Hoàn thiện hành lang pháp lý cho tài chính toàn diện
Thực thi tài chính toàn diện hướng tới phát triển bao trùm | |
Gia tăng độ phủ sóng, thúc đẩy tài chính toàn diện |
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh yêu cầu các đơn vị triển khai nghiêm túc chiến lược tài chính toàn diện |
Trụ cột phát triển bền vững
Tài chính toàn diện được coi là một trong những trụ cột quan trọng trong phát triển bền vững. Đến nay, hơn 60 quốc gia đã xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Việc triển khai thực hiện tài chính toàn diện đã đóng góp không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng sinh kế cho người dân và phát triển DN, hỗ trợ ổn định tài chính và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững. Tại Việt Nam, đầu năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đánh giá của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, việc ban hành và thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia được xem là một bước tiến quan trọng, không chỉ tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được trong thời gian vừa qua mà còn hướng tới mục tiêu toàn diện hơn, mở rộng hơn cho toàn nền kinh tế.
Theo đó, trên cơ sở phối hợp đồng bộ và hiệu quả nhiều nhóm giải pháp, huy động tối đa các nguồn lực nhà nước và tư nhân, trong tương lai, mọi người dân và DN Việt Nam đều sẽ được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững. Đây cũng là cơ sở quan trọng cho sự phát triển lành mạnh, hiệu quả, an toàn và bền vững của ngành Ngân hàng.
Với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo Chiến lược và là cơ quan giúp việc của Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, Ban lãnh đạo NHNN xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng. Để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, vào tháng 7/2020, NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Trên thực tế, thời gian vừa qua, các ngân hàng triển khai rất nghiêm túc Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Phó Tổng giám đốc Agribank Nguyễn Hải Long cho biết, Agribank là một trong những ngân hàng luôn chú trọng phát triển sản phẩm dịch vụ phù hợp khả năng tiếp cận, nhu cầu, đặc điểm giá trị giao dịch nhỏ lẻ cho đối tượng khách hàng khu vực nông thôn. Tỷ lệ cho vay nông nghiệp, nông thôn tại Agribank duy trì mức xấp xỉ 70% tổng dư nợ cho vay, chiếm trên 50% thị phần trong nước. Hay như tại TPBank, việc cấp tín dụng cá nhân có thể giải ngân chỉ trong vòng 20 phút đến 1 tiếng, hạn mức lên tới 5 tỷ đồng thay vì vẫn phải kéo dài hàng tuần với nhiều quy trình thủ tục.
Thay đổi thói quen để tạo bước tiến mạnh mẽ hơn
Nhấn mạnh tài chính toàn diện mang lại lợi ích toàn diện và có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng Nguyễn Thị Hòa lưu ý một số chỉ tiêu quan trọng của tài chính toàn diện phấn đấu đến năm 2025 cần đạt được như: ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tiến tới mục tiêu mỗi người trưởng thành có ít nhất một tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác vào năm 2030; ít nhất 25-30% người trưởng thành gửi tiết kiệm tại TCTD…
Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu chiến lược này, sự hỗ trợ của công nghệ và hành lang pháp lý là vô cùng quan trọng. Theo đánh giá của bà Hòa, nhóm giải pháp hoàn thiện khung khổ pháp lý rất quan trọng vì chỉ khi có khuôn khổ pháp lý đầy đủ thì các TCTD, đơn vị cung ứng sản phẩm dịch vụ mới có cơ sở để cung ứng cả sản phẩm dịch vụ cho khách hàng.
“Thực tế khuôn khổ pháp lý cho cung ứng sản phảm dịch vụ còn bất cập. Đặc biệt là sản phẩm dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ vừa thiếu, có quy định chưa phù hợp nên phải tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý”, bà Hòa đặt vấn đề và tin tưởng, Việt Nam tận dụng lợi thế tương đối lớn là nước đi sau có thể tiếp cận kinh nghiệm quý báu từ các quốc gia và rút ngắn thời gian để đạt được mục tiêu tài chính toàn diện.
Đồng quan điểm, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, tuy hành lang pháp lý để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt cũng đã khá đầy đủ. Nhưng để thúc đẩy tài chính toàn diện thì khuôn khổ pháp lý tiếp tục cần được hoàn thiện hơn mới đáp ứng đòi hỏi xu hướng mới.
“Xu hướng hiện nay đang hướng tới ngân hàng không chi nhánh, giao dịch viên thành tư vấn viên, điều này cũng đang trở thành hiện thực tại Việt Nam. Tại hầu hết ngân hàng lớn, khách hàng giao dịch qua mạng nhiều hơn khách hàng đến giao dịch tại quầy. Tuy nhiên, để thúc đẩy tài chính toàn diện, có ba nội dung phải xử lý: eKYC, điện toán đám mây, tín dụng cho khách hàng cá nhân. Và khuôn khổ pháp lý NHNN xây dựng bám sát nội dung lớn này”, ông Dũng thông tin thêm.
Chiến lược tài chính toàn diện sẽ khó đạt mục tiêu nếu người dân không được mở tài khoản trực tuyến, không có hệ thống tài khoản đa cấp độ, không có hệ thống đại lý ngân hàng - cánh tay nối dài của ngân hàng để làm điểm nạp và rút tiền...
Ông Dũng kỳ vọng, trong tháng 9 này, NHNN sẽ trình và được thông qua các Nghị định liên quan đến các vấn đề lớn như: đại lý ngân hàng, tiền điện tử, thanh toán quốc tế, Mobile Money. Đặc biệt, xác định vấn đề eKYC (xác thực điện tử) chính là “vé gửi xe” để mở rộng tài khoản cá nhân, cơ sở để thúc đẩy tài chính toàn diện. NHNN đang gấp rút hoàn thiện Thông tư hướng dẫn, khả năng sẽ ban hành trong tháng 9 này.
Tuy nhiên, đại diện NHNN cũng bày tỏ quan ngại về “hòn đá tảng” trong thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay đang là thói quen tiêu dùng tiền mặt của người dân. Để phá vỡ hòn đá tảng này, cần những đòn bẩy chính sách và sự tham gia mạnh mẽ của truyền thông để người sử dụng cảm nhận được tiện và lợi khi sử dụng dịch vụ tài chính.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của Chiến lược trong phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh đã yêu cầu tất cả các đơn vị trực thuộc NHNN, các TCTD, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, tổ chức tài chính vi mô cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược, đảm bảo đúng yêu cầu và lộ trình đề ra. Các đơn vị cần lồng ghép nội dung của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược một cách phù hợp, hiệu quả; thường xuyên tự rà soát, đánh giá kết quả thực hiện, xác định khả năng đạt được nhiệm vụ được giao để có giải pháp phù hợp, đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra…
Đặc biệt trong bối cảnh tác động của dịch Covid - 19 như hiện nay, để tiếp tục phát huy vai trò của hệ thống ngân hàng trong việc cung ứng dịch vụ tài chính cho mọi cá nhân và DN, cũng chính là mục tiêu chung nhất của tài chính toàn diện, Phó Thống đốc đề nghị các đơn vị, tổ chức đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, thực thi hiệu quả các giải pháp, chính sách NHNN đã ban hành như Chỉ thị số 02, Thông tư 01… Phó Thống đốc tin tưởng rằng với tinh thần nỗ lực, chung sức đồng lòng của toàn ngành Ngân hàng, chúng ta sẽ triển khai thực hiện thành công các mục tiêu Chiến lược đề ra.