Gỡ khó logistics cho doanh nghiệp xuất khẩu
Thị trường logistics của Việt Nam hiện đang rất hẹp Hướng đến xanh hóa ngành logistics |
Chi phí logistics “ăn mòn” lợi nhuận
Điều này cho thấy, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn và thách thức.Trong đó, logistics là một trong những “rào cản” đối với doanh nghiệp xuất khẩu.
Bà Trương Minh Thảo, chủ một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tại Cần Thơ cho biết, sản phẩm xoài của Việt Nam có chất lượng cao, tương đương với nhiều quốc gia khác, được ưa chuộng tại không ít thị trường khó tính. Tuy nhiên, xoài Việt Nam đang kém sức cạnh tranh với đối thủ vì giá thành cao. Đơn cử tại thị trường Nhật Bản, giá bán lẻ xoài Việt cao hơn 20% so với sản phẩm tương tự từ Thái Lan và Philippines. Sở dĩ như vậy là vì mỗi quả xoài Việt xuất khẩu phải chịu quá nhiều chi phí logistics như cước vận tải nội địa, phí và phụ phí vận tải do các hãng tàu nước ngoài…
Còn đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cho biết, công ty có đơn hàng nhưng không dám ký hợp đồng quá nhiều, thậm chí có lúc phải trì hoãn đơn hàng vì chi phí logistics quá cao, “ăn mòn” lợi nhuận của doanh nghiệp. Đơn cử, có trường hợp tại thời điểm ký hợp đồng, theo tính toán, sau khi trừ các chi phí, bao gồm cả phí logistics tại thời điểm đó, doanh nghiệp dự kiến thu về được 4 đồng. Nhưng khi hoàn thành đơn hàng, chi phí logistics trong nước tăng thêm, các hãng tàu nước ngoài thu phí cao hơn mức quy định… doanh nghiệp chỉ thu về được 1-2 đồng, thậm chí “âm” luôn tiền hàng. Việc này khiến hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp đang ở thế khó lại càng khó gấp bội.
Nói về chi phí logistics, bà Nguyễn Anh, đại diện một hãng logistics nước ngoài tại TP.Hồ Chí Minh cho biết, so với thời điểm này năm ngoái, cước “book” tàu biển từ nước ngoài báo không thay đổi nhưng phí đặt dịch vụ tàu nước ngoài đi từ trong nước lại tăng 10%. Cùng với đó, cước vận tải hàng hóa trong nước vẫn khá cao, hiện giá tăng khoảng 15 - 20% so với thời điểm năm ngoái; phí nâng/hạ container thay vì 30 USD/container, giờ đã tăng lên 45 USD. Điều này đã đẩy chi phí hàng xuất khẩu lên cao.
Số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cũng cho thấy, chi phí logistics so với tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam đang ở mức 16,8%, trong khi bình quân thế giới là 10,7%. Nếu tính trong khu vực ASEAN, chi phí logistics Việt Nam cao hơn các nước Singapore (đang ở mức 8,5%), Malaysia (13%) và Thái Lan (15,5%).
Cần giải pháp trước mắt và lâu dài
Ông Nguyễn Lý Trường An, Phó giám đốc Công ty SeaAir Global cho biết, cấu phần tạo nên chi phí logistics của doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay bao gồm chi phí cầu đường các loại; giá xăng dầu và các chi phí phát sinh ngoài luồng khi hàng chở đi các địa phương. Do đó, để hạ chi phí logistics cho doanh nghiệp xuất khẩu, cần rà soát lại các loại phí, mức phí sao cho hợp lý.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng đã cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ Giao thông-Vận tải phối hợp với Bộ Công thương và các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp liên quan tập trung phát triển cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ; đầu tư phát triển các trung tâm logistics, cảng cạn để đẩy mạnh vận tải đa phương thức; tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách liên quan đến giá, phí vận tải (phí sử dụng đường bộ, hạ tầng cảng biển, lệ phí ra vào cảng biển...); phân cấp, phân quyền cho địa phương trong hoạt động đầu tư, khai thác hạ tầng… Tất cả nhằm tiếp tục kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics cho doanh nghiệp. Về lâu dài, việc giảm thị phần vận tải đường bộ kết nối đến cảng biển là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm chi phí logistics…
Nông sản là một trong những ngành hàng quan trọng, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước, nên chi phí logistics cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong ngành cũng cần được ưu tiên. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp sản xuất - xuất khẩu nông sản và doanh nghiệp logistics; cần xây dựng và phát triển hiệu quả một hệ thống logistics cho ngành hàng này. Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú trọng đẩy mạnh hoạt động tích hợp sâu dịch vụ logistics với các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa trong nước và các ngành dịch vụ khác; đồng thời thúc đẩy phát triển thuê ngoài dịch vụ logistics trong xuất khẩu nông sản.