Công nghiệp công nghệ số: Cần tạo một khuôn khổ pháp lý linh hoạt
Cân nhắc thúc đẩy khung khổ pháp lý cho tài sản số Luật công nghiệp công nghệ số: Cần quy định rõ ràng, hợp lý, thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo |
Ông Nguyễn Khắc Lịch, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, quan điểm của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và Ban soạn thảo Luật Công nghiệp công nghệ số là quản lý và phát triển, nhưng nghiêng nhiều hơn về phát triển. Ông cũng lý giải những băn khoăn của các đại biểu về phạm vi điều chỉnh của luật, trong đó công nghệ số có nội hàm gồm công nghệ thông tin và các công nghệ số thế hệ mới.
Nhìn nhận cơ chế tài chính, ưu đãi cho công nghiệp công nghệ số là chính sách cốt lõi để phát triển đột phá ngành công nghiệp công nghệ số trong thời gian tới, Luật dự kiến quy định sản xuất sản phẩm công nghệ số, cung cấp dịch vụ công nghệ số là ngành, nghề ưu đãi đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư và pháp luật khác có liên quan. Một nội dung đột phá nữa của dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số là cơ chế thử nghiệm có kiểm soát sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số. Trong trường hợp pháp luật chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành, cơ quan có thẩm quyền cho phép thử nghiệm có kiểm soát về không gian, thời gian, quy mô, đối tượng thử nghiệm, quyền, trách nhiệm của các đối tượng có liên quan. Luật dự kiến quy định miễn trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền cho phép thử nghiệm và của tổ chức, doanh nghiệp tham gia thử nghiệm. Một điểm mới và mạnh khác được ông Lịch chỉ ra là Luật đặt trọng tâm vào phát triển nhân lực. Công nghệ số là ngành công nghệ cao, vì vậy cần nhân lực chất lượng cao và Luật giao cho Chính phủ ban hành các quy định để tạo mọi điều kiện thuận lợi về đời sống, điều kiện làm việc… để thu hút nhân tài.
Quang cảnh hội thảo |
Góp ý vào dự thảo Luật, ông Vũ Tú Thành - Phó giám đốc điều hành, Hội đồng kinh doanh Hoa kỳ - ASEAN lưu ý Ban soạn thảo và cơ quan thẩm định dự án về phạm vi điều chỉnh của Luật, tránh chồng chéo với các luật liên quan.
Phân tích nội hàm khái niệm công nghệ số quá rộng bao gồm cả công nghệ đang hình thành như trí tuệ nhân tạo, blockchain, tài sản ảo…, ông Vũ Tú Thành cho biết: “Nếu ôm đồm nhiều và quản chặt, thì dẫn tới nguy cơ hạn chế sáng tạo. Như Điều 17,18 Dự thảo Luật quy định Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành quy chuẩn kỹ thuật, quy định bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn quốc gia trong công nghiệp công nghệ số. Song những quy chuẩn tiêu chuẩn này lại chịu sự điều chỉnh Luật tiêu chuẩn kỹ thuật. Như vậy có thể coi như lại trói nhau.”, ông chỉ ra.
Hay như Điều 37 quy định về trách nhiệm cung cấp, thu thập, cập nhật cơ sở dữ liệu số. Đây là vấn đề rất nhạy cảm với kinh doanh. Việc định vị sản phẩm dịch vụ của các doanh nghiệp là yếu tố bảo mật bất khả xâm phạm, nếu như yêu cầu cập nhật thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước sẽ làm mất đi lợi thế sản phẩm của doanh nghiệp, làm nhà đầu tư không yên tâm. Vì vậy, cần rút kinh nghiệm từ các luật trước đây và việc cập nhật cơ sở dữ liệu phải hết sức thận trọng.
“Quan điểm chúng tôi là cần quản lý linh hoạt, đặt ra các nguyên tắc quản lý rủi ro để doanh nghiệp và cơ quan quản lý hợp tác, cùng vừa làm vừa theo dõi và ứng xử cho hợp lý. Các nguyên tắc này phải áp dụng thống nhất cho các luật khác. Yêu cầu nghĩa vụ đặt ra phải tương xứng với quyền lợi được hưởng”, ông Thành cho biết.
Với việc phát triển công nghệ bán dẫn, ông Thành cho rằng trong bối cảnh ưu đãi thuế đã không còn là ưu thế khi áp dụng thuế thu nhập tối thiểu toàn cầu, cần có các các nhóm biện pháp hỗ trợ đầu tư trên cơ sở cắt giảm chi phí sản xuất như điện năng, năng lượng tái tạo, chi phí lắp ráp nhà hay R&D, hỗ trợ cho dự án đầu tư mới. Cùng với đó là các ưu đãi về thuế thu nhập với nhân sự chất lượng cao, hay thuế nhà thầu khi là doanh nghiệp dẫn chuỗi.
Đồng quan điểm bà Nguyễn Thị Thư - Giám đốc điều hành Bay Global Strategies, Phó Trưởng Ban Kinh tế số Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) nhấn mạnh, trong lĩnh vực dữ liệu số, điều quan trọng là phải hài hòa các định nghĩa và quy định với các luật hiện hành để duy trì tính nhất quán và tránh nhầm lẫn. “Chúng tôi nhận thấy rằng, quy định tại Luật này có khả năng chồng chéo với các quy định khác của Luật Dữ liệu và Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân và thực sự không khuyến khích sử dụng luật này để thay thế luật hiện hành. Việc thúc đẩy các thay đổi thông qua một luật khác sẽ tạo ra sự mơ hồ và sẽ dẫn đến tình trạng không tuân thủ nhiều hơn”, bà cho biết.
Về cách tiếp cận, bà Thư cho rằng luật cần mang tính bao trùm và có cách tiếp cận bình đẳng, công bằng với các loại hình doanh nghiệp. Bà dẫn chứng quy định tại điều 41 ưu tiên đầu tư thuê mua các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số sản xuất trong nước dẫn tới đối xử không công bằng với nhà đầu tư nước ngoài. Bà khuyến nghị việc lựa chọn doanh nghiệp, nhà đầu tư phải dựa trên thành tích, năng lực, quan trọng hơn là phải mang lại lợi ích tốt nhất cho người dân.