Quyết liệt hỗ trợ, nhưng phải đảm bảo an toàn
Sau sự thành công của các Hội nghị kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp tại Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, sáng 22/5/2020, NHNN Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn. Hội nghị do Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình và Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú tham dự và chỉ đạo Hội nghị Kết nối NH - DN tại An Giang |
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Tuấn Dũng - Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh An Giang cho biết, những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã tác động đến mọi mặt kinh tế, xã hội, đời sống của người dân. Thực hiện chỉ đạo của NHNN Việt Nam, từ đầu năm đến nay các TCTD trên địa bàn đã cơ cấu nợ, giảm lãi vay, giảm phí và cho vay mới với lãi suất ưu đãi trên 16.450 tỷ đồng (chiếm 23,1% tổng dư nợ trên địa bàn). Trong đó, dư nợ được cơ cấu là 743 tỷ đồng với trên 1.500 khách hàng; dư nợ được miễn giảm lãi vay 3.309 tỷ đồng với 8.200 khách hàng, dư nợ cho vay mới lãi suất ưu đãi là 12.400 tỷ đồng.
Đơn cử Vietcombank An Giang, sau 3 đợt hỗ trợ khách hàng đã giảm lãi suất được trên tổng số dư nợ hơn 1.300 tỷ đồng và cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với 66,1 tỷ đồng dư nợ; Agribank An Giang có số dư nợ được tái cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ đạt khoảng 56,4 tỷ đồng, số dư nợ được giảm lãi vay đạt 19,2 tỷ đồng và cho vay mới lãi suất thấp trên 3.600 tỷ đồng…
Đánh giá cao việc các TCTD trên địa bàn tỉnh An Giang đã tích cực vào cuộc theo chỉ đạo của NHNN trong việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng đề nghị, các DN cần tăng cường năng lực quản trị điều hành, tái cấu trúc hoạt động, xây dựng phương án chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, tăng tính minh bạch tài chính để các TCTD có giải pháp hỗ trợ kịp thời.
Những hỗ trợ của ngành Ngân hàng đã được cộng đồng DN trên địa bàn ghi nhận. Tuy nhiên, để nhanh chóng hỗ trợ DN và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn, ông Nguyễn Thanh Việt - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang đề nghị, các ngân hàng cần phải chủ động hơn trong việc đưa ra các quy trình xét duyệt DN được hưởng hỗ trợ, chú ý nhiều hơn đến các DNNVV; nếu có thể sẽ áp dụng các giải pháp công nghệ để việc phân loại DN, lập hồ sơ hỗ trợ được thực hiện một cách tự động, không cần chờ DN đề nghị mới tiến hành các thủ tục, giấy tờ.
Ông Phạm Văn Ninh - Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản tỉnh An Giang (AFA) cũng cho rằng, vốn là vấn đề sống còn của DN ngành cá tra ở địa phương hiện nay. Vì vậy đề nghị các ngân hàng đồng hành với DN, cơ cấu các khoản nợ cũ phát sinh trong giai đoạn dịch và gia tăng hạn mức để các đơn vị ngành cá tra có thể vay mới, chuẩn bị cho các hợp đồng tương lai.
Theo thông lệ, từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm là thời điểm chính vụ của cá tra, AFA cho rằng các ngân hàng nên chủ động đề xuất với NHNN Việt Nam có chính sách hỗ trợ vốn vay thu mua tạm trữ cá tra. AFA cũng mong muốn Chính phủ dùng nguồn lực tài chính hình thành quỹ ổn định giá cá tra, giải quyết thu mua nguồn cá nguyên liệu cho người dân nghèo vào các thời điểm giá thấp.
Lắng nghe các ý kiến kiến nghị từ phía DN, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, hoạt động của hệ thống ngân hàng trong giai đoạn hiện nay phải chủ động, tích cực hỗ trợ nền kinh tế với tinh thần “đồng hành - chia sẻ - trách nhiệm”, đặc biệt phải xử lý dứt điểm các vướng mắc, khó khăn trong triển khai Thông tư 01.
Để các giải pháp của ngành Ngân hàng được triển khai kịp thời, hiệu quả hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu các đơn vị vụ, cục NHNN trong giai đoạn tới cần tập trung làm tốt các nhiệm vụ: Rà soát, tham mưu Ban Lãnh đạo NHNN sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách, quy định pháp luật về hoạt động ngân hàng gây cản trở, vướng mắc, khó khăn cho sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện cho các TCTD hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế kịp thời ứng phó, giảm thiểu tác động của dịch Covid-19; đẩy mạnh triển khai các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử...
Theo quy định của Thông tư 01, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ được thực hiện đối với những khoản vay có phát sinh nợ gốc và trả lãi từ ngày 23/1/2020 đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ khi Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch bệnh Covid-19. Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, việc sửa đổi thời gian có hiệu lực của Thông tư 01 đang được NHNN cân nhắc và có thể kéo dài thêm 1 năm sau khi Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch hoặc có thể dài hơn tùy tình hình diễn biễn của dịch bệnh.
NHNN chi nhánh tỉnh An Giang phải thường xuyên làm việc với các sở, ngành, hiệp hội, DN trên địa bàn để nắm bắt, chủ động xử lý các kiến nghị đối với hoạt động ngân hàng; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo NHNN Việt Nam, UBND tỉnh để được xem xét xử lý theo quy định. Các TCTD trên địa bàn phải sát sao hơn trong triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; kịp thời phản ánh với NHNN về các khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị liên quan đến cơ chế chính sách của ngành Ngân hàng trong quá trình triển khai… Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng lưu ý không hạ chuẩn cho vay, đảm bảo an toàn hệ thống.
Bên cạnh đó, để ngành Ngân hàng trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh An Giang nói riêng có thể triển khai hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, Phó Thống đốc mong muốn, lãnh đạo UBND tỉnh An Giang chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp phối hợp chặt chẽ với ngành Ngân hàng trong triển khai các chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN; đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để cùng tháo gỡ khó khăn trong các lĩnh vực đất đai, thuế, cơ sở hạ tầng... khi tiếp cận vay vốn ngân hàng; tiếp tục hỗ trợ các TCTD trên địa bàn trong xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14.