giúp giảm thiểu nguy cơ rủi ro hoạt động cho vay của các TCTD đối với khách hàng lớn.
Cũng vì vậy, tại Dự thảo Luật Các TCTD sửa đổi có đề xuất, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 10% vốn tự có của các TCTD, trong khi luật hiện hành quy định tỷ lệ này là 15%. Tỷ lệ dư nợ cấp tín dụng tối đa đối với một khách hàng và người có liên quan cũng được hạ từ 25% xuống còn 15% vốn tự có.
Đối với nội dung này, theo quan điểm của Chính phủ khi trình Dự án Luật cũng đã có phân tích so với Luật TCTD năm 2010, tuy tỷ lệ dư nợ cấp tín dụng có điều chỉnh giảm nhưng quy mô vốn của các ngân hàng được tăng lên khá lớn. Theo đó, giá trị tuyệt đối của tổng mức dư nợ tín dụng cho vay đối với khách hàng cũng tăng lên. Do vậy, quy định giảm tỷ lệ dư nợ cấp tín dụng không ảnh hưởng đến tổng mức cho vay mà giúp cho việc tăng cường kiểm soát đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, hiện tại cũng có ý kiến đại biểu cho rằng cần phải xem xét trong bối cảnh nền kinh tế đang có nhiều khó khăn như hiện nay cần phải tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển phục hồi nền kinh tế xã hội. Theo đó, cũng nên mở room tín dụng để khách hàng có thể tiếp cận thêm nguồn vốn, đảm bảo vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển nền kinh tế. Nhưng ở góc độ quan điểm của tôi cũng cần phải đánh giá thật sự kỹ lưỡng chính sách cho phù hợp làm sao phải đảm bảo mục tiêu hệ thống ngân hàng, và toàn bộ hệ thống tài chính quốc gia vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Việc đặt mục tiêu an toàn giữ vững ổn định hệ thống ngân hàng để kiểm soát các hoạt động khác là cần thiết.
Song, trong bối cảnh doanh nghiệp khó tiếp cận vốn như vậy chúng ta cũng cần phải xem xét đánh giá và có giải pháp làm sao để mức dư nợ cấp tín dụng đảm bảo phù hợp. Nếu có giảm mức dư nợ cấp tín dụng thì tính toán giải pháp làm sao để thúc đẩy cho doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận vốn một cách thuận lợi dễ dàng hơn.
Tất nhiên, ngoài quy định của Luật, trong quá trình tổ chức thực hiện cũng rất quan trọng. Bản thân các TCTD khi cho vay các đối tượng khách hàng lớn đến ngưỡng 10-15%/vốn tự có phải phân tích đánh giá kỹ lưỡng đảm bảo các điều kiện cho vay làm sao đảm bảo an toàn trong hoạt động, thu hồi đủ vốn.
Hiện tại có ý kiến cho rằng, mức giới hạn cấp tín dụng của ngân hàng Việt Nam đang thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực và cả trên thế giới. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
Đúng là theo một số nhận định phân tích cho rằng mức giới hạn cấp tín dụng đang thấp hơn mặt bằng một số nước xung quanh cũng như là thế giới. Tuy nhiên tôi cho rằng, các quy định phải đảm bảo phù hợp hoàn cảnh cụ thể của mỗi quốc gia, gắn với tình hình sản xuất kinh doanh, năng lực của doanh nghiệp. Nếu chúng ta quá thiên về việc mở cho doanh nghiệp tiếp cận vốn mà không giữ được an toàn hoạt động ngân hàng, tôi nghĩ sẽ không đảm bảo mục tiêu quản lý tổng thể về mặt vĩ mô. Ngược lại nếu quản lý quá chặt chẽ trong quá trình kiểm soát, sẽ lại không tạo điều kiện doanh nghiệp tiếp cận vốn, thúc đẩy phát triển.
Để giải quyết vấn đề này cần đánh giá kỹ lưỡng toàn diện tác động trên tất cả các mặt và cân đối mục tiêu an toàn hệ thống ngân hàng, an toàn vĩ mô cùng với thúc đẩy phát triển kinh tế.
Dự thảo Luật TCTD sửa đổi đề xuất luật hoá các quy định về xử lý nợ xấu của Nghị quyết 42. Theo ông, Luật hoá quy định tại Nghị quyết 42 sẽ tác động thế nào đối với hoạt động xử lý nợ xấu?
Nghị quyết 42 đã được ban hành tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XIV năm 2017. Đây là cơ sở, hành lang pháp lý rất quan trọng trong hoạt động xử lý nợ xấu thời gian vừa qua, giải quyết nhiều tồn đọng vướng mắc liên quan đến nợ xấu, tài sản bảo đảm.
Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV năm 2022 đã có tổng kết đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 42, cũng nhìn nhận khía cạnh tích cực cũng như nhìn thấy các mặt hạn chế tồn tại và đã định hướng đưa vào luật hoá những quy định được đánh giá phù hợp, hiệu quả đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản lý cũng như thúc đẩy xử lý nợ xấu tích cực. Những quy định này được đưa vào Dự thảo Luật TCTD sửa đổi và đang trình Quốc hội tại kỳ họp này. Tôi nghĩ đây là những cơ sở căn cứ pháp lý quan trọng để giúp việc giải quyết xử lý nợ xấu. Các quy định xử lý tài sản bảo đảm, mua bán nợ xấu, thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm rõ ràng hơn như quy định liên quan đến xử lý các khoản nợ xấu mà tài sản bảo đảm gắn với quyền sử dụng đất… Những quy định trên sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng để TCTD triển khai xử lý tốt hơn nợ xấu. Bên cạnh đó, tôi cho rằng, TCTD cần phải có giải pháp làm sao hạn chế không phát sinh thêm nợ xấu.
Xin cảm ơn ông!