Hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch Tây Bắc và TP. Hồ Chí Minh
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết, tuần lễ Văn hóa, Du lịch Điện Biên - Tây Bắc năm 2023 nằm trong Chương trình, thỏa thuận hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2025. Các chuỗi hoạt động văn hóa, du lịch sẽ được hợp tác một cách hiệu quả; thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; tăng cường liên kết, hợp tác phát triển văn hóa - du lịch giữa các tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP. Hồ Chí Minh.
Vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ của vùng Điện Biên nói riêng và Tây Bắc nói chung kỳ vọng sẽ được các doanh nghiệp du lịch hợp tác thu hút du khách thời gian tới. |
Theo ông Bằng, Tây Bắc mở rộng là một vùng đất rộng lớn của Việt Nam, bao gồm 8 tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ và Hà Giang; tùng Tây Bắc sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú, với thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa đặc sắc và lịch sử hào hùng. Được thiên nhiên ban tặng một vẻ đẹp hùng vĩ, riêng có về địa hình, khí hậu, địa chất, cảnh quan và hệ sinh thái. Do đó, vùng Tây Bắc có sức hấp dẫn đặc biệt đối với khách du lịch.
Trong đó, tỉnh Lào Cai có đỉnh núi Fansipan, được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương; tỉnh Hà Giang với Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn kỳ vĩ; tỉnh Yên Bái có Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Căng Chải đẹp nổi tiếng; tỉnh Điện Biên có Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; tỉnh Hòa Bình với Thung lũng Mai Châu bình yên, thơ mộng; tỉnh Sơn La với Cao nguyên Mộc Châu rộng lớn và tươi đẹp với những loài hoa nở bốn mùa; tỉnh Phú Thọ với Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng - Cội nguồn của dân tộc Việt Nam; tỉnh Lai Châu với những đỉnh núi cao kỳ vĩ, thách thức những du khách ưa khám phá…
Tuần lễ văn hóa du lịch Tây Bắc - Điện Biên sẽ giúp các doanh nghiệp hợp tác phát triển du lịch các địa phương |
Vẻ đẹp không đâu có của núi rừng và văn hóa Tây Bắc luôn thôi thúc du khách lên đường để đến với vùng đất trời rộng mở, hùng vĩ, bình yên và bí ẩn. Cùng với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa truyền thống của các dân tộc cũng là điểm nổi bật trong tài nguyên du lịch của vùng Tây Bắc Việt Nam. Tây Bắc là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số như Mông, Thái, Mường, Dao, Khơ Mú, Lào, Lự, Hà Nhì,… với một không gian văn hóa rộng lớn, độc đáo và phong phú.
“Chương trình hợp tác phát triển du lịch các tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2025 với trọng tâm là phát triển sản phẩm du lịch liên kết; tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; đào tạo nguồn nhân lực du lịch và xúc tiến kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực du lịch. Thông qua chương trình, chính quyền, các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, các doanh nghiệp của các địa phương cùng nhau trao đổi, đánh giá tiềm năng, cơ hội và định hướng liên kết xây dựng và phát triển sản phẩm; hợp tác xúc tiến, quảng bá, chia sẻ kinh nghiệm hợp tác phát triển du lịch; đề xuất các giải pháp, sáng kiến cho liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong thời gian tới.”, ông Bằng kỳ vọng.
Lãnh đạo các địa phương kỳ vọng sẽ có nhiều hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch để thu hút du khách tới các điểm đến vùng Tây Bắc và cả TP. Hồ Chí Minh. |
Vạch ra kế hoạch cụ thể cho chương trình hợp tác, ông Dương Anh Đức cho rằng thời gian tới thành phố cùng 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng sẽ tiếp tục phối hợp đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông. Nghiên cứu, quy hoạch và xây dựng dịch vụ giải trí đêm đạt tiêu chuẩn phục vụ du lịch để giữ chân du khách. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá sản phẩm, giới thiệu điểm đến.
Nghiên cứu khai thác hiệu quả thế mạnh đặc trưng về điểm đến, ẩm thực, văn hóa. Tổ chức các chương trình famtrip, frestrip, mời KOLs cùng tham gia và giới thiệu sản phẩm trên nhiều phương tiện. Cần có chương trình truyền thông quảng bá chung của các tỉnh cho cả khu vực để tạo sức mạnh liên kết chung.
“Song song đó, các địa phương cần chú trọng đào tạo về nhân lực du lịch, bao gồm cả nhân lực lao động trực tiếp từ các cơ sở du lịch cộng đồng, người dân làm du lịch. Cung cấp thông tin các sản phẩm dịch vụ mới cho các công ty lữ hành để sớm xây dựng sản phẩm mới, thu hút khách. Chủ động giới thiệu điểm đến mới, đáp ứng đủ tiêu chuẩn phục vụ du lịch để các công ty lữ hành liên kết xây dựng sản phẩm. Xây dựng chương trình hợp tác với những chính sách mở, hỗ trợ xử lý những tình huống bất khả kháng và sự cố phát sinh”, ông Đức nói.