Hóa giải nỗi lo thiếu đơn hàng
Trong những tháng cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu đang chịu áp lực lớn vì đơn hàng sụt giảm. Thậm chí, một số doanh nghiệp đã phải ngừng sản xuất, cho người lao động nghỉ việc.
Đại diện Bộ Tài chính nhận định, đơn hàng xuất khẩu sụt giảm là câu chuyện chung của thế giới. Bối cảnh khó khăn toàn cầu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Người tiêu dùng trong nước cũng đang có tâm lý tiết kiệm, sức mua sụt giảm nên doanh nghiệp sẽ gặp khó về đầu ra.
Ảnh minh họa |
Dự báo trong năm 2023 những vấn đề này vẫn chưa thể chấm dứt. Vì vậy, bản thân mỗi doanh nghiệp phải tự tái cơ cấu về mọi mặt và bám sát diễn biến vĩ mô để thích ứng. Đồng thời, việc các doanh nghiệp phải co cụm, cắt giảm lao động có thể còn diễn ra trong vài tháng tới. Chúng ta vẫn đang nỗ lực thực hiện các gói hỗ trợ kinh tế nhưng có một số chương trình cần đẩy nhanh hơn nữa như gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp.
Nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề trong dịp cuối năm này như dệt may, da giày, gỗ, chế biến thủy hải sản... do có số lượng người lao động khá lớn. Việc thiếu đơn hàng sẽ dẫn đến nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người lao động trong những ngày cuối năm này.
Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Gia Định chia sẻ, là doanh nghiệp chuyên sản xuất giày da, sau những bước phục hồi tăng trưởng ấn tượng trong những tháng đầu năm, ngành da giày đang phải đối diện với nhiều khó khăn, dự báo xuất khẩu không được khả quan trong những tháng cuối năm bởi chịu tác động bất lợi của tình hình kinh tế thế giới.
Các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may - da giày đều đang sụt giảm sức tiêu dùng. Để vượt qua những khó khăn, duy trì sản xuất ổn định trong những tháng cuối năm nhằm hoàn thành mục tiêu xuất khẩu, đòi hỏi ngành này phải có giải pháp tổng thể giải quyết được việc làm, giữ được các đơn hàng cũng như đa dạng hóa thị trường.
Hiện tại, doanh nghiệp đang cố gắng duy trì sản xuất bằng cách giảm ca, giảm giờ làm để phần nào đó đảm bảo người lao động vẫn có thu nhập trong thời điểm khó khăn này. Bên cạnh đó, công ty sản xuất thêm mặt hàng giày thể thao để có thêm đơn hàng, tăng thêm thu nhập cho công nhân.
Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty PouYuen Việt Nam cho biết, là công ty sản xuất có quy mô lớn tới 53 nghìn lao động, hiện các công nhân cũng sẵn sàng giảm thu nhập từ 20 - 30% để chia sẻ khó khăn cùng công ty.
Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May thì cho rằng các doanh nghiệp trong ngành cần phải đẩy nhanh quá trình số hóa để tăng giá trị gia tăng. Đồng thời, tăng hàm lượng sáng tạo về mẫu mã sản phẩm phù hợp với nhiều thị trường. Bên cạnh đó, tập trung hướng đến thị trường nội địa trong thời điểm khó khăn này.