Hoạt động công chứng: Phải góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch
Cụ thể, dự án Luật đã bỏ phiếu yêu cầu công chứng trong thành phần hồ sơ yêu cầu công chứng nhằm đơn giản hóa hồ sơ này; cho phép xuất trình bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực nếu không có bản chính giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng trong một số trường hợp cụ thể; quy định rõ các trường hợp được công chứng ngoài trụ sở; quy định chi tiết hơn về lời chứng nhằm làm rõ hơn trách nhiệm của công chứng viên (CCV) đối với việc công chứng...
Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đã bổ sung 04 điều mới để quy định về công chứng điện tử |
Đối với thủ tục công chứng, dự thảo Luật đã quy định rõ nguyên tắc tuân thủ trình tự, thủ tục chung, đồng thời phải thực hiện thêm một số quy định đặc thù tương ứng đối với từng giao dịch cụ thể, như việc công chứng hợp đồng ủy quyền trong trường hợp hai bên không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng, việc công chứng văn bản phân chia di sản, từ chối nhận di sản...
Dự thảo Luật cũng đã bổ sung 04 điều mới để quy định về công chứng điện tử là việc công chứng được thực hiện bằng phương tiện điện tử để tạo lập văn bản công chứng điện tử; việc công chứng điện tử phải bảo đảm các nguyên tắc cụ thể; việc cung cấp dịch vụ công chứng điện tử chỉ được thực hiện khi đáp ứng các điều kiện cụ thể, đồng thời, cũng quy định về khái niệm, thời điểm có hiệu lực, giá trị của văn bản công chứng điện tử và việc chuyển đổi hình thức giữa văn bản công chứng điện tử và văn bản công chứng giấy; quy định về quy trình công chứng điện tử nhằm tạo cơ sở pháp lý cho chuyển đổi số hoạt động công chứng, là cơ sở để Chính phủ quy định các vấn đề cụ thể về công chứng điện tử và triển khai thực hiện quá trình chuyển đổi số hoạt động công chứng trên thực tế.
Về mô hình Văn phòng công chứng (Điều 21), đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với ý kiến cho rằng, việc không cho phép thành lập Văn phòng công chứng do một CCV làm chủ theo mô hình doanh nghiệp tư nhân đã hạn chế quyền tự do lựa chọn hình thức tổ chức hành nghề đối với CCV, vì những bất cập của mô hình doanh nghiệp tư nhân do phụ thuộc vào một CCV duy nhất đã được giải quyết khi Luật hiện hành và dự thảo Luật đều quy định cho phép Văn phòng công chứng được thuê CCV làm việc theo hợp đồng lao động, tạo hành lang pháp lý để Văn phòng công chứng dễ dàng tăng, giảm số lượng CCV phù hợp với nhu cầu, giúp Văn phòng công chứng vận hành ổn định, bền vững…
Về phạm vi công chứng điện tử, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành cho biết, trong quá trình thẩm tra có 2 loại ý kiến, song đa số tán thành với dự thảo Luật không giới hạn phạm vi công chứng điện tử mà giao Chính phủ quy định lộ trình cụ thể.
Liên quan đến quy định về hành vi bị nghiêm cấm, dự thảo luật quy định cấm CCV tiết lộ thông tin về nội dung công chứng, trừ trường hợp được người yêu cầu công chứng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác; sử dụng thông tin về nội dung công chứng để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Đây là quy định kế thừa Luật Công chứng năm 2014. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, quy định trên chưa phù hợp với Bộ Luật Dân sự. Bởi lẽ, thông tin trên văn bản công chứng liên quan đến nhiều bên, mà Bộ Luật Dân sự có nguyên tắc bí mật riêng tư không được xâm phạm.
“Bây giờ người yêu cầu công chứng đồng ý tiết lộ nhưng còn quyền của người liên quan thế nào”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề.
Góp ý hoàn thiện dự án Luật bằng văn bản, NHNN đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về việc công bố thông tin, niêm yết thông tin đối với các trường hợp CCV bị thu hồi quyết định bổ nhiệm, tổ chức hành nghề công chứng được Sở Tư pháp chỉ định tiếp nhận hồ sơ công chứng của văn phòng công chứng tạm ngừng hoạt động và nghiên cứu bổ sung thủ tục Sở Tư pháp cung cấp thông tin về thực trạng hoạt động của CCV, Văn phòng công chứng tại địa phương.
Về hiệu lực và giá trị pháp lý của văn bản công chứng, NHNN cho biết, dự thảo Luật có nhiều quy định đề cập đến các khái niệm “hiệu lực”, “giá trị pháp lý” của văn bản công chứng, do đó, đề nghị rà soát, làm rõ. Cụ thể, Khoản 3 Điều 62 quy định: Khoản này chỉ quy định “giá trị pháp lý” của văn bản công chứng điện tử theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 5 dự thảo Luật và quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Vậy “hiệu lực” của văn bản công chứng điện tử có theo quy định tại khoản 1 Điều 5 dự thảo luật hay không.
Hay Khoản 2 Điều 66 quy định: Khoản này quy định: “Bản chính văn bản công chứng và các giấy tờ khác trong hồ sơ công chứng phải được lưu giữ tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng ít nhất là 30 năm đối với các giao dịch có đối tượng là bất động sản, lưu giữ ít nhất 20 năm đối với các loại giao dịch khác kể từ thời điểm văn bản công chứng có giá trị pháp lý” trong khi đó lại quy định “hồ sơ công chứng được lưu trữ tại cơ sở dữ liệu công chứng trong thời gian ít nhất là 30 năm kể từ ngày văn bản công chứng có hiệu lực”.
Khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật thì quy định trường hợp ngoại lệ đối với hiệu lực của văn bản công chứng di chúc và thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng. Tuy nhiên dự thảo Luật chưa có quy định làm rõ. Do vậy, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các quy định liên quan tại dự thảo Luật (Điều 57, khoản 2 Điều 66...) cho phù hợp.