Không thiếu vốn cho doanh nghiệp đủ điều kiện vay
Ngành Ngân hàng Hòa Bình: Triển khai hiệu quả các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp | |
Tận dụng tối đa các cơ hội hỗ trợ doanh nghiệp | |
Quyết liệt hỗ trợ, nhưng phải đảm bảo an toàn |
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Lê Quang Tiến đồng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các vụ, cục chức năng thuộc NHNN và các sở, ngành, TCTD, hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Lê Quang Tiến đồng chủ trì hội nghị |
Đồng hành gỡ khó cho doanh nghiệp
Thông tin tại hội nghị, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết: Trước tác động của dịch bệnh, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp về tiền tệ, tỷ giá, lãi suất, tín dụng… nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi dịch. Kết quả sau hơn 2 tháng triển khai quyết liệt, đến 25/5/2020, tất cả các TCTD, kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đều vào cuộc mạnh mẽ, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 223 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 151 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm lãi suất cho hơn 320 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1,14 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt trên 767 nghìn tỷ đồng cho hơn 196 nghìn khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch.
Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho hơn 150 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 3.800 tỷ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho hơn 75 nghìn khách hàng với dư nợ gần 1.600 tỷ đồng, cho vay mới đối với hơn 680 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 25 nghìn tỷ đồng.
Riêng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Thái Nguyên Nguyễn Đình Chi cho biết: Tính luỹ kế từ ngày 23/1 đến ngày 20/5/2020, về miễn giảm lãi vay, tổng dư nợ được miễn giảm là 1.663.302 tỷ đồng cho 1.610 khách hàng với số lãi được miễn giảm là 1.320 triệu đồng. Tổng dư nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 3.323 tỷ đồng cho 494 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới với lãi suất ưu đãi là 11.535 tỷ đồng cho 4.720 khách hàng…
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội nghị |
Các ý kiến phát biểu của các doanh nghiệp tại hội nghị đều đánh giá và ghi nhận sự vào cuộc quyết liệt, đồng hành, chia sẻ của ngành Ngân hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khôi phục, ổn định sản xuất.
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên đánh giá cao việc NHNN ban hành Thông tư 01 mà theo ông là “rất ngắn gọn, chỉ có 8 Điều 5 trang nhưng đã toát lên đầy đủ tinh thần đồng hành, hỗ trợ của ngân hàng với DN”.
“Tôi đánh giá ngành Ngân hàng đã luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện hỗ trợ cho cộng đồng DN tỉnh phát triển: Phân loại DN theo từng nhóm để có chính sách hỗ trợ kịp thời (giãn nợ, giảm lãi vay, giảm phí,…). Rất nhiều DN tiếp cận được, đặc biệt là các DN lớn”, ông Thời chia sẻ.
Theo ông Thời, việc cơ cấu lại nợ, giảm lãi và phí, giữ nguyên nhóm nợ là ba điều mà DN rất trông chờ và mong muốn. Các ngân hàng hầu hết đã chủ động kéo dài thời gian trả nợ, trước đây là 6 tháng giờ được kéo dài ra 8 tháng, kết hợp giảm lãi, phí. Ông cũng mong muốn không chỉ với các DN lớn, mà với những DNNVV, DN siêu nhỏ cũng cần được quan tâm hơn để các đối tượng này tiếp cận được nhanh nhất những hỗ trợ từ phía ngân hàng.
Ông Nguyễn Việt Thắng, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT - DN trong lĩnh vực may mặc chia sẻ: Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, hầu hết các DN dệt may chịu ảnh hưởng kép từ khủng hoảng cung sang khủng hoảng cầu. Từ cuối năm 2019 đến đầu tháng 3/2020, DN may mặc ảnh hưởng nguồn cung nguyên liệu, tới giữa tháng 3 thì dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát ở châu Âu, Mỹ dẫn đến khủng hoảng về cầu sản phẩm.
“DN có nguyên, phụ liệu nhưng không được sản xuất, các khách hàng đồng thời giãn thời gian giao hàng thì cũng tự động giãn thời gian thanh toán từ 30 lên 60 ngày, thậm chí 90 ngày gây rất nhiều khó khăn cho DN. Chính ở trong giai đoạn khó khăn này, DN đã rất may mắn khi có sự đồng hành, hỗ trợ kịp thời của hệ thống ngân hàng. Các khoản nợ tới hạn của DN được giãn tới 90 ngày, lãi suất cho vay giảm 0,5%, phí giảm khoảng 20-25%. Chính nhờ hỗ trợ này mà công ty có thêm nguồn lực duy trì sản xuất, trong đó ưu tiên trả thu nhập đầy đủ cho cán bộ, công nhân viên, đảm bảo sản xuất”, ông Thắng bày tỏ.
Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh hiệu quả
Trao đổi về một số vướng mắc của các DN liên quan tới Thông tư 01, ông Đỗ Trọng Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên cho rằng, du lịch là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo ông Hiệp, quy định tại Thông tư 01 thì chỉ được cơ cấu nợ với món vay của doanh nghiệp, trong khi đó du lịch vốn là một ngành đặc thù khi bao gồm rất nhiều thành phần tham gia (cơ sở lưu trú, nhà hàng ăn uống, vận tải…). Phía Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên kiến nghị NHNN có thể nghiên cứu và xem xét mở rộng đối tượng đối với một số lĩnh vực đặc thù như du lịch để hỗ trợ toàn diện hơn cho DN.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quang Tiến đánh giá cao và trân trọng sự hỗ trợ của NHNN, của toàn ngành Ngân hàng cùng với địa phương đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 thời gian qua. Ông Tiến cũng cho rằng, để có thể đạt được những kết quả tích cực hơn trong thời gian tới rất cần sự chung sức, đồng hành của cộng đồng DN, doanh nhân cùng với địa phương để vượt qua thách thức. "Cần tăng cường hoạt động kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trong thời gian tới", ông Tiến nhấn mạnh, bởi “một trong những điều các DN tâm đắc qua chương trình này là việc được thường xuyên đối thoại, thường xuyên nắm bắt thông tin và lắng nghe”.
Toàn cảnh hội nghị |
Lắng nghe các trao đổi, các đề xuất kiến nghị của lãnh đạo, các sở, ban, ngành, DN tỉnh Thái Nguyên, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh: DN muốn hoạt động tốt thì phải được hoạt động trong môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh tốt. Ngành Ngân hàng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thống đốc NHNN đã theo dõi rất sát và đưa ra các kịch bản điều hành để có thể ứng phó ngay với những diễn biến thị trường tài chính quốc tế, kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. NHNN cũng chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và luôn sẵn sàng nguồn vốn cho các DN, người dân có đủ điều kiện vay vốn.
Theo Phó Thống đốc, thanh khoản hệ thống ngân hàng đang dồi dào nhưng tăng trưởng tín dụng cao hay không sẽ phụ thuộc vào nhu cầu vay vốn DN và người dân; vào điều kiện, tiêu chuẩn ngân hàng đặt ra, các DN và người dân có đáp ứng được hay không. Bởi bản chất nguồn tiền TCTD cho vay là huy động từ dân cư, nên vẫn phải đảm bảo trả lãi cho người dân và thu hồi nợ.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Thống đốc NHNN nhiều lần nhấn mạnh chủ trương là không hạ chuẩn cho vay. “Hệ thống TCTD là trung gian tài chính, nếu một TCTD mất khả năng chi trả sẽ gây ảnh hưởng lan truyền tới toàn hệ thống, tác động tới nền kinh tế, khi đó thì chính DN sẽ gặp khó khăn”, Phó Thống đốc cho hay.
Để các giải pháp của ngành Ngân hàng tiếp tục được triển khai kịp thời, hiệu quả hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị Vụ Tín dụng các ngành kinh tế là đơn vị đầu mối tổng hợp những kiến nghị của đại biểu liên quan đến cơ chế, chính sách của ngành Ngân hàng để đề xuất Ban Lãnh đạo NHNN xem xét, sửa đổi, bổ sung phù hợp. Phó Thống đốc cũng giao NHNN Chi nhánh Thái Nguyên cùng các TCTD trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời tổng hợp các kiến nghị vượt thẩm quyền báo cáo các đơn vị chức năng của NHNN để tham mưu xử lý.