Hà Nội thúc đẩy nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Chính vì thế, TP. Hà Nội đang tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển lĩnh vực này.
Hiện trên địa bàn TP. Hà Nội đã triển khai 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó có 105 mô hình trồng trọt, 39 mô hình chăn nuôi, 15 mô hình thuỷ sản, tập trung chủ yếu ở Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm 32% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.
Điển hình như mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao của Hợp tác xã sản xuất rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng) với diện tích 5 ha, cho thu nhập gần 6,7 tỷ đồng/ha/năm. Hay nhà máy sản xuất nấm kim châm Kinoko Thanh Cao (xã Đốc Tín, Mỹ Đức) với công suất hiện tại 1,5 - 3,0 tấn nấm/ngày, giải quyết việc làm cho 25 lao động…
Mô hình trồng rau hữu cơ công nghệ cao HTX Cuối Quý |
Bà Nguyễn Thị Thoa, nguyên Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội) chia sẻ, việc mở rộng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, sơ chế và tiêu thụ nông sản vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại. Hiện toàn thành phố mới chỉ có 1 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao; 2 mô hình sản xuất rau tại Thanh Trì và Đan Phượng; 2 mô hình sản xuất hoa tại Đan Phượng và Chương Mỹ; 1 mô hình sản xuất lúa (Thanh Trì); 1 cơ sở sản xuất giống thuỷ sản và 17 cơ sở nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, sơ chế.
Bên cạnh đó, Hà Nội mới chỉ có hơn 50 ha sản xuất rau, hoa và 20 ha nuôi trồng thủy sản ứng dụng các công nghệ thuộc danh mục công nghệ cao vào sản xuất. Còn lại là các cơ sở ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật hoặc ứng dụng một phần hệ thống nhà lưới có điều khiển vi khí hậu, giống mới, chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật, hệ thống chuồng kín trong chăn nuôi.
Hiện thành phố còn thiếu những mô hình tiên tiến, chứa đựng hàm lượng khoa học công nghệ cao áp dụng trong sản xuất nông nghiệp nên chưa tạo ra những đột phá mạnh mẽ về năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, bà Thoa cho biết thêm.
Dưới góc nhìn của chuyên gia, ông Nguyễn Quốc Việt - Viện trưởng Viện Khoa học Quản lý và Sáng tạo ứng dụng cho rằng, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tại nhiều quốc gia trên thế giới cũng như tại Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức trong bối cảnh hiện nay. Nông nghiệp được dự báo là một trong những ngành được hưởng lợi lớn nhất từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) nhờ những ưu đãi về thuế quan. Ở chiều ngược lại, các sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng được các yêu cầu khắt khe hơn như: Quy định bắt buộc về tiêu chuẩn kỹ thuật và kiểm soát nhập khẩu, các tiêu chuẩn về chứng nhận tự nguyện bền vững, các yêu cầu về xuất xứ.
Thị trường cho sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Việt Nam còn nhiều tiềm năng. Muốn đáp ứng được lượng cầu hiện tại, từ đó tạo ra lượng cầu lớn hơn trong tương lai thì các doanh nghiệp, các tổ chức, các đơn vị sản xuất cần nhanh chóng đổi mới phương thức hoạt động sản xuất thông qua áp dụng công nghệ tiên tiến để chất lượng đảm bảo, đồng đều và cho sản lượng tốt. Đồng thời phải luôn cập nhật, tìm hiểu nhu cầu của các thị trường mục tiêu để “thắng trên sân khách và ổn định trên sân nhà”, ông Nguyễn Quốc Việt chia sẻ thêm.