Kêu gọi doanh nghiệp ngoại đồng hành với người nuôi gia cầm
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản đánh giá về thực trạng chăn nuôi gia cầm trên phạm vi cả nước trong giai đoạn vừa qua.
Theo đó, cơ quan này cho biết trong giai đoạn 2018-2022, chăn nuôi gia cầm cả nước có tốc độ tăng trưởng bình quân đầu con là 6,3%/năm, tăng trưởng sản lượng thịt gia cầm là 17,5%/năm, sản lượng trứng tăng bình quân 8,8%/năm.
Tính đến hiện nay, Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch thịt gà chế biến sang Nhật Bản và đàm phán thành công với một số quốc gia, vùng lãnh thổ như Hồng Kông và một số nước trong Liên minh kinh tế Á-Âu.
Mặc dù chăn nuôi gia cầm duy trì được tốc độ tăng trưởng, tuy nhiên 2 năm gần đây tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp, hộ chăn nuôi gia cầm đang có xu hướng giảm dần. Theo khảo sát của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), có hàng trăm doanh nghiệp và hàng nghìn hộ dân thiếu vốn, thua lỗ, phá sản hoặc buộc phải giảm quy mô chăn nuôi trong năm 2022 vừa qua.
90% thị phần chăn nuôi gà lông trắng thuộc về các doanh nghiệp FDI. |
Để tạo điều kiện phát triển ngành chăn nuôi gia cầm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các vụ, cục chức năng phối hợp với các địa phương rà soát các văn bản pháp lý để đề xuất sửa đổi. Trong đó, tập trung vào các cơ chế chính sách ưu đãi chăn nuôi, như bổ sung quy định danh mục đất dành cho chăn nuôi trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định về chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi; thực hiện tích cực Đề án phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030…
Đối với thị trường xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Cục Thú y phối hợp với Bộ Công Thương tiếp tục đàm phán, ký kết một số hiệp định với các quốc gia, vùng lãnh thổ có nhu cầu nhập khẩu gia cầm của Việt Nam như Singapore, Malaysia, Banglades, Myanmar, Đài Loan, Hồng Kông… để mở rộng thị trường.
Riêng đối với doanh nghiệp và người nuôi gia cầm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cần phát huy vai trò là đầu tàu, tích cực hỗ trợ và đồng hành cùng người nông dân trong sản xuất, kinh doanh, tránh cạnh tranh không lành mạnh.
Bộ này cũng khuyến khích các doanh nghiệp tiên phong trong việc đầu tư các dự án chăn nuôi gia cầm mới, gắn với giết mổ chế biến gia cầm xuất khẩu theo chuỗi giá trị khép kín.
Được biết, theo thống kê năm 2022, riêng đối với mảng chăn nuôi gà công nghiệp lông trắng các doanh nghiệp FDI chiếm thị phần 90%. Đối với gà lông màu, doanh nghiệp FDI chiếm 55%, doanh nghiệp nội chiếm 45% thị phần. Con số này năm 2021 lần lượt là 40% và 60%.