Kịch “Vang bóng một thời”: Hành trình vươn tới cái thiện
Để đưa tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Tuân lên sân khấu kịch là câu chuyện không đơn giản. Nhà văn Nguyễn Hiếu - tác giả kịch bản vở kịch “Vang bóng một thời” cho biết, ở góc độ là một độc giả, từ lâu, ở góc độ là một độc giả ông đã say mê tác phẩm của Nguyễn Tuân. Còn từ góc độ một nhà văn, sự đam mê này lại mang tải thêm sự khâm phục. Khi trở lại sự đam mê đầu đời là viết kịch, thì ông càng ước ao có lúc nào đấy có thể đưa tác phẩm văn học của Nguyễn Tuân lên sân khấu tạo nên một kịch phẩm đủ sức hấp dẫn khán giả như văn chương của ông từng cuốn hút độc giả. Bởi đằng sau ngôn từ mang chất tự sự của tiểu thuyết, truyện ngắn của ông đã có khá nhiều sự tương đồng đối với sân khấu. Từ cách tìm cốt truyện, cách dựng nhân vật, dựng cảnh… Đằng sau vỏ ngôn ngữ ma mị cuốn hút người đọc đã hàm chứa rất nhiều xung đột và mâu thuẫn vốn là tố chất cơ bản của tác phẩm sân khấu. Cách đây chừng 30 năm, Nguyễn Hiếu cũng đã thử sức khi chuyển thể tiểu thuyết “Chùa đàn” của Nguyễn Tuân thành kịch bản sân khấu “Tiếng đàn vùng Mê Thảo” gây tiếng vang.
Cảnh trong vở kịch “Vang bóng một thời” |
Nhưng cuối năm ngoái, khi nhận lời của sân khấu Lệ Ngọc để chuyển truyện ngắn lừng danh của Nguyễn Tuân sang kịch nói, nhà văn Nguyễn Hiếu mới nhận ra sự khó khăn tưởng như khó vượt qua. Trong đó, khó khăn đầu tiên là truyện ngắn “Chữ người tử tù” chỉ vẻn vẹn 8 trang giấy sách, để chuyển sang một kịch bản diễn trong hai tiếng thì quả là một trở ngại lớn.
“Không chỉ dừng ở sự ngắn mà nhân vật chính trong truyện ngắn lừng danh này là gã Quản ngục dường như không có thay đổi về tính cách tâm lý. Trong truyện khi viên Quản ngục biết trong tù sắp nhận có Huấn Cao là một thủ lĩnh khởi nghĩa, lại là một danh sĩ văn võ song toàn, đặc biệt có biệt tài viết chữ thánh hiền cực đẹp vào hàng bậc nhất tỉnh Sơn. Hễ ai sành chơi chữ bất luận sang giàu có chữ của Huấn Cao là cả một vinh hạnh. Biết vậy nên ngay khi nhận giam Huấn Cao chờ ngày trảm quyết thì Quản ngục đã sai ngục tốt biệt đãi, ngày ngày dâng rượu, thịt… đợi ngày thân chinh Quản ngục vào đề lao xin chữ. Và chính vì cảm sự săn sóc, tôn trọng phát hiện đức tính chuộng hiền tài yêu cái đẹp của viên Quản ngục, Huấn Cao đã đề chữ tặng trong không gian cực kỳ bi tráng của nhà ngục. Văn bi tráng, gợi cảnh là vậy nhưng nếu giữ nguyên văn bản truyện ngắn thì thật khó thành kịch”, nhà văn tâm sự.
Để hóa giải cái khó này, với kinh nghiệm nhà nghề của mình, Nguyễn Hiếu đã khéo léo tìm cách xử lý. “Trong kịch bản, tôi vẫn dựa vào cái sườn và ý tưởng cơ bản của truyện ngắn “Chữ người tử tù” là để tôn trọng cái đẹp thì con người phải xây đắp và giữ trong mình thiên lương, tôi đã lấy một số tình tiết và nhân vật của truyện ngắn “Bữa rượu máu” là đao phủ Bát Lê, kẻ có thuật chém treo ngành nổi tiếng và viết thêm nhân vật Bòi Triển trên nền không gian và cốt truyện của truyện ngắn “Những chiếc ấm đất”. Còn với nhân vật chính là viên Quản ngục thì trong kịch gã có cả một hành trình chuyển hóa nội tâm. Từ chỗ biết rõ tài viết chữ của Huấn Cao và vốn từng được học vỡ chữ thánh hiền nên gã cũng muốn có đôi chữ của kẻ tử tù lừng danh để treo trong nhà. Vì thế thoạt đầu gã cậy quyền thế sai viên thư lại cùng đám ngục tốt ép buộc, thậm chí đánh đập Huấn Cao để buộc Huấn Cao cho chữ, nhưng kẻ sĩ này dứt khoát thà chết không cho chữ. Việc tra tấn để bắt Huấn Cao viết chữ của Quản ngục loang ra thiên hạ. Hàng xóm xa lánh gia đình gã, thậm chí người bán gạo chợ cũng không bán gạo khi người hầu nhà Quản ngục đi mua…”, nhà văn Nguyễn Hiếu cho biết.
Như vậy là so với nguyên tác truyện ngắn của Nguyễn Tuân để hình thành kịch bản sân khấu “Vang bóng một thời”, nhà văn Nguyễn Hiếu không chỉ tạo ra một hành trình vươn tới cái thiện, cái đẹp trong tâm hồn Quản ngục làm nền tảng cho xung đột kịch mà còn dựng thêm nhiều nhân vật từ vợ viên ngục tốt đánh chết một đứa trẻ chỉ vì ăn trộm một quả đu đủ, thầy đồ Cắm, vợ Quản ngục, bố vợ Quản ngục, hai con Quản ngục…
Theo giới phê bình sân khấu, bên cạnh sự thành công của kịch bản, đạo diễn Bùi Như Lai đã đẩy vở diễn lên một tầm cao mới. Ông đã cho thấy khát vọng và triển vọng của một tài năng đạo diễn sân khấu bởi việc chịu đọc, chịu nghĩ, chịu làm, chịu bứt phá qua những vở diễn của mình thời gian qua. Điều này được khẳng định rõ nhất ở vở “Vang bóng một thời” mà ông dàn dựng trên sân khấu Lệ Ngọc. “Với vở diễn này, Bùi Như Lai đã chọn con đường ngắn nhất nhưng khó nhất, đẳng cấp nhất với một đạo diễn kịch nói: chinh phục khán giả bằng chính kịch và nói, không cần sự trợ giúp của bất kỳ thứ gì khác”, nhà phê bình Nguyễn Thế Khoa nhận xét.
NSƯT Bùi Như Lai, trong tư cách đạo diễn vở kịch, thừa nhận rằng ông đã chịu nhiều áp lực khi khai thác tác phẩm của nhà văn Nguyễn Tuân. “Dựng vở thế nào để toát lên khí chất, sự đan cài trong tính cách, nội tâm nhân vật là điều không đơn giản, trong khi vẫn phải chuyển tải vẻ đẹp ngôn từ của văn chương Nguyễn Tuân...”, đạo diễn vở kịch chia sẻ.
Xem kịch, thấy rõ một điều, dàn diễn viên với những tên tuổi của các nghệ sĩ như NSND Lệ Ngọc, Hán Quang Tú, Văn Hải, Lâm Cương, Anh Tuấn… đã có nhiều cố gắng để đạt tới yêu cầu của đạo diễn đối với các nhân vật mình thủ vai. Đặc biệt, với vai diễn Huấn Cao, diễn viên Anh Tuấn lợi thế hình thể, đài từ đẹp kèm với đó là chịu khó luyện tập vũ đạo để thể hiện tài viết chữ nổi danh cũng như nét đặc biệt của chất chí sĩ không khuất phục cường quyền.
Nhà văn Nguyễn Hiếu quả quyết rằng, “Vang bóng một thời” là một vở kịch mà ở đó có sự hài hòa ở đỉnh cao của êkíp sáng tạo, từ tác giả đến đạo diễn, phục trang, hậu đài… đến tập thể diễn viên. Còn thạc sĩ Phạm Ngọc Anh, Giám đốc Nhà xuất bản Sân khấu khẳng định: "Lần đầu tiên tôi được xem một vở kịch chỉ có nói mà hay đến vậy".
“Vang bóng một thời” - vở kịch mới nhất vừa được thai nghén trong giai đoạn dịch Covid-19 căng thẳng, đã được sân khấu kịch Lệ Ngọc đưa vào TP.HCM biểu diễn từ ngày 14 đến 24/3, cùng các vở “Làm vua”, “Nước mắt của mẹ” và “Vụ án người đốt đền”. Với 4 vở diễn và 22 suất diễn (2 suất/ngày), đây là đợt lưu diễn quy mô nhất của sân khấu Lệ Ngọc đến với khán giả TP.HCM. |