Kiên quyết đẩy lùi nạn hàng giả, hàng kém chất lượng
Đà Nẵng ngăn chặn hàng giả, hàng nhái Kiên quyết ngăn chặn hàng lậu, hàng giả |
Nhiều đối tượng chỉ bán hàng qua cộng tác viên trung gian, đăng sản phẩm trên website nhưng thực tế chỉ nhận đơn hàng rồi đặt qua đơn vị khác để làm trung gian kiếm lời. Bên cạnh đó, chiêu trò đánh tráo mặt hàng có chất lượng kém cũng hết sức phổ biến. Các đối tượng khi đưa thông tin lên mạng là hình ảnh và thông tin của hàng thật, nhưng khi khách hàng nhận được có thể là hàng giả, hàng nhái rất khó phát hiện.
Khảo sát trên các trang mạng xã hội dễ dàng bắt gặp những lời mời chào mua hàng có thương hiệu nổi tiếng như: Adidas, Gucci, Chanel, Boss… nhưng chủ yếu đó là những loại hàng hóa làm giả thương hiệu, hàng vi phạm bản quyền và cả hàng cấm kinh doanh. Khách hàng chỉ cần đặt số lượng và báo địa chỉ là hàng sẽ được chuyển tới tận nơi. Các cơ quan quản lý đã vào cuộc quyết liệt, nhưng cuộc chiến vẫn chưa có hồi kết.
Lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt chống hàng giả, hàng kém chất lượng |
Theo số liệu từ Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), giai đoạn năm 2021 – 2023, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra, xử lý hàng nghìn vụ việc liên quan đến xâm phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) sản phẩm của Nhật Bản tại Việt Nam. Cụ thể, mặt hàng mỹ phẩm có 123 vụ bị xử lý, xử phạt hơn 959 triệu đồng; thực phẩm chức năng có 31 vụ, xử phạt 226 triệu đồng; 100 vụ liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, xử phạt 707 triệu đồng...
Đại diện hãng Panasonic tại Việt Nam chia sẻ, chúng tôi xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm tiêu dùng sản phẩm của Panasonic nhưng cũng là thị trường trọng điểm phải chống hàng giả, bảo vệ an toàn cho người tiêu dùng, tập trung vào hàng điện tử, gia dụng.
Theo đại diện Công ty Kobuta - chuyên sản xuất máy móc nông nghiệp, máy móc xây dựng, cho biết, từ năm 2008, doanh nghiệp này đã mở công ty bán hàng tại Bình Dương, bán chạy nhất là các loại máy nông nghiệp. Thế nhưng, kể từ đó đến nay, nhiều loại máy của Kobuta đã bị “nhái” thiết kế, thương hiệu nên doanh nghiệp đã gửi đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng để can thiệp. Sau đó, các doanh nghiệp có sản phẩm này buộc phải thay đổi mẫu mã.
Ông Watanabe Shige, Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đánh giá, tình trạng hàng nhái, hàng giả tại Việt Nam tác động tiêu cực đến quá trình hình thành một thị trường lành mạnh. Không chỉ hàng chất lượng cao của doanh nghiệp Nhật Bản bị làm nhái, nhiều loại hàng hóa khác cũng bị làm giả tràn lan.
Bà Nguyễn Như Quỳnh, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học Công nghệ cho biết, Việt Nam rất nỗ lực thực thi các quy định quốc tế về phòng, chống hàng giả, hàng xâm phạm SHTT. Tuy nhiên, thực tế, hàng giả giao dịch trên nền tảng TMĐT đang thách thức việc kiểm tra, xác minh và xử lý vi phạm.
Số vụ vi phạm hàng giả, hàng xâm phạm SHTT trên môi trường trực tuyến tăng rất nhanh. Các hành vi vi phạm rất tinh vi khiến cơ quan chức năng gặp khó trong việc nhận biết đâu là hàng thật, đâu là hàng giả. Thậm chí có trường hợp còn giả mạo tích xanh của Bộ Công thương bằng phần hình ảnh logo được chèn thêm vào cuối website. Nhiều đối tượng làm hàng giả các thương hiệu lớn, dựng nên các website và fanpage giả để quảng bá, giới thiệu đến khách hàng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, biện pháp phòng tránh tốt nhất chính là người tiêu dùng cần nghiên cứu và đánh giá nguồn gốc người bán. Kiểm tra thông tin về người bán, bao gồm địa chỉ, số điện thoại và nhận xét từ người mua khác trên các trang web đáng tin cậy. Kiểm tra thông tin sản phẩm, đảm bảo bạn có đủ thông tin chi tiết về sản phẩm, hình ảnh chất lượng và mô tả chính xác. Bên cạnh đó, cần tìm hiểu về chính sách bảo hành, hoàn tiền và tìm hiểu ý kiến, đánh giá từ người mua khác về người bán và sản phẩm để có cái nhìn tổng quan. Nhưng quan trọng nhất là luôn cảnh giác và nghĩ kỹ trước khi thao tác mua hàng trực tuyến trên sàn TMĐT và mạng xã hội.