Kết nối TP. Hồ Chí Minh và 9 tỉnh phía Bắc thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững
UBND TP. Hồ Chí Minh phối hợp với 9 tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ gồm Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với một số địa phương phía Bắc và Bắc Trung Bộ giai đoạn 2023 - 2024.
Thỏa thuận này không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội tại các tỉnh tham gia, mà còn tạo ra những cơ hội mới cho kết nối và phát triển bền vững giữa các vùng địa phương. Bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong những năm qua, TP. Hồ Chí Minh cùng với 9 tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ đã ký kết và triển khai nhiều chương trình hợp tác, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tại các địa phương phát triển trên nhiều phương diện, đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước.
Thành phố đã hợp tác với các tỉnh trong nhiều lĩnh vực như thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, xúc tiến đầu tư, du lịch, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, và nhiều lĩnh vực khác. Những chương trình hợp tác cụ thể đã được thực hiện, từ việc quảng bá sản phẩm địa phương tại TP. Hồ Chí Minh đến các dự án liên kết đào tạo nguồn nhân lực và chuyển đổi số, đem lại những kết quả thiết thực.
Lãnh đạo các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ cũng nhìn nhận các nội dung hợp tác kinh tế - xã hội bước đầu mang lại những kết quả đáng khích lệ. Ông Bùi Thanh An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cho biết giai đoạn 2023 - 2024, tỉnh đã thu hút được 3 dự án của nhà đầu tư TP. Hồ Chí Minh với tổng số vốn đăng ký là 613 tỉ đồng; nhiều sản phẩm nông - lâm - thủy sản, sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP Nghệ An đã được tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh.
Ở chiều ngược lại, nhiều sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao như giống, vật tư nông nghiệp, máy móc, thiết bị... của các doanh nghiệp (DN) sản xuất trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã được tiêu thụ rộng rãi tại Nghệ An. Hoạt động kết nối, ký kết ghi nhớ hợp tác, hỗ trợ trong lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội cũng có nhiều nội dung hỗ trợ thiết thực và hiệu quả.
Tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 15 dự án của các nhà đầu tư đến từ TP. Hồ Chí Minh với tổng số vốn khoảng 29.100 tỉ đồng. Ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa, thông tin: Có 2 doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh là Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng và Công ty CP Xây dựng bất động sản Trường Thịnh Phát quan tâm nghiên cứu đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 2 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh với tổng số vốn đầu tư 890 tỉ đồng.
TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị của tỉnh Thanh Hóa tham gia các hội chợ, triển lãm do Thành phố tổ chức để giới thiệu những sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Hai bên đã tuyên truyền tiềm năng, thế mạnh về du lịch của mỗi địa phương, tham gia những hoạt động xúc tiến du lịch để quảng bá điểm đến, giới thiệu chương trình kích cầu, các sản phẩm/dịch vụ du lịch…
Theo thỏa thuận hợp tác được ký kết năm 2023, có 33 nội dung phối hợp song phương giữa TP. Hồ Chí Minh với một số địa phương phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Trong đó, 26/33 nội dung đã thực hiện, 7 sự kiện còn lại sẽ tiếp tục được triển khai trong năm 2024, 2025. Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo các tỉnh thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn một số nội dung, lĩnh vực hợp tác chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương.
Để việc thực hiện thỏa thuận hợp tác những tháng cuối năm 2024 và năm 2025 có hiệu quả, đi vào chiều sâu, tỉnh Nghệ An thống nhất triển khai 24 sự kiện cấp vùng và 13 nội dung hợp tác song phương giữa TP. Hồ Chí Minh và Nghệ An giai đoạn 2024 - 2025; đồng thời tập trung đẩy mạnh hợp tác xúc tiến, thu hút nhà đầu tư, xúc tiến tổ chức tour, tuyến du lịch cũng như hỗ trợ đào tạo nhân lực, chuyển giao kỹ thuật chuyên sâu trong các lĩnh vực y tế, khoa học - công nghệ…
"Nghệ An mong muốn kêu gọi các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh đến tìm hiểu và đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào Khu Kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; thu hút các dự án kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, đầu tư hạ tầng và kinh doanh dịch vụ logistics. Đặc biệt, là các nhà đầu tư chiến lược, các dự án quy mô lớn, có tác động lan tỏa, có tính liên kết giữa các địa phương" - ông Bùi Thanh An nói.
Các tỉnh, thành đều đưa ra nhiều đề xuất hợp tác trong tương lai với TP. Hồ Chí Minh. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình đề nghị Thành phố và Tổng công ty Du lịch Sài Gòn TNHH MTV bố trí nguồn lực để khắc phục khó khăn và đầu tư tiếp giai đoạn 2 của Dự án khu du lịch sinh thái Sài Gòn - Ba Bể. Tỉnh mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Thành phố trong lĩnh vực du lịch, kết nối tour và tuyến du lịch để khai thác tiềm năng du lịch có thế mạnh tại địa phương, như du lịch biển, du lịch văn hóa - lịch sử.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Báu Hà đề xuất kết nối đầu tư vào các lĩnh vực mà tỉnh ưu tiên, như công nghiệp luyện thép, chế tạo sau thép, logistics, cảng biển, du lịch biển, nông nghiệp hữu cơ và phát triển hạ tầng Khu kinh tế Vũng Áng, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Ông Hà cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư các địa phương hợp tác và đầu tư.