Làm gì để “khơi thông” tín dụng xanh?
Khơi thông dòng vốn xanh từ các ngân hàng | |
Vay lắp đặt điện áp mái, lợi ích nhân đôi | |
Để tín dụng xanh "xanh" mãi |
Ngân hàng HSBC Việt Nam vừa ký kết hợp đồng tín dụng xanh nhằm tài trợ dự án xây dựng nhà máy nhựa tái chế của Công ty cổ phần Sản xuất nhựa Duy Tân. Đây là khoản tín dụng xanh đầu tiên HSBC thu xếp cho một doanh nghiệp Việt Nam trong tổng số 100 tỷ USD mà ngân hàng này cam kết sử dụng cho tài trợ và đầu tư bền vững trên toàn cầu cho đến năm 2025.
HDBank cũng đang triển khai chương trình “Thẻ xanh cho gia đình Việt” kéo dài từ nay đến 30/9, phát thẻ tín dụng cho khách hàng cá nhân lắp đặt điện mặt trời áp mái có nhu cầu mở thẻ để thanh toán hợp đồng xây lắp. Với chương trình này, HDBank không yêu cầu tài sản bảo đảm, cung cấp hạn mức thẻ lên đến 250 triệu đồng với thời hạn sử dụng 6 năm.
Mỗi TCTD cần xây dựng khung chiến lược cũng như lộ trình cụ thể cho tín dụng xanh |
Trước đó, ngay tháng đầu năm 2020, VPBank ký kết “Hợp đồng cho vay tín dụng xanh” trị giá 212,5 triệu USD với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và các nhà đồng tài trợ Ngân hàng Bocom Trung Quốc, Tổ chức tài chính phát triển Đức DEG, Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Tổ chức tài chính quốc tế đa phương IIB, Ngân hàng KEB Hana Hàn Quốc và Ngân hàng Thai Kiatnakin Bank Public Compay Limited…
Nhìn chung những năm gần đây, các ngân hàng tại Việt Nam hiện đã chủ động điều chỉnh cơ cấu tín dụng, tập trung hơn vào tín dụng xanh, chống lại các rủi ro môi trường xã hội, thúc đẩy chuyển đổi để tăng trưởng kinh tế tốt hơn và điều chỉnh cơ cấu kinh tế. Lợi ích mà tín dụng xanh mang lại là không phải bàn cãi, nhưng để triển khai các hoạt động cấp tín dụng cho các lĩnh vực xanh vẫn còn những rào cản cần tháo gỡ.
Tại buổi thảo luận bàn tròn trực tuyến mới đây về vai trò của NHTW trong việc ứng phó với rủi ro biến đổi khí hậu giữa đại diện Chính phủ Vương quốc Anh với các Thống đốc NHTW ASEAN, phía Vương quốc Anh khuyến nghị các NHTW ASEAN cần xây dựng khuôn khổ chính sách để cải thiện công tác quản lý rủi ro môi trường xã hội, xây dựng và áp dụng các mô hình, phương pháp đo lường rủi ro và kiểm tra sức chịu đựng liên quan tới biến đổi khí hậu đối với việc hoạch định CSTT, tín dụng phù hợp với thách thức mới, chú trọng các yếu tố bền vững trong các quyết định đầu tư. Tại toạ đàm, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng đề cập tới việc làm sao để xây dựng lộ trình phù hợp cho các nước đang phát triển để đưa ra được những tiêu chuẩn, yêu cầu liên quan tới rủi ro biến đổi khí hậu và quy định an toàn dành cho các tổ chức tài chính.
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế thừa nhận đầu tư vào lĩnh vực này đòi hỏi chi phí lớn, thời gian hoàn vốn khá dài, đi cùng với đó là rủi ro thị trường cao khi trong một khoảng thời gian dài sẽ phải đối mặt với những thay đổi về chính sách, tỷ giá, khí hậu, môi trường… “Cho vay lĩnh vực xanh thẳng thắn mà nói vẫn là phạm vi hoạt động mới mẻ với các ngân hàng Việt Nam, nên dễ hiểu sẽ có những khó khăn trong khả năng thẩm định đối với những dự án như vậy. Đòi hỏi ngân hàng phải có bộ tiêu chí đánh giá theo từng ngành nghề cụ thể một cách rõ ràng, chi tiết thì quyết định cấp vốn mới hiệu quả”, ông này chia sẻ.
Thêm nữa, các sản phẩm tín dụng xanh ở các ngân hàng được đánh giá là chưa đa dạng, phần lớn khoản cho vay do các tổ chức quốc tế tài trợ và phải đáp ứng yêu cầu về môi trường của các tổ chức này. Những sản phẩm về tín dụng xanh phổ biến trên thế giới như sản phẩm về năng lượng tái tạo, các sản phẩm tiết kiệm, tái chế năng lượng… ở Việt Nam gần như vô cùng hiếm hoi.
Nói tới giải pháp để khơi thông dòng chảy tín dụng xanh tại Việt Nam, TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính cho rằng, cần có hướng dẫn về hoạt động ngân hàng xanh, tín dụng xanh, nêu rõ các tiêu chí đánh giá ngân hàng xanh như hệ thống quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường xã hội; tỷ trọng tín dụng cho lĩnh vực xanh cần ưu tiên hỗ trợ trong danh mục dự án xanh do NHNN ban hành… Đồng thời có những ưu đãi, cơ chế hỗ trợ đối với các TCTD khuyến khích phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh. Nâng cao trình độ cán bộ ngân hàng về hiểu biết cũng như khả năng thẩm định khía cạnh môi trường, đánh giá tác động môi trường của các dự án vay vốn.
Bên cạnh đó, bản thân mỗi TCTD cần xây dựng khung chiến lược cũng như lộ trình cụ thể cho riêng lĩnh vực này, nghiên cứu và bổ sung thêm vào danh mục sản phẩm dịch vụ của ngân hàng mình sản phẩm, dịch vụ xanh phù hợp với phân khúc thị trường, năng lực cũng như thế mạnh của TCTD. Xây dựng hệ thống quản lý rủi ro môi trường xã hội, coi việc đánh giá rủi ro môi trường như một phần của việc đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng; giảm các khoản vay đối với những dự án gây ảnh hưởng xấu tới môi trường…
PGS.TS Trần Thị Thanh Tú (Đại học Quốc gia Hà Nội) thì cho rằng, cần quan tâm cả tới công tác truyền thông đối với các thông tin liên quan tới tăng trưởng xanh nói chung cũng như các hoạt động tín dụng xanh, đầu tư xanh nói riêng. Theo đó, thông tin về các khoản tín dụng xanh cần được truyền thông cụ thể và rõ ràng từ NHNN, các NHTM và tới các doanh nghiệp. Các lĩnh vực ưu tiên trong hoạt động đầu tư xanh, kế hoạch hành động cụ thể của chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia cũng cần được tuyên truyền rộng khắp, rõ ràng cho doanh nghiệp, người dân được biết. Đi cùng với đó, là nâng cao nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp về tài chính xanh cần được cụ thể hoá trong các chương trình đào tạo ngắn/dài hạn.