Thị trường logistics của Việt Nam hiện đang rất hẹp
Còn theo thống kê của Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển ngành logistics tại Việt Nam đạt 14-16% với quy mô khoảng 40-42 tỷ USD mỗi năm. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, hiện có 43.568 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải kho bãi; có 5.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ 3PL (hậu cần bên thứ 3). Tuy nhiên, có đến 95% doanh nghiệp hoạt động là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong giai đoạn 2010-2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa tại Việt Nam đã tăng hơn 3 lần, từ 1.254 nghìn tỷ (2010) lên 3.815 nghìn tỷ (2020), tạo nguồn cầu cho dịch vụ logistics, lưu thông hàng hóa trong nước.
Tuy nhiên, ngành logistics Việt Nam vẫn còn không ít hạn chế như, chi phí dịch vụ còn cao, chất lượng cung cấp một số dịch vụ chưa cao, chưa khai thác hết được lợi thế địa kinh tế và chưa tương xứng với tiềm năng của mỗi địa phương. Theo ý kiến ông Nguyễn Công Cường, Chủ tịch Công ty NCC, trong hệ thống logistics, đường bộ vẫn chiếm phần lớn trong việc vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, việc phát triển đường bộ đòi hỏi sự đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng như, việc xây dựng đường, cầu cũng như việc duy trì hệ thống giao thông. Tất cả những chi phí này đều được tính vào người tiêu dùng, thông qua giá cước vận chuyển, gây tăng chi phí cho hoạt động logistics. Cơ sở hạ tầng, bến bãi, và đường xá, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý hàng hóa và vận chuyển. Việc thiếu đầu tư và bảo trì cơ sở hạ tầng này có thể gây ra hạn chế và trì hoãn trong quá trình logistics.
Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện đa số các doanh nghiệp dịch vụ logistics của Việt Nam mới chỉ hoạt động trong phạm vi nội địa. Số doanh nghiệp Việt Nam vươn ra được nước ngoài, thành lập được công ty con, có văn phòng đại diện ở nước ngoài thì còn rất ít. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đến Việt Nam lập chi nhánh, công ty 100% vốn nước ngoài ngay trong lĩnh vực logistics. Qua đó có thể thấy rõ, thị trường logistics của Việt Nam hiện đang rất hẹp. Ông Hải cho rằng, cần phải thúc đẩy các doanh nghiệp đi ra ngoài và tìm kiếm thị trường ở bên ngoài như Lào, Campuchia, Trung Quốc...
Bà Trần Hoàng Yến - Phó Trưởng văn phòng đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp thuỷ sản đang rất thiếu kho lạnh để bảo quản hàng hóa, nhất là những lúc cao điểm. Ngoài ra, kho thương mại dịch vụ thuỷ sản đông lạnh chủ yếu ở miền Nam, còn miền Bắc và miền Trung vẫn còn hạn chế. Bà Yến đề xuất Chính phủ cần có cơ chế về đất đai và ưu đãi nguồn vốn trung, dài hạn để khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư nhiều hơn cho hệ thống kho bảo quản đông lạnh và kho bãi đạt tiêu chuẩn.