Khi doanh nghiệp tăng vay vốn quốc tế
HSBC Việt Nam và một số định chế tài chính khác vừa thu xếp một khoản vay hợp vốn trị giá 600 triệu USD cho Công ty TNHH The Sherpa (công ty con của Masan) nhằm phục vụ cho mục đích đầu tư phát triển doanh nghiệp. Trong đó, HSBC đóng vai trò là ngân hàng đồng bảo lãnh phát hành, thu xếp vốn và dựng sổ trong giao dịch này.
Khoản tín dụng với kỳ hạn 5 năm này cũng là khoản vay hợp vốn lớn nhất với kỳ hạn dài nhất Masan từng huy động. Giao dịch đã thu hút 37 bên cho vay. Tổng giá trị khoản vay đã tăng lên 600 triệu USD so với mục tiêu ban đầu là 375 triệu USD.
Ảnh minh họa. |
Một trường hợp khác, CTCP Kinh doanh F88 vừa thông báo đã huy động thành công khoản vay có đảm bảo trị giá 50 triệu USD từ Quỹ tài chính CLSA Capital Partners thông qua Lending Ark Asia Secured Private Debt Funds và 10 triệu USD từ Lendable. Với khoản vốn huy động được, F88 sử dụng phát triển mạng lưới và tăng trưởng quy mô kinh doanh.
Như vậy, tính từ đầu năm 2022 đến nay, F88 đã huy động thành công 70 triệu USD từ hai tổ chức tài chính quốc tế lớn tại châu Á và châu Âu.
Trước đó, Tập đoàn Lộc Trời cuối tháng 10/2022 cũng huy động được một khoản tín dụng hợp vốn trị giá 100 triệu USD, kỳ hạn ba năm do MB, Kasikornbank (Thái Lan), First Commercial Bank, E.SUN Commercial Bank (Đài Loan - Trung Quốc), Agricultural Bank of China Limited, China Construction Bank Corp., CTBC Bank Co. Ltd (Trung Quốc) thực hiện. Theo đó, gói tín dụng này sẽ được các ngân hàng giải ngân thông qua tiền mua giống, vật tư nông nghiệp, các dịch vụ nông nghiệp của Lộc Trời cho các liên minh hợp tác xã, hợp tác xã, tổ sản xuất và bà con nông dân có liên kết sản xuất lúa gạo với tập đoàn này.
Bà Stephanie Betant, Giám đốc Toàn quốc khối dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp của HSBC Việt Nam cho biết, bất chấp môi trường toàn cầu còn nhiều biến động, những giao dịch hợp vốn thành công liên tiếp cho thấy niềm tin mạnh mẽ của các nhà đầu tư vào doanh nghiệp và tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Đợt nâng hạng tín nhiệm gần đây của Moody’s và S&P đã đưa Việt Nam lên gần hơn mức khuyến nghị các nhà đầu tư trên toàn cầu bỏ vốn vào Việt Nam. Kết quả đó phản ánh sự phục hồi nhanh của kinh tế Việt Nam dù chịu nhiều thách thức từ bên ngoài.
Một báo cáo gần đây của Bộ phận nghiên cứu toàn cầu HSBC cũng chỉ ra: Việt Nam được dự báo sẽ trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030, vượt qua các đối thủ như Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan và Anh. Định chế tài chính quốc tế này cũng có niềm tin rằng tiềm năng tăng trưởng tiêu dùng trong nước của Việt Nam đang ngày càng rộng mở, các tổ chức tài chính quốc tế sẽ luôn hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đóng góp vào nền kinh tế thực để tạo ra hàng hóa và dịch vụ thiết yếu cho người dân.
Hiện, việc vay vốn nước ngoài không được chính phủ bảo lãnh của các doanh nghiệp phải tuân thủ các điều kiện theo Thông tư 12/2014/TT-NHNN. Thông tư 12 được ban hành từ năm 2014, trong đó nhiều nội dung được xây dựng phù hợp với quy định tại Luật Đầu tư 2005, Luật Doanh nghiệp 2005. Thế nhưng sau khi Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020 được bàn hành, nhiều nội dung, thuật ngữ tại Luật Đầu tư 2005 và Luật Doanh nghiệp 2005 đã được xóa bỏ hoặc thay thế. Vì vậy, cần phải điều chỉnh quy định về điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh.
Hơn nữa, thời gian gần đây, hoạt động vay nước ngoài của các TCTD và doanh nghiệp có xu hướng gia tăng, nhiều doanh nghiệp phải vay vốn từ công ty mẹ, công ty thành viên để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến nguy cơ không đảm bảo đáp ứng chỉ tiêu về tổng hạn mức rút vốn ròng trung - dài hạn và tăng mức dư nợ vay ngắn hạn nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hàng năm.
Chính vì vậy, NHNN đã xây dựng dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 12/2014/TT-NHNN quy định về điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh. Mục đích của việc xây dựng những quy định mới trong thông tư này nhằm quản lý chặt chẽ hơn hạn mức, giới hạn vay nước ngoài của doanh nghiệp để đề phòng rủi ro từng đối tượng và hỗ trợ doanh nghiệp các nhu cầu sử dụng vốn vay nước ngoài hiệu quả, tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế, góp phần vào thực hiện phát triển sản xuất kinh doanh tạo ra nhiều hàng hóa thay vì tập trung quá nhiều vốn vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán…
Theo Dự thảo Thông tư, bên đi vay (trừ các TCTD được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối và bên đi vay dự kiến có đủ nguồn thu ngoại tệ để trả nợ) phải thực hiện giao dịch phái sinh ngoại tệ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp không phải là TCTD phải tuân thủ quy định về giới hạn vay trung - dài hạn nước ngoài như sau:
Trường hợp vay nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư: số dư nợ vay trung, dài hạn trong nước và nước ngoài của bên đi vay phục vụ cho dự án đó (bao gồm cả khoản vay trung dài hạn nước ngoài dự kiến thực hiện) tối đa không vượt quá phần chênh lệch giữa tổng vốn đầu tư và vốn góp ghi nhận tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Trường hợp vay nước ngoài để tăng quy mô vốn thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh của bên đi vay: Bên đi vay phải đảm bảo số dư nợ vay trung, dài hạn trong nước và nước ngoài (bao gồm cả khoản vay trung dài hạn nước ngoài dự kiến thực hiện) của bên đi vay không vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính được kiểm toán gần nhất tại thời điểm ký thỏa thuận vay nước ngoài hoặc vốn điều lệ trong trường hợp vốn chủ sở hữu thấp hơn vốn điều lệ của bên đi vay.
Trường hợp vay nước ngoài để cơ cấu lại khoản vay nước ngoài hiện hữu của bên đi vay: kim ngạch vay tối đa không vượt quá dư nợ gốc và lãi của khoản vay nước ngoài được cơ cấu.