Kéo gần “sợi dây” kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với giải pháp tài chính
Kéo gần “sợi dây” kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với giải pháp tài chính |
Giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng, Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế Hoạch và Đầu tư cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2022, nền kinh tế Việt Nam phục hồi ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. CPI 7 tháng tăng 2,54%, đây là con số rất đáng ghi nhận trong bối cảnh nhiều nước có chỉ số lạm phát ở mức 7,5%. Nền kinh tế phục hồi tích cực, tập trung ở nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng trưởng 9,7%. Đóng góp vào kết quả này có doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ.
Để có kết quả này, trong những năm qua, Đảng, Chính phủ đã có sự quan tâm, chỉ đạo phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhiều chính sách, chương trình được ban hành để khuyến khích, tập trung nguồn lực và tạo điều kiện phát triển công nghệ công nghiệp hỗ trợ như Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045..., mới đây nhất là Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ với nhiều chính sách mới.
Ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch VCCI khẳng định, công nghiệp hỗ trợ là cơ sở để phát triển các ngành công nghiệp trong nước, tạo khả năng tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy đầu tư nước ngoài, phát triển kinh tế theo hướng tự chủ và tăng trưởng bền vững.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong thời gian dài nhưng năng lực ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam được đánh giá là còn rất hạn chế. Sản xuất công nghiệp của Việt Nam còn phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu. Khả năng tự cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ từ các doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ lệ rất thấp, ông Bùi Trung Nghĩa chia sẻ.
Cụ thể, ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội (HANSIBA) cho biết, theo số liệu ước tính tình hình sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp Việt Nam thuộc các ngành chế tạo ô tô tỷ lệ nội địa hóa đạt khoảng 5-20%; điện tử tỷ lệ nội địa hóa đạt khoảng 5-10%; da giầy đạt khoảng 30%; dệt may đạt khoảng 30%; công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao khoảng 1-2%; cơ khí chế tạo khác tỷ lệ nội địa hóa đạt khoảng 15-20%.
Các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo |
Kết nối doanh nghiệp với giải pháp tài chính
Để tạo điều kiện cho công nghiệp hỗ trợ phát triển, ông Bùi Trung Nghĩa cho rằng, các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ cần chủ động tìm kiếm giải pháp, tăng cường kết nối, tập trung đầu tư để từng bước chuyển đổi quy trình sản xuất, nâng cấp máy móc thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực để đẩy nhanh việc thay đổi quy trình, công nghệ sản xuất theo hướng hiện đại hơn, cải thiện hiệu quả năng suất sản xuất, đổi mới công nghệ và từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đáng chú ý, để phát triển sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần một nguồn vốn rất lớn, do đó, bà Nguyễn Lan Hương, Phó Giám đốc khối Khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho rằng, cần kéo gần “sợi dây” kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với các giải pháp tài chính. Hiện TPBank đang triển khai các giải pháp tài chính linh hoạt cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói riêng, như cung cấp giá trị hạn mức được cấp đáp ứng được kế hoạch tăng trưởng kinh doanh của doanh nghiệp; ưu tiên room tín dụng cho nhu cầu bổ sung vốn lưu động dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Ngoài việc nhận hỗ trợ từ nguồn vốn bên ngoài, doanh nghiệp cũng cần xây dựng kế hoạch tài chính hiệu quả. Ông Châu Nhị Quang, Trưởng bộ phận Mua bán và Sáp nhập thị trường Việt Nam, Công ty Frontier Management Inc cho rằng, báo cáo tài chính sẽ nói lên hết kế hoạch tài chính của doanh nghiệp nên cần phải rõ ràng, minh bạch để người có nhu cầu giải mã được. Bên cạnh đó, dự phòng tài chính thuyết phục nhà tài trợ tín dụng và nhà đầu tư cần chi tiết, thể hiện sát bức tranh thực tế; cơ sở giả định rõ ràng, dựa trên các yêu cầu khách quan và quan điểm rõ ràng của người điều hành doanh nghiệp; trình bày logic, dễ truy kiểm tra chéo cơ sở giả định, công thức tính.
Ở phạm vi rộng hơn, một chuyên gia đề xuất, Chính phủ cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh nói chung và chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ nói riêng theo hướng minh bạch, bình đẳng, thuận lợi và dễ tiếp cận nhất để khuyến khích các doanh nghiệp yên tâm và quyết tâm hơn trong đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, để nguồn lực của đất nước được huy động, phân bổ và đầu tư một cách hiệu quả theo nguyên tắc thị trường, đáp ứng nhu cầu của thị trường, xã hội và nền kinh tế.