Kinh tế Mỹ suy thoái: Liệu Tổng thống Trump có tái đắc cử?
'Làn sóng xanh' trong bầu cử Tổng thống Mỹ có thể khiến Fed sớm tăng lãi suất | |
Bầu cử ở Mỹ đang được theo dõi sát sao |
Chứng khoán Mỹ đồng loạt lao dốc phiên 28/10 do lo ngại tác động từ số ca nhiễm Covid-19 tăng trở lại |
Lần này có khác?
Chỉ còn vài ngày nữa là đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và vẫn chưa rõ liệu tin tức từ nền kinh tế và TTCK sẽ giúp ích hay làm tổn thương đến vị ứng cử viên của đảng Cộng hòa - Tổng thống đương nhiệm Donald Trump. Nhưng rõ ràng, việc các chỉ số chứng khoán giảm mạnh như phiên hôm thứ Tư vừa qua thì tác động là không hề tích cực.
Cuộc thăm dò của CNN tính đến ngày 22/10 cho thấy, ứng cử viên Biden vẫn đang dẫn điểm trên phạm vi toàn quốc trước ông Donald Trump. Trong khi đó, theo dữ liệu từ RiverFront Investment Group, từ trước đến nay cũng không có vị Tổng thống đương nhiệm nào thắng được ở nhiệm kỳ thứ hai khi nền kinh tế rơi vào suy thoái trong khoảng hai năm trước khi diễn ra bầu cử. Các trường hợp của Tổng thống Herbert Hoover (năm 1932), Jimmy Carter (năm 1980) và George H.W. Bush (năm 1992) là những dẫn chứng. Nói cách khác, nếu chỉ nhìn vào các dữ kiện lịch sử và thế dẫn trước của ông Biden luôn được duy trì cho đến nay mà không cần xét tới nguyên nhân thì lợi thế thắng cử rõ ràng đang nghiêng về ứng cử viên của đảng Dân chủ.
Tuy nhiên kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ trong quá khứ cũng cho thấy, Tổng thống George Bush đã bất ngờ giành chiến thắng vào năm 2000 dù bị đối thủ Al Gore dẫn trước ở nhiều tiểu bang. Và chính Tổng thống đương nhiệm hiện nay cũng đắc cử vào năm 2016 dù ở thế có số phiếu bầu phổ thông thấp hơn so với đối thủ Hillary Clinton… Những bức tranh đầy tính phức tạp ấy cho thấy, bầu cử Tổng thống Mỹ luôn chứa đựng những yếu tố bất ngờ và tình hình không mấy khả quan đối với Tổng thống Trump hiện nay không có nghĩa cơ hội tái đắc cử của ông đã hết.
Hơn nữa, nếu đi sâu hơn vào nguyên nhân thì suy thoái kinh tế Mỹ hiện nay là một “suy thoái kỳ lạ”, được gây ra bởi yếu tố y tế sức khỏe – sự bùng phát của đại dịch Covid-19, chứ không phải từ các yếu tố kinh tế đơn thuần. Trong cuộc phỏng vấn với CNN Business mới đây, Ashok Bhatia, Phó giám đốc mảng đầu tư thu nhập cố định của Neuberger Berman, cho biết: “Hầu hết các cuộc suy thoái trước đây gây ra bởi lãi suất cao hoặc bong bóng tài sản. Vì vậy, nên cẩn thận khi nhận định rằng cuộc suy thoái hiện nay sẽ có hại cho ứng cử viên đương nhiệm vì nó đến từ các nguyên nhân rất khác.
Dù sao, kinh tế vẫn cần kích thích
Kết thúc phiên 28/10, chứng khoán Mỹ đồng loạt lao dốc. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm tới 3,4%, xuống 26.519,95 điểm; S&P 500 giảm 3,5%, còn 3.271,03 điểm; Nasdaq Composite mất 3,7%, còn 11.004,87 điểm. Riêng chỉ số Dow Jones và S&P 500 còn được ghi nhận là phiên tồi tệ nhất kể từ ngày 11/6. Chỉ số Biến động CBOE (VIX) - thước đo "sự sợ hãi" của Phố Wall - cũng đã tăng lên trên 40, mức cao nhất kể từ ngày 15/6/2020. Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất vẫn là lo ngại từ số ca nhiễm Covid-19 tăng trở lại (và có thể kéo theo các tác động kinh tế như phải gia tăng tái áp dụng các biện pháp giãn cách), chứ không phải từ các dữ liệu kinh tế kém đi.
Thậm chí, chính kỳ vọng về sự hồi phục của nền kinh tế nói chung, cũng như thu nhập và lợi nhuận của các DN nói riêng là những lý do quan trọng giúp cho TTCK vẫn có đà tăng mạnh kể từ tháng 3 đến nay. Đơn cử, ngay cả khi có mức giảm trên 3% vào thứ Tư vừa qua, S&P 500 vẫn đang ở mức cao hơn so với đầu năm và Nasdaq cũng ghi nhận mức tăng gần 25% từ đầu năm tới nay. Thị trường cũng đang đón chờ tin tức từ báo cáo kinh tế quý III vào ngày thứ Năm và chắc chắn đến 99% sẽ là một quý phục hồi rất mạnh từ mức giảm sâu của quý II.
Tất nhiên, không thể khẳng định TTCK vẫn trong đà tăng do kỳ vọng ông Trump tái đắc cử hay do các NĐT đang đặt cược vào chiến thắng của ứng cử viên Biden. Nhưng dù là ai thắng thì một điều chắc chắn là các NĐT vẫn kỳ vọng một gói kích thích kinh tế khác từ Nhà Trắng và Quốc hội sẽ xuất hiện vào đầu năm 2021. "Bất chấp những gì đang diễn ra hiện nay, các NĐT mong đợi sẽ có nhiều kích thích hơn và nền kinh tế trở lại bình thường", Tim Barron, Giám đốc đầu tư của Segal Marco Advisors nói:
Còn theo Talley Leger, chiến lược gia đầu tư cấp cao của Invesco, không ai muốn mạo hiểm với sự phục hồi hiện nay và dù ai nắm quyền, chắc chắn họ sẽ không muốn tăng thuế ngay lúc này. Thế nên ngay cả trong trường hợp ông Biden thắng cử thì viễn cảnh Tổng thống và Quốc hội nhanh chóng hủy bỏ việc cắt giảm thuế như hiện nay sẽ khó xảy ra.
Thay vào đó, Tổng thống mới sẽ cần tập trung nhiều hơn vào các gói kích thích vốn đã được chờ đợi từ lâu. Đây là nhu cầu tức thời và cấp bách hơn là cải cách thuế. Thực tế khi lên nắm quyền trong nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2008, cựu Tổng thống Obama thay vì thay đổi chính sách của người tiền nhiệm, đã gia hạn một số đợt cắt giảm thuế trước đó của cựu Tổng thống George W. Bush để đảm bảo nền kinh tế Mỹ có thể chữa lành vết thương gây ra bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Thế nên, cũng có không ít quan điểm cho rằng, hãy “tạm quên” việc ai sẽ là Tổng thống nhiệm kỳ tới, mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) mới là nhân tố quan trọng hơn đối với thị trường. Bên cạnh yếu tố Covid, Phố Wall đang tập trung hơn vào việc liệu sẽ có nhiều kích thích hơn đến từ Fed hay không. Các NĐT kỳ vọng Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ được tái bổ nhiệm vào nhiệm kỳ thứ hai bất kể ai thắng cử Tổng thống, để công việc điều hành và đối phó của Fed trước cuộc khủng hoảng coronavirus hiện nay sẽ vẫn được tiếp tục. “Miễn là Jerome Powell muốn, ông ấy sẽ được chỉ định đảm nhiệm thêm một nhiệm kỳ nữa”, chuyên gia Ashok Bhatia của Neuberger Berman nhận định.