Hàng ngàn hecta cây trồng bị thiệt hại bởi khô hạn
Hàng ngàn hecta cây trồng bị ảnh hưởng
Tại huyện Cư M’gar (Đắk Lắk), một trong những địa phương có diện tích cây công nghiệp lớn của tỉnh Đắk Lắk đã có thiệt hại do khô hạn. Toàn huyện Cư M'gar có khoảng 73.000ha đất sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Trong đó, nhiều diện tích cây trồng đã bị thiệt hại.
Nhiều nông hộ phải kéo nước rất xa về để cứu cây trồng |
Tại xã Ea M'droh, có hơn 2.300ha cây trồng như: cà phê, hồ tiêu, sầu riêng bị giảm năng suất hoặc có nguy cơ mất trắng do thiếu nước tưới. Trong đó, có 162ha có nguy cơ bị mất trắng. Buôn D’hung và các thôn Đoàn Kết, Đồng Tâm, Thạch Sơn… có diện tích cây trồng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Hay như tại xã Ea Tar cũng diễn ra tình trạng thiệt hại tương tự. Qua thống kê sơ bộ của chính quyền địa phương có hơn 2.085ha cây trồng bị hạn.
Theo Phòng Nông nghiêp - Phát triển nông thôn huyện Cư M'gar, mực nước tại các công trình hồ, đập thủy lợi ở địa phương đang bị sụt giảm, tác động xấu đến tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong tổng số 68 công trình thủy lợi (51 hồ chứa nước, 17 đập dâng) trên đại bàn, qua kiểm tra đến cuối tháng 4/2024 chỉ còn 2 công trình hồ chứa nước có mực nước khoảng 100%, 11 công trình có mực ước trên 71% và đã có 6 công trình rơi vào mực nước chết, không còn khả năng tươi tiêu...
Nhiều diện tích cây trồng bị thiệt hại có khả năng mất trắng |
Không riêng huyện Cư M’gar, theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pắc, trên địa bàn vừa xảy ra hai đợt thiên tai, gây thiệt hại trên 47 tỷ đồng. Cụ thể: đợt hạn hán trong mùa khô, toàn huyện có trên 501ha cây trồng các loại bị thiệt hại do khô hạn gồm: lúa nước 390ha, trong đó mất trắng 223,5ha; cà phê 107,9ha (mất trắng 30ha); 3,3ha cây vải và cây dổi (mất trắng 2,1ha). Tổng thiệt hại trên 22,1 tỷ đồng.
Đối với đợt mưa đá vào chiều ngày 26/4 trên địa bàn các xã Ea Kly và Ea Kuăng, gây thiệt hại 340ha, tổng thiệt hại ước tính trên 25 tỷ đồng.
Để ứng phó với tình hình thiên tai, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pắc đã phối hợp với Chi nhánh Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi huyện Krông Pắc tổ chức bơm tưới từ mực nước chết của các hồ chứa và sông Krông Pắc để phục vụ tưới cho cây lúa nước tại xã Vụ Bổn trong phạm vi khả năng tưới; vận động nhân dân thực hiện các biện pháp chống hạn để hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại.
Đặc biệt, tại huyện huyện Krông Búk hiện có 1.047ha cây trồng thiếu nước tưới do nắng hạn kéo dài; tập trung ở các xã: Ea Sin khoảng 775ha, Cư Pơng khoảng 145 ha, Cư Né khoảng 127,7ha... Trong đó, xã Ea Sin là địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất trong đợt hạn hán này. Hơn 4.185ha cây trồng của xã sử dụng nước tưới chủ yếu từ các công trình thủy lợi, nước suối và giếng đào, nhưng lượng nước đã sụt giảm nghiêm trọng. Hiện gần 200 hộ dân của xã Ea Sin ở các buôn Ea Pông, Cư Kanh, Ea Sin, Cư M’tao cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt.
Tích cực triển khai nhiều giải pháp để "cứu" cây trồng
Trước tình hình trên, UBND xã Ea Sin đã triển khai nhiều biện pháp chống hạn. Địa phương đã thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đánh giá trữ lượng nước tưới còn lại tại các hồ, đập và nước sinh hoạt ở các thôn, buôn. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm phòng, chống hạn; phát huy tinh thần sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả nhằm ứng phó với hạn hán trước mắt…
Nhiều biện phát ứng phó với khô hạn đã được bà con nông dân triển khai |
Theo Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Krông Búk, địa phương có hơn 27.000ha cây trồng các loại. Trong đó, diện tích cây trồng cần nước tưới khoảng 25.000ha, gồm 20.415ha cà phê, hơn 4.000ha cây ăn quả các loại. Trong khi đó, trên địa bàn chỉ có 43 công trình thủy lợi, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tưới cho cây trồng, còn lại là phụ thuộc vào các khe, suối tự nhiên và ao, hồ do người dân tự đào.
Hiện tại, nguồn nước mặt, nước ngầm, dòng chảy tại các con suối, khe nhánh và ao, hồ trong dân, mạch nước ngầm trong giếng đào, giếng khoan mực nước thấp, giảm so với thời điểm các năm trước. Mực nước các công trình thủy lợi đã sụt giảm ở mức báo động, trong đó có 11 hồ đã cạn kiệt, 21 hồ chứa còn trữ lượng nước dưới 50%, 5 hồ chứa dưới 70%, 4 hồ chứa dưới 80%, 2 hồ chứa trên 90%...
Theo dự báo của Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Krông Búk, nếu hạn hán kéo dài trong thời gian tới, diện tích cây trồng bị thiệt hại lên đến khoảng 1.000ha. Để giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, UBND huyện Krông Búk đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi, bám sát tình hình nguồn nước; tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Phần lớn các hồ nước đã cạn kiệt |
Qua đó, kịp thời nắm bắt thiệt hại do hạn hán gây ra và đề xuất các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn... Ngành nông nghiệp huyện đã chủ động phối hợp các các địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền, khuyến cáo người dân có biện pháp tủ rơm, lá khô tại gốc cây để tránh bốc hơi, thất thoát nước; tưới nước tiết kiệm; không tưới ồ ạt cùng một thời điểm…
Hiện tại, Đắk Lắk vẫn đang là mùa khô, nếu trong thời gian tới không có mưa và thời tiết tiếp tục nắng nóng như thì mực nước ở các hồ chứa, sông suối sẽ giảm mạnh. Nguy cơ khô hạn xảy ra trên diện rộng sẽ rất cao. Trước tình hình, diễn biến phức tạp của thời tiết, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk và những đơn vị chức năng cùng với các địa phương và người dân đang tích cực triển khai các giải pháp chống hạn nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra.