Kinh doanh bảo hiểm có nhiều triển vọng
Sau hơn 2 năm đối mặt với COVID-19, nền kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam đang dần trở lại thời kỳ bình thường tiếp theo. Khủng hoảng qua đi cũng mang lại những cơ hội để làm mới chính mình với các công ty bảo hiểm, sau giai đoạn nỗ lực cung cấp nhiều giải pháp bảo vệ khách hàng, giúp họ chiến đấu trong trận chiến COVID-19. Thực tế, trải qua đại dịch, khách hàng cũng nhận thức rõ về lợi ích của bảo hiểm...
Thị trường bảo hiểm tiếp tục khởi sắc
Kinh tế Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc trở lại sau hơn 2 năm chống chọi với khủng hoảng do dịch bệnh gây ra. GDP 6 tháng đầu năm 2022 đạt 6,42%, cải thiện đáng kể so với mức 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020. Trong bối cảnh phục hồi chung đó, hoạt động kinh doanh bảo hiểm tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định. Doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm 6 tháng đầu năm ước tính tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.
Theo số liệu mới nhất của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính tới cuối tháng 5/2022, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 66.715 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước và doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 27.564 tỷ đồng, tăng 13,1%. Mức tăng trưởng 13,1% của bảo hiểm phi nhân thọ trong 5 tháng đầu năm 2022 là rất tích cực nếu so với mức tăng trưởng gần 4% của cả năm 2021, đà tăng trưởng này dự kiến sẽ duy trì trong năm 2022 khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch, cùng với những thuận lợi về chính sách.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, tỷ lệ bồi thường nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ, đặc biệt các nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm con người cũng có xu hướng tăng mạnh so với năm 2021 sau khi người dân trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.
Bên cạnh đó, đà tăng trưởng của bảo hiểm nhân thọ đã có dấu hiệu giảm trong 2 năm gần đây (đạt dưới 20% so với mức tăng 30% những năm trước), số lượng hợp đồng và phí bảo hiểm khai thác mới 5 tháng năm 2022 ghi nhận sụt giảm so với cùng kỳ năm 2021 (-19,9% và -4,8%).
Nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe vốn có xu thế tăng trưởng nhanh hơn các nhóm nghiệp vụ khác trong những năm gần đây, đặc biệt tăng trưởng rất mạnh trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Thống kê 5 tháng đầu năm 2022 cho thấy, trong khối phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe đứng số 1 về doanh thu, ước đạt 8.512 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 30,9%, tăng 20,4% so với cùng kỳ, bồi thường 2.392 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 28,1%. Điều này chứng tỏ các sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe ngày càng nhận được sự quan tâm của người dân.
Tuy nhiên, theo khảo sát của Vietnam Report với các doanh nghiệp trong ngành được thực hiện tháng 6/2022, quản trị rủi ro và ngăn ngừa gian lận bảo hiểm trong bảo hiểm sức khỏe là vấn đề mà doanh nghiệp bảo hiểm cần đặc biệt lưu ý. Có đến 45% số doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng vấn đề trục lợi bảo hiểm là một trong những thách thức lớn đối với doanh nghiệp bảo hiểm trong bối cảnh hiện nay, 75% số doanh nghiệp bảo hiểm mong muốn Chính phủ tăng mức độ phạt đối với hành vi trục lợi bảo hiểm.
Doanh nghiệp bảo hiểm làm mới mình
Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, 80% số doanh nghiệp bảo hiểm đang tập trung vào chiến lược “Cải thiện chất lượng dịch vụ khách hàng” với mong muốn có thể mang đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất. Chính vì lý do đó, kết quả khảo sát người tiêu dùng của Vietnam Report cho thấy mức độ hài lòng của khách hàng đối với doanh nghiệp bảo hiểm tăng lên đáng kể ở tất cả các tiêu chí đánh giá.
Với tiêu chí Sự hiện diện, mức độ hài lòng của khách hàng đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tăng từ 4,31 lên 4,54 và đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tăng từ 4,01 lên 4,25.
Với tiêu chí đánh giá thứ hai là Năng lực phục vụ, mức độ hài lòng của khách hàng đối với doanh nghiệp bảo hiểm tăng mạnh với cả nhân thọ và phi nhân thọ.
Sau thời kỳ bùng nổ của đại dịch, con người ngày càng nhận thức tích cực hơn về bảo hiểm. Vậy nên, kết quả khảo sát về Sự tin cậy của doanh nghiệp bảo hiểm cũng tăng lên đáng kể, đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ mức tăng đạt 8% và đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, mức tăng đạt 6%.
Với tiêu chí Chất lượng sản phẩm, mức độ hài lòng của khách hàng đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tăng từ 3,98 lên 4,45 và đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tăng từ 3,80 lên 4,25.
Do mức độ cạnh tranh trong ngành bảo hiểm ngày càng gay gắt, các doanh nghiệp bảo hiểm phải cân nhắc để đưa ra mức phí hợp lý với nhiều mức ưu đãi hấp dẫn để thu hút khách hàng. Vậy nên, mức độ hài lòng của khách hàng về phí bảo hiểm đã tăng từ hài lòng lên rất hài lòng đối với cả bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ.
Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm thiếu hụt nhân sự
Bảo hiểm là ngành có tốc độ tăng trưởng hai chữ số ngay cả trong thời kỳ bùng nổ của đại dịch; tuy nhiên, theo khảo sát của Vietnam Report, 20% số doanh nghiệp bảo hiểm đang gặp phải tình trạng thiếu hụt nhân sự. Đáng chú ý, tỷ lệ nhân sự tốt nghiệp từ chuyên ngành bảo hiểm dưới 10% diễn ra khá phổ biến, được ghi nhận tại 40% doanh nghiệp bảo hiểm.
Sở dĩ, tỷ lệ này thấp như vậy là do hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, số lượng các trường đại học, học viện có chuyên ngành đào tạo về bảo hiểm không nhiều và việc đào tạo nghiệp vụ bảo hiểm tại các trường đại học nhìn chung vẫn mang tính lý thuyết. Nhìn vào chất lượng đào tạo, cũng không khó để nhận thấy khoảng cách tương đối lớn giữa kiến thức sinh viên được học ở trường đại học và công việc thực tế khi đi làm. Trước tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã “chữa cháy” bằng cách tuyển dụng nhân sự được học từ các chuyên ngành khác và đào tạo ngắn hạn kiến thức cơ bản về bảo hiểm.
Thứ hai, đại dịch COVID-19 hoành hành trong hai năm vừa qua cộng thêm việc giãn cách xã hội dài ngày khiến nhiều người lao động rơi vào cảnh thất nghiệp. Chính vì thế, những công việc như tư vấn bảo hiểm trực tuyến được nhiều người lựa chọn. Ngược lại, để có thể đạt doanh thu như kỳ vọng, việc mở rộng đội ngũ nhân viên tư vấn trực tuyến là một chiến lược ưu tiên của doanh nghiệp bảo hiểm trong thời gian này.
Ngoài ra, việc thiếu hụt nhân sự có kỹ năng chuyển đổi số cũng là một bài toán nan giải đối với các doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay, cản trở việc đánh giá rủi ro có thể gặp phải liên quan đến bảo mật thông tin, dữ liệu. Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, tỷ lệ nhân sự am hiểu về Insurtech tại các doanh nghiệp bảo hiểm chủ yếu từ 50-70%.
Chiến lược Insurtech trong doanh nghiệp bảo hiểm
Khi đại dịch qua đi, chúng ta càng thấy rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số, số hóa các quy trình, thủ tục trong tất cả các lĩnh vực, ngành nghề trong đó có bảo hiểm. Để tận dụng tối đa đà phát triển này, các doanh nghiệp bảo hiểm đang gấp rút hoàn thiện và triển khai các quy trình liên quan đến các thủ tục bảo hiểm thông qua nền tảng số.
Một số hợp đồng bảo hiểm cũng sẽ dần được đơn giản hóa theo hướng ứng dụng số hóa để tăng tính tự động. 90,0% số doanh nghiệp bảo hiểm tham gia khảo sát của Vietnam Report hiện đang triển khai chương trình chuyển đổi số, trong khi những doanh nghiệp còn lại dự kiến sẽ triển khai trong thời gian tới.
Kết quả khảo sát của Vietnam Report cũng chỉ ra rằng, việc xây dựng ứng dụng trên thiết bị thông minh và phân phối sản phẩm qua kênh bán hàng mới dường như đã đạt được độ bão hòa nhất định khi tỷ lệ doanh nghiệp bảo hiểm triển khai những nghiệp vụ này trong một năm vừa qua có dấu hiệu chững lại.
Hiện nay, Việt Nam là nước đứng thứ 10 trên thế giới về tỷ lệ người sở hữu smartphone, tỷ lệ người dân sử dụng internet chiếm hơn 70% dân số, vì vậy không khó hiểu khi hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm đều đã xây dựng riêng cho mình một ứng dụng trên thiết bị thông minh thời gian qua, dù ở mức sơ khai hay tích hợp.
Ngược lại với xu hướng của 2 nghiệp vụ trên, nối tiếp đà tăng trưởng từ năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp bảo hiểm đẩy mạnh triển phát triển các sản phẩm theo yêu cầu đạt 60%, là hoạt động được doanh nghiệp bảo hiểm tích cực đẩy mạnh nhất trong giai đoạn vừa qua (+24,7%).
Một điểm đáng lưu ý đối với hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay đó là việc thiếu hệ thống cơ sở dữ liệu chung cho toàn ngành. Mặc dù ở góc độ vi mô, hệ thống công nghệ thông tin đã được xây dựng nhằm phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp, nhưng xét trên bình diện chung toàn thị trường, mỗi doanh nghiệp đang sử dụng một hệ thống công nghệ thông tin khác nhau, không có sự liên thông dữ liệu chung, gây ra tình trạng phân tán dữ liệu, khó khăn cho công tác quản lý, chia sẻ thông tin trong toàn ngành. Kéo theo đó là tình trạng trục lợi bảo hiểm.
Triển vọng ngành bảo hiểm năm 2022
Kết quả khảo sát của Vietnam Report ghi nhận phần lớn doanh nghiệp bảo hiểm dự kiến tăng trưởng doanh thu ngành bảo hiểm năm 2022 chỉ từ 10-14%, thấp hơn khá nhiều nếu so với mức tăng trưởng thực tế 24,98% trong năm 2021. Đáng chú ý, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tỏ ra khá thận trọng với các kế hoạch lợi nhuận âm hoặc dương nhưng với mức thấp hơn tốc độ tăng doanh thu phí bảo hiểm gốc.
Nguyên nhân đến từ (1) Xu hướng giảm đà tăng trưởng của nhóm bảo hiểm nhân thọ đã rõ nét từ 2 năm trở lại đây; (2) Các khoản chi phí tăng mạnh trở lại khi cuộc sống trở về bình thường: tỷ lệ bồi thường, chi phí bán hàng…; (3) Cơ hội đầu tư ảm đạm.
Theo nhận định của các chuyên gia, những khó khăn trên chỉ là ngắn hạn, tiềm năng thị trường trong dài hạn vẫn còn rất lớn.
Thị trường bảo hiểm Việt Nam được đánh giá là tiềm năng với tỷ lệ thâm nhập (doanh thu phí bảo hiểm/GDP) và phí bảo hiểm bình quân (chi tiêu cho bảo hiểm bình quân đầu người) ở mức thấp. Tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm ở Việt Nam hiện dao động ở mức 2,3-2,8%, thấp hơn so với các thị trường mới nổi và cách xa mức 9,6% tại các thị trường phát triển.
Tại Việt Nam, mức chi tiêu cho bảo hiểm bình quân trên đầu người hiện nay dao động quanh mức 72-75 USD, thấp so với mức 175 USD tại các thị trường mới nổi và cách xa con số 4.664 USD tại các thị trường phát triển. Số người tham gia bảo hiểm nhân thọ chỉ khoảng 10 triệu người tương đương với khoảng 10% dân số. Tỷ lệ này được Bộ Tài chính dự kiến sẽ nâng lên 15% vào năm 2025.
Thu nhập bình quân đầu người tăng là một trong những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của lĩnh vực bảo hiểm. Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của Chính phủ, GDP bình quân đầu người của Việt Nam được kỳ vọng đạt 3.900 USD trong năm 2022. Việt Nam đặt mục tiêu GDP bình quân đầu người đạt 5.000 USD vào năm 2025 và đạt hơn 12.000 USD vào năm 2045.
Cùng với đó, dân số Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu vàng với quy mô ngày càng tăng, tỷ lệ dân số thành thị được dự báo tăng trưởng từ mức 37% ở hiện tại lên mức 45%. Theo ước tính của World Bank, tỷ lệ dân số thuộc tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ tăng từ 13% lên 26% vào năm 2026.
Bên cạnh đó, ngành bảo hiểm cũng được hỗ trợ bởi việc tái cấu trúc hệ thống khám chữa bệnh, chế độ bảo hiểm xã hội và khả năng gia tăng tỉ lệ tiếp cận khách hàng thông qua hệ thống ngân hàng (Bancassurance).
Đồng thời, khung pháp lý tiếp tục được nới rộng. Trong tháng 8/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông báo ngành bảo hiểm không bị giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài, điều này sẽ mở đường cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các công ty bảo hiểm, qua đó, thúc đẩy quá trình thoái vốn Nhà nước trong ngành.
Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội XV ngày 16/6/2022 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, với điều khoản chuyển tiếp cũng được kỳ vọng mang đến làn gió mới cho thị trường bảo hiểm.
Các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã chuẩn bị sẵn sàng thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2022 với những mục tiêu tích cực, tăng cường hợp tác, ứng dụng các công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động nhằm mục tiêu phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm an toàn, bền vững, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân, bảo đảm an sinh xã hội.
Top 5 xu hướng của ngành Bảo hiểm
Năm 2022 sẽ là khởi đầu cho một chu kỳ kinh tế mới với những xu thế mới trong phát triển kinh tế, xã hội và ngành bảo hiểm cũng nằm trong vòng quay đó. Các doanh nghiệp bảo hiểm cần nắm bắt xu hướng và lập kế hoạch phù hợp để giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả kinh doanh và đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Kết quả khảo sát các doanh nghiệp Bảo hiểm và phỏng vấn chuyên gia của Vietnam Report thực hiện vào tháng 6 năm 2022 nổi bật lên 5 xu hướng chính.
Ứng dụng số hóa, nền tảng số, công nghệ số
Khi đại dịch qua đi, chúng ta càng thấy rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số, số hóa các quy trình, thủ tục trong tất cả các lĩnh vực, ngành nghề trong đó có Bảo hiểm. Để tận dụng tối đa đà phát triển này, các doanh nghiệp bảo hiểm đang gấp rút hoàn thiện và triển khai các quy trình liên quan đến các thủ tục bảo hiểm thông qua nền tảng số. Một số hợp đồng bảo hiểm cũng sẽ dần được đơn giản hóa theo hướng ứng dụng số hóa để tăng tính tự động.
Sự phát triển của bảo hiểm du lịch,à bảo hiểm sức khỏe
Sau khi mở cửa du lịch trở lại, nhu cầu đi du lịch của mọi người tăng mạnh dẫn đến thị trường du lịch tăng trưởng nóng nên bảo hiểm du lịch có thể sẽ trở thành xu hướng của năm. Thêm vào đó, sau khi trải qua sự mất mát của đại dịch, bảo hiểm sức khỏe đã trở thành một trong những “tấm lá chắn” vững vàng để hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn.
Con người ngày càng nhận thức tích cực hơn về bảo hiểm
Chính đại dịch Covid 19 đã cảnh tỉnh nhân loại về sự cần thiết của các dịch vụ bảo hiểm trước những sự cố tương lai. Bảo hiểm nhân thọ chính là giải pháp để giải quyết các vấn đề này.
Sản phẩm bảo hiểm mang tính thích ứng cao
Các công ty bảo hiểm sẽ xem xét phát triển các chính sách đặc thù hơn, tập trung vào nhu cầu thực sự của khách hàng và đưa ra các giải pháp thay thế sáng tạo. Đồng thời, các công ty bảo hiểm phải thiết kế nhiều gói sản phẩm hơn để thích ứng với từng đối tượng khách hàng.
Cạnh tranh gay gắt để tìm kiếm nhân sự tài năng
Trong thời kỳ giãn cách do đại dịch vừa qua đã làm thay đổi cách thức làm việc cũng như nhận thức về môi trường làm việc của các công ty bảo hiểm nói chung và nhân sự làm trong ngành nói riêng. Một số công ty bảo hiểm cho phép nhân viên cơ động giữa hai loại hình làm việc: Từ xa và Tại văn phòng. Những thay đổi này sẽ làm tăng thêm thách thức cho các công ty bảo hiểm trong việc thu hút và giữ chân nhân sự tài năng trong bối cảnh mới.
Uy tín truyền thông của doanh nghiệp bảo hiểm
Khảo sát của Vietnam Report cho thấy, uy tín doanh nghiệp đã vươn lên trở thành yếu tố bên trong quan trọng thứ 3 ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm trong thời kỳ bình thường tiếp theo.
Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh đánh giá của khách hàng và đối tác, hình ảnh doanh nghiệp trên báo chí và các phương tiện truyền thông chính là một tấm gương phản ánh chân thực nhất về uy tín doanh nghiệp.
Kết quả phân tích truyền thông giai đoạn 6/2021-5/2022 của Vietnam Report trên một số trang thông tin, tài chính có lượng lớn độc giả truy cập hàng ngày cho thấy, tần suất xuất hiện của các doanh nghiệp bảo hiểm còn khiêm tốn so với các ngành khác khi chỉ có 71,7% số doanh nghiệp đạt ngưỡng nhận diện trên truyền thông. Trong đó chủ yếu là doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ với 100% số doanh nghiệp đạt ngưỡng nhận diện trên truyền thông, cao hơn so với tỷ lệ năm 2021 chỉ có 94,4%, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ xuất hiện ít hơn hẳn với 55,2% và tỷ lệ này cũng thấp hơn so với tỷ lệ năm 2021 với 61,3%.
Bức tranh về ngành bảo hiểm trong năm vừa qua đã được phản ánh rõ nét qua lăng kính truyền thông. Là trụ cột của nền kinh tế cùng nhiều sự kiện như việc ra mắt các sản phẩm mới, hình ảnh tích cực trên truyền thông, nhóm bảo hiểm trong giai đoạn nghiên cứu có lượng tin về chủ đề Hình ảnh/PR/Scandals tăng cao hơn so với năm trước, từ vị trí số 3 đã vươn lên vị trí số 1 về chủ đề xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông.
Ngoài nhóm chủ đề này, đa phần thông tin về doanh nghiệp bảo hiểm chỉ xoay quanh các chủ đề: Sản phẩm/dịch vụ (14,2%); Tài chính/kết quả kinh doanh (10,6%); Chiến lược kinh doanh, M&A (8,4%). Cơ cấu thông tin về các chủ đề khác (trong tổng số 24 nhóm chủ đề bao phủ) không nhiều, đều chiếm tỷ lệ dưới 5%.
Xét về tin tích cực - tiêu cực theo chủ đề, Top 4 chủ đề được phân tích đều có sự gia tăng về tỷ lệ tin tích cực, phản ánh bức tranh tươi sáng của ngành bảo hiểm trong giai đoạn vừa qua. Hầu hết các chủ đề đều có sự giảm đáng kể đối với lượng tin tiêu cực.
Cùng với các dữ liệu trên, Vietnam Report cũng công bố danh sách Top 10 Công ty bản hiểm uy tín năm 2022.