Hợp tác xã công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: Chuyển mình theo xu thế hội nhập
Trong những năm gần đây, các hợp tác xã (HTX) công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã góp phần vào việc đáp ứng nhu cầu của sản xuất và tiêu dùng của người dân địa phương. Theo đại diện Bộ Công thương, đến nay toàn quốc có khoảng hơn 2.250 HTX lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Các HTX tập trung chủ yếu vào các ngành nghề như: chế biến nông, lâm, thủy sản; gốm, gỗ mỹ nghệ; mây tre lá đan lát; dệt, may, thêu; cơ khí, chế tạo; sản xuất hàng tiêu dùng…
Hiện nền kinh tế đang hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới với việc nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã chính thức có hiệu lực và ký kết như CPTPP, EVFTA và mới đây là RECP, UKVFTA... Theo đánh giá của các chuyên gia, các Hiệp định thương mại tự do sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam, trong đó có có mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Đơn cử như RCEP được đánh giá là khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới với sự tham gia của 15 thành viên sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới; quy mô GDP khoảng 26,2 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên để vươn ra thị trường toàn cầu, các HTX cũng phải được "nâng cấp", từ sản xuất truyền thống sang áp dụng công nghệ, quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO. Thời gian qua, các HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được thành lập tương đối đa dạng về ngành nghề, tuy nhiên đa số có quy mô nhỏ, năng lực quản trị còn nhiều bất cập. Bởi vậy, các HTX cần chú trọng huy động các nguồn lực đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, trang thiết bị, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, hoàn thiện tổ chức sản xuất, quản lý. Xây dựng và quảng bá thương hiệu để chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu.
Là một trong những HTX được đánh giá cao trong việc đổi mới công nghệ, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, HTX Mỹ nghệ Hoa Mai (Lào Cai) đã đạt được nhiều thành công. Hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu của HTX Mỹ nghệ Hoa Mai là sản xuất kinh doanh và mua bán đồ gỗ mỹ nghệ. HTX đã sản xuất tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị kinh tế cao như giường, tủ, bàn, ghế các loại...
Ông Nguyễn Văn Quyến, Giám đốc HTX cho biết, để có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh như hiện nay thì ngoài phương pháp thủ công truyền thống, cùng với sự mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, HTX còn có sự đổi mới do áp dụng khoa học công nghệ, đầu tư các máy móc trang thiết bị hiện đại vào hỗ trợ công việc lao động thủ công. Thời gian trước toàn bộ người lao động chỉ sử dụng sức lao động là chính, máy móc trang thiết bị được áp dụng rất ít do cơ sở mới đi vào sản xuất, nguồn vốn còn hạn hẹp, môi trường làm việc chưa thuận tiện... Đến nay, HTX đầu tư thêm máy công nghệ cao như chép hình, trạm khắc, máy nâng xẻ tự động có cấu hình đường nét phức tạp, xây dựng lò tẩm sấy nguyên liệu tần số cao, hệ thống máy phun sơn làm bóng sản phẩm đảm bảo chất lượng, đạt tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam.
Việc áp dụng thiết bị máy móc công nghệ cao đồng bộ từ máy pha chế phối nguyên liệu thô đến máy hỗ trợ làm tinh xảo sản phẩm đã cho năng suất lao động cao (giảm được 5 lần số lao động so với gia công thủ công), tiết kiệm được nguyên liệu đầu vào, giá thành sản phẩm hạ. Vì vậy, thu nhập của HTX tăng, lương của người lao động cao và ổn định. Trong 3 năm liên tiếp từ 2017 đến hết năm 2019, tổng doanh thu HTX đạt 8 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách 85 triệu đồng/năm; Lợi nhuận sau thuế 400 triệu đồng/năm và tạo thu nhập bình quân người lao động 7,5 triệu đồng/tháng.
Trong thời gian tới, cùng với xu thế hội nhập và thay đổi do dịch Covid, HTX sẽ đầu tư mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; tiếp tục đầu tư mới trang thiết bị máy móc hiện đại, đồng bộ phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thêm hiệu quả. Tập trung đầu tư chiều sâu để sản phẩm đạt chất lượng cũng như giá trị thẩm mỹ cao; đi sâu vào việc quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn. Đồng thời đầu tư mở rộng quy mô sản xuất đi đôi với việc tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, ông Nguyễn Văn Quyến nhấn mạnh.
Trên địa bàn Hà Nội hiện có hơn 200 HTX trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Việc thị trường bị ảnh hưởng thời gian qua cũng tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh và thu nhập của các HTX. Theo Liên minh HTX thành phố Hà Nội, thành phố có nhiều HTX tại các làng nghề truyền thống đã có được những bước phát triển như HTX Sản xuất thương mại và dịch vụ chợ gốm làng cổ Bát Tràng, HTX sản xuất mây tre đan xuất khẩu Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), HTX guột mây tre lá Hồng Kỳ (huyện Phú Xuyên)... không chỉ phát triển thị trường trong nước mà các sản phẩm đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Thời gian qua hầu hết các làng nghề cũng như HTX đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh và hoạt động xuất khẩu bị ngưng trệ.
Để khắc phục những khó khăn trên, các HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn đã nhanh chóng thích ứng với tình hình mới. Nhiều HTX chủ động thay đổi phương thức từ kinh doanh truyền thống sang áp dụng công nghệ, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và bán sản phẩm trên các sàn TMĐT. Tuy nhiên, với năng lực hạn chế, các HTX cũng mong muốn nhận được nhiều hỗ trợ từ chính sách của nhà nước và thành phố để ổn định sản xuất, phát triển trong thời gian tới.