Khách thuê lao đao vì giá nhà trọ ngày càng đắt đỏ
Giá nhà trong khu vực nội đô sẽ khó giảm Nhiều công nhân đang phải sống tại nhiều khu nhà trọ quá chật chội |
Theo thống kê từ một số trang web cho thuê nhà, giá thuê phòng trọ tại các khu vực đông đúc như Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân (Hà Nội) đã tăng mạnh trong vòng nửa đầu năm 2024. Giá trung bình cho một phòng trọ diện tích từ 15-20m² ở những khu vực này dao động từ 3,5 triệu đến 5 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào tiện nghi và vị trí. Đối với các căn hộ chung cư mini hoặc phòng trọ có đầy đủ nội thất, con số này có thể lên đến 7 – hơn 10 triệu đồng/tháng.
Giá thuê phòng trọ tăng đột biến, ngày càng đắt đỏ |
Trong khi đó, lương cơ bản của người lao động tuy có tăng nhưng lại không tương xứng với mức tăng giá nhà, khiến tỷ lệ chi phí thuê nhà chiếm phần lớn thu nhập của họ. Theo khảo sát của phóng viên, có đến 70% người lao động phải dành hơn 40% thu nhập hàng tháng để trả tiền thuê nhà. Điều này tạo áp lực rất lớn, buộc nhiều người phải tìm cách cắt giảm các khoản chi tiêu khác hoặc chấp nhận sống trong điều kiện chật chội hơn để tiết kiệm chi phí.
“Tôi đã sống ở Hà Nội được gần 4 năm, nhưng chưa bao giờ giá phòng trọ lại tăng mạnh như năm nay. Phòng trọ của tôi ở Cầu Giấy vốn chỉ có 3 triệu/tháng, nhưng tháng trước chủ nhà thông báo sẽ tăng lên 3,8 triệu/tháng. Với mức lương chỉ khoảng 10 triệu đồng, tôi thật sự rất khó khăn trong việc chi trả thêm 800 ngàn đồng mỗi tháng mà vẫn đảm bảo các khoản chi tiêu khác”, anh Nguyễn Văn Hùng quê ở Nam Định hiện đang làm nhân viên văn phòng tại Hà Nội chia sẻ.
Cùng chung cảnh ngộ, bạn Lê Thị Hương (20 tuổi), sinh viên năm hai tại một trường đại học ở Hà Nội cũng đang phải đối mặt với bài toán khó về tài chính. “Gia đình em ở quê cũng không khá giả gì, mỗi tháng ba mẹ chỉ có thể hỗ trợ được một khoản tiền nhỏ. Tiền thuê phòng trọ hiện tại đã lên tới 3 triệu đồng, trong khi trước đây chỉ là 2,5 triệu. Ngoài giờ lên lớp, em phải đi làm thêm rất nhiều mới đủ trang trải, nhưng cũng không dám tiêu xài gì nhiều để tiết kiệm cho việc học”, bạn Hương bày tỏ.
Lý giải nguyên nhân lớn nhất cho việc giá nhà trọ liên tục chỉ tăng không giảm này là do sau nhiều sự cố cháy nổ ở khu nhà trọ, chung cư mini gây hậu quả nghiêm trọng, việc siết chặt an toàn PCCC trở thành một yêu cầu bắt buộc đối với các cơ sở cho thuê phòng trọ nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. Việc Công an TP Hà Nội qua công tác kiểm tra, rà soát đã yêu cầu 16.479 nhà trọ và 22 chung cư mini trên địa bàn phải dừng hoạt động đã buộc các chủ phòng trọ phải nâng cấp trang bị PCCC nếu muốn tiếp tục “hành nghề”. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến một hệ quả không mong muốn là giá phòng trọ đã gia tăng đáng kể.
Lý giải giá cho thuê nhà tăng, ông Trần Đình Hùng, một chủ nhà cho thuê phòng tại Hà Nội cho biết, việc lắp đặt hệ thống PCCC đòi hỏi một khoản đầu tư không nhỏ, bao gồm cả chi phí thiết bị và công lắp đặt. Để đảm bảo lợi nhuận và duy trì chất lượng dịch vụ, tôi buộc phải tăng giá phòng. Tôi hiểu rằng điều này gây khó khăn cho các sinh viên, nhưng đây là một khoản chi phí không thể tránh khỏi.
Ngoài ra, việc người dân các tỉnh đổ xô ra Hà Nội học tập, làm việc đã khiến nhu cầu thuê phòng trọ tăng cao, trong khi nguồn cung còn hạn chế cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến giá nhà trọ ngày càng tăng cao. Theo khảo sát của phóng viên, số lượng phòng trọ mới xây dựng không đủ đáp ứng nhu cầu gia tăng, đặc biệt là ở các khu vực trung tâm thành phố và gần các khu công nghiệp.
Trước tình trạng này, nhiều người thuê trọ đã tìm cách để thích nghi hoặc tìm kiếm các giải pháp thay thế. Một số người đã quyết định chuyển ra các khu vực ngoại thành, nơi giá thuê rẻ hơn, dù phải chấp nhận việc di chuyển xa hơn đến nơi làm việc hoặc trường học.
Một số khác đã phải tìm cách chia sẻ phòng trọ với bạn bè hoặc đồng nghiệp để giảm bớt gánh nặng chi phí. Chị Nguyễn Thị Lan (30 tuổi), một nhân viên kế toán tại Hà Nội là một trong số đông những người đã phải tìm người bạn ở chung phòng trọ để giảm áp lực tài chính. Dù khá bất tiện nhưng với mức giá hiện tại, mỗi người chỉ phải trả khoảng 2,5 triệu đồng/tháng, thay vì 4,5 triệu đồng/tháng nếu ở một mình.
Dù còn nhiều lý do khách quan dẫn đến tình trạng này, nhưng áp lực tài chính đối với người lao động, sinh viên và những người có hoàn cảnh khó khăn vẫn là điều không thể phủ nhận. Trong khi chờ đợi những giải pháp từ phía chính quyền, việc tìm cách thích nghi và quản lý chi tiêu cá nhân vẫn là cách duy nhất mà nhiều người dân có thể làm lúc này.