Hợp tác với các tổ chức tín dụng để chuyển đổi số
Thúc đẩy tương lai chuyển đổi số cho lĩnh vực thanh toán | |
Ngành dịch vụ tài chính: Cần tư duy mới để xác lập thành công | |
Ngân hàng kiên cường trước đại dịch COVID-19 |
Tiên phong giúp khách hàng số hóa
Ghi nhận từ thị trường trong 2-3 năm gần đây cho thấy, cùng với việc đẩy mạnh các chiến lược số hóa nội bộ, nhiều NHTM đã đầu tư, hợp tác để hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp là khách hàng của mình.
Chẳng hạn, VietinBank đã hợp tác với Công ty Opportunity Network (ON) để cung ứng dịch vụ kết nối khách hàng trên nền tảng số. Theo đó, nhóm khách hàng DNNVV được hỗ trợ đầu tư hệ thống công nghệ thông tin, kết nối với khoảng 28.000 doanh nghiệp ở 120 quốc gia để tìm kiếm đối tác quốc tế, mua bán hàng hóa, huy động vốn và mở rộng thị trường.
MB cũng có chương trình chăm sóc khách hàng DNNVV và với ứng dụng Biz MBBank, ngân hàng này đã xây dựng được một diễn đàn kết nối số cho hơn 1.000 doanh nghiệp. Tại đây, các doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi các giải pháp kỹ thuật số trong vận hành và kinh doanh với các tính năng như quản lý dòng tiền, quản lý chuỗi cung ứng, thanh toán, trả lương nhân viên…
Hay như BIDV, trong những tháng đầu năm 2021, ngân hàng này đã hợp tác với Công ty cổ phần MISA, Công ty TNHH Kiu Việt Nam và Công ty TNHH Việt Năng để ra mắt chương trình SME Digitrans và dịch vụ kết nối hệ thống ngân hàng điện tử với phần mềm quản lý nội bộ của doanh nghiệp (BIDV-ERP Connection).
Các fintech chuyển đổi số cho người bán hàng online tạo ra một hệ sinh thái mở rộng cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt |
Theo cam kết của BIDV, trong giai đoạn đầu của chương trình SME Digitrans, ngân hàng và các đối tác của mình sẽ tài trợ 2 năm sử dụng các phần mềm quản trị kinh doanh BMP, phần mềm kế toán MISA SME.NET 2020 và hóa đơn điện tử MISA meInvoice cho khoảng 600 DNNVV. Các doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ được kết nối trực tiếp vào hệ thống BIDV ERP Connection để chuyển đổi cách thức quản lý tài chính, quản lý nhân sự và đổi mới các phương thức giao dịch với ngân hàng.
Không chỉ các NHTM tích cực hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp mà trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 căng thẳng như hiện nay, nhiều công ty công nghệ tài chính (fintech) cũng đã phát triển các sản phẩm, dịch vụ để hợp tác hỗ trợ số hóa cho các khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Đại diện Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư Kim An (TP.HCM) cho biết, đơn vị hiện đang kết nối trung gian nhiều khoản vay giữa các TCTD với các hộ kinh doanh, chủ tạp hóa, doanh nghiệp siêu nhỏ ở TP.HCM và các tỉnh lân cận. Thời gian qua, Kim An đã hợp tác với Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam và các công ty công nghệ để hỗ trợ kiến thức, cài đặt các hệ thống phần mềm công nghệ trên laptop, smartphone, giúp chủ doanh nghiệp thực hiện thanh toán online, giao dịch trực tuyến với nhân viên Kim An cũng như các đối tác vay vốn để thanh toán các khoản vay và sử dụng các dịch vụ tài chính điện tử.
Sẽ có nhiều cơ hội hợp tác lớn
Hầu hết các chuyên gia nhận định rằng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như hiện nay thì chuyển đổi số là bước đi “sống còn” của doanh nghiệp. Vì vậy, cơ hội để các NHTM, fintech mở rộng hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số càng ngày càng rộng mở.
Theo Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông, sau 4 tháng triển khai Chương trình hỗ trợ DNNVV chuyển đổi số (SMEdx) đến hiện nay đã có gần 1.800 doanh nghiệp trên cả nước được đề xuất để trở thành mô hình chuyển đổi số tiêu biểu. Mới đây Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã chính thức khởi động Chương trình hỗ trợ DNNVV Việt Nam chuyển đổi số với mục tiêu tạo ra 600 mô hình chuyển đổi số thành công. Trong khi đó, ở khối kinh tế tập thể, hiện Liên minh HTX Việt Nam cũng đã bắt đầu triển khai chuyển đổi số cho các hợp tác xã nông nghiệp ở phía Bắc và tìm kiếm mô hình phù hợp để nhân rộng ra cả nước.
Một số NHTM đang triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số cho rằng, trong những năm tới làn sóng chuyển đổi số sẽ lan tỏa mạnh. Tốc độ số hóa trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng sẽ là động lực để thúc đẩy chuyển đổi số ở các lĩnh vực kinh tế khác bởi mối quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng đang ngày càng trở nên bình đẳng và mở rộng đa dạng các hình thức hợp tác khai thác chung hệ sinh thái khách hàng.
Hiện trên thị trường việc hợp tác giữa các TCTD với các doanh nghiệp đa ngành lớn đã khá phổ biến. Trong đó, các gói hỗ trợ doanh nghiệp thành viên tập đoàn và các chuỗi đại lý phân phối sản phẩm chuyển đổi số cũng đã được các TCTD lồng ghép để đồng bộ hệ thống số hóa, tăng số lượng khách hàng và mở rộng các sản phẩm dịch vụ.
Như trong tháng 8/2021, shipper, người bán hàng và các cửa hàng online nhận tiền thanh toán của khách hàng qua ví điện tử MoMo sẽ có cơ hội nhận thẻ quà giảm giá là các sản phẩm dịch vụ thiết yếu như giảm giá đổ xăng Pvoil và Comeco, dịch vụ giao hàng AhaMove, mua sắm siêu thị và cửa hàng tiện lợi, nạp tiền điện thoại, thanh toán hoá đơn sinh hoạt hàng ngày. MoMo là đơn vị đầu tiên có chương trình khuyến mãi hướng đến người nhận tiền, đặc biệt đối với những người bán hàng, cửa hàng online và các shipper trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn hiện nay.
Bên cạnh đó, hiện nay việc hợp tác giữa NHTM với các fintech và các tổ chức cung ứng hàng hóa, dịch vụ; công ty thương mại điện tử cũng được đẩy mạnh trong bối cảnh doanh nghiệp nhiều ngành nghề tập trung hơn vào kênh thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến.
Mới đây, trong dự thảo Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có tối thiểu 800 doanh nghiệp, 100 hợp tác xã và 4.000 hộ kinh doanh được hỗ trợ để trở thành các mô hình chuyển đổi số thành công.
Vì vậy đây chính là thời điểm thuận lợi để các TCTD gia tăng đầu tư vào các chương trình hỗ trợ khách hàng chuyển đổi số nhằm thích ứng với xu hướng kinh doanh giai đoạn sau dịch Covid-19.