Khó khăn còn ở phía trước, doanh nghiệp tái cấu trúc mô hình cạnh tranh và kinh doanh
Đó là dự báo tại Diễn đàn “Tái cấu trúc mô hình cạnh tranh và kinh doanh trước thách thức khủng hoảng COVID-19”.
Diễn đàn do Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam tổ chức với sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế uy tín, là thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia và cũng là những người đứng đầu các viện nghiên cứu có uy tín cao như: TS. Trần Đình Thiên, TS. Võ Trí Thành, TS. Cấn Văn Lực…
Ảnh minh họa |
Tại Diễn đàn, trao đổi với các doanh nhân, các chuyên gia cùng một nhận định: dịch bệnh vẫn đang tiếp diễn khó lường kéo theo sự suy giảm của kinh tế toàn cầu, tình hình đang xấu đi tình hình xấu còn tiếp tục kéo dài tới năm 2021. Nhiều khả năng phải đến năm 2022 tình hình kinh tế mới có thể phục hồi về mức bình thường trước COVID-19.
Tình hình thế giới xấu đi thể hiện ở các dự báo liên tục được điều chỉnh, tần suất đưa ra dự báo ngày càng nhiều hơn, dự báo sau cho thấy tình hình xấu hơn dự báo trước thể hiện ở con số tăng trưởng ở dự báo sau thấp hơn dự báo trước.
Việt Nam đã may mắn trở lại trạng thái bình thường mới sớm nhờ làm tốt công tác chống dịch, kinh tế cũng sớm phục hồi nhưng là sự phục hồi yếu ớt. Nhiều dự báo cho rằng tăng trưởng năm 2020 của Việt Nam sẽ chỉ ở mức 2,7% (IMF), 2,8% (WB), 4,1% (ADB).
Theo kịch bản dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tăng trưởng năm 2020 vào khoảng 3,6%-4% và 4,5%-5%. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương dự báo 2,1% và 2,6%. Chính phủ cũng đã giảm kỳ vọng khi đặt mục tiêu nỗ lực đạt mức tăng trưởng 3%-4%.
“Với các nước phát triển thì tăng trưởng âm liên tục trong 2 quý mới là rơi vào suy thoái. Nhưng với Việt Nam là một đất nước đang phát triển vào luôn có mức độ tăng trưởng cao ở mức 6%-7% mà nay tăng trưởng dưới 4% đã là suy thoái”, TS. Võ Trí Thành phát biểu.
Cũng cùng nhìn thấy phía trước còn khó khăn, ông Phạm Việt Dũng, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam cho rằng “tình hình thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ đe dọa đến sự sống còn của không ít doanh nghiệp”.
Những tác động tiêu cực quá mạnh của COVID-19, hàng loạt doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh không còn trụ được, 86% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì COVID-19, 90% người lao động bị giảm thu nhập, 30,8% người lao động bị ảnh hưởng về công việc…
Thực tế đó đòi hỏi cả Chính phủ và doanh nghiệp cần có những thay đổi mạnh mẽ hơn nhanh hơn để doanh nghiệp không gục ngã. Chính phủ và cơ quan nhà nước nỗ lực hơn trong việc hoạch định chính sách. Doanh nghiệp cần có giải pháp hiệu quả, tái cấu trúc mô hìnhk inh doanh, chủ động thích ứng vượt qua thách thức của đại dịch và biến nguy thành an, biến thách thức thành cơ hội, Tổng biên tập Phạm Việt Dũng phát biểu.
Thực tế cho thấy những doanh nghiệp có năng lực tốt, sáng tạo thích ứng nhanh đã phát triển tốt trong đại dịch. Thực tế đòi hỏi doanh nghiệp cần có sự thay đổi mạnh mẽ.
TS.Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đưa ra lời khuyên: Các doanh nhân, doanh nghiệp trong đầu phải nhớ 8 chữ: Cơ hội - Kết nối - Sáng tạo -Quản trị. Tức là tìm kiếm cơ hội kinh doanh từ lợi thế so sánh của doanh nghiệp, của thị trường, của Việt Nam và những cơ hôị từ các cam kết quốc tế, sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư, sự xuất hiện của các lĩnh vực mới, ngành nghề mới. Kết nối với đối tác, kết nối vào chuỗi giá trị kết nối thị trường với tiêu chuẩn cao. Đồng thời thời đại đang yêu cầu sáng tạo và chuyển động cùng Cách mạng công nghiệp 4.0 và những mô hình kinh doanh mới, lĩnh vực mới. Đặc biệt là cần lưu ý đến nâng cao quản trị, trong đó chú ý quản trị rủi ro.
Thông điệp của TS.Võ Trí Thành là: “Trong nguy có cơ. Phải có tinh thần thời chiến quyết liệt, khẩn trương đồng thời tư duy lại, thiết kế lại, xây dựng lại trong một thế giới đổi thay”.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia đưa ra lời khuyên: 2020 là năm rất khó khăn, cần đổi mới tư duy và tận dụng xu thế kinh doanh mới trong giai đoạn mới. Sang năm 2021 nếu dịch bệnh được kiểm soát thì khả năng là sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ đòi hỏi doanh nghiệp phải có tâm thế mới để sớm nắm bắt vận hội mới, giai đoạn mới.
Phân tích rất kỹ tình hình kinh tế thế giới và trong nước, phân tích tác động của COVID-19 tới nền kinh tế, tới từng ngành và từng lĩnh vực, TS.Cấn Văn Lực chỉ ra những xu hướng thay đổi lớn của kinh tế thế giới cũng như của Việt Nam trong và sau dịch bệnh. Từ đó TS. Cấn Văn Lực chỉ ra 6 xu hướng đầu tư kinh doanh mới mà giới doanh nghiệp cần biết rõ.
Trong đó cần lưu ý đến xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư, xu hướng đầu tư vào những tài sản an toàn hơn, xu hướng M-A tăng lên, xu thế tái cấu trúc lại chuỗi cung, xu thế áp dụng công nghệ và thay đổi cách thức làm việc. Tâm lý và hành vi tiêu dùng đã có sự thay đổi mạnh, mua sắm trực tuyến đã trở thành xu hướng… Các doanh nghiệp cần đổi mới và sáng tạo trong mô hình kinh doanh mới.
“Tái cấu trúc mô hình cạnh tranh và kinh doanh luôn là vấn đề quan trọng, là bài toán cốt tử của doanh nghiệp, đặc biệt là khi cơn đại dịch tràn qua. Định vị lại, điều chỉnh lại chiến lược, đưa ra giải pháp sản xuất kinh doanh phù hợp và mô hình cạnh tranh hiệu quả là vấn đề vừa cấp bách vừa lâu dài ở cả tầm doanh nghiệp và tầm quốc gia”, Tổng biên tập Phạm Việt Dũng nhấn mạnh.