Lạm phát: Không chủ quan, không lo lắng thái quá
Kinh tế 2023: Thách thức và kịch bản tăng trưởng | |
Chính sách tiền tệ: Ba mục tiêu xuyên suốt trong điều hành |
Tăng nhanh nhưng không đáng ngại
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK), với 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ ghi nhận chỉ số giá tăng, trong đó nhiều nhóm có tỷ trọng và tác động lớn đến CPI (như nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm giao thông) đã đẩy CPI tháng 1/2023 tăng 0,52% so với tháng trước và tăng 4,89% so với cùng kỳ năm 2022. Điều này cho thấy đà tăng của CPI đã rõ nét ngay từ đầu năm. Nhu cầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ của người dân tăng cao vì tháng 1/2023 là tháng có Tết Nguyên đán Quý Mão trong khi giá xăng dầu tăng là những nguyên nhân chính được TCTK chỉ ra để lý giải cho lạm phát tăng.
Đồng tình với những yếu tố khiến lạm phát tăng, song theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng lưu ý, lạm phát cơ bản thực tế cũng đã và đang tăng (tháng 1 tăng 5,21%) chứng tỏ còn những yếu tố khác tác động đến CPI ngoài giá xăng dầu và lương thực, thực phẩm. Trong đó một phần là do độ trễ của chính sách nới lỏng tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với đại dịch thời gian trước.
Lạm phát năm nay có thể sẽ nằm trong mức mục tiêu đặt ra |
Nhìn từ góc độ khác, chuyên gia kinh tế PGS.TS. Phạm Thế Anh lại nhận định, mức tăng 0,52% so với tháng trước của CPI tháng 1 vừa qua thoạt nhìn có vẻ cao, nhưng thực chất là thấp so với các tháng có kỳ nghỉ Tết của những năm trước. Phân tích cụ thể, chuyên gia này chỉ ra Tết năm nay rơi vào tháng 1, trong khi Tết các năm khác chủ yếu rơi vào tháng 2. Như vậy, nếu muốn so sánh thì cần xem CPI tháng Tết của các năm trước tăng so với tháng trước đó thế nào. Ví dụ, tháng Tết năm 2020 CPI tăng 1,23%; tháng Tết năm 2021 CPI tăng 1,52%; tháng Tết năm 2022 tăng 1,0%. Như vậy, các mức tăng này đều lớn hơn nhiều so với tháng Tết năm nay. Do đó mức tăng CPI tháng 1/2023 chủ yếu mang tính mùa vụ chứ không phản ánh sự mạnh mẽ của sức cầu. “Với điều kiện lãi suất, thu nhập, và giá trị vốn hóa của các thị trường tài sản như hiện nay, lạm phát không phải là vấn đề của năm 2023, ngoại trừ một chút rủi ro đến từ việc tăng giá nhiên liệu”, chuyên gia này nhận định.
Dự báo về xu hướng thời gian tới, TS. Cấn Văn Lực cho rằng lạm phát có tính chu kỳ (tính thời vụ) và độ trễ, nên có thể hình dung sẽ còn tiếp tục tăng (cả lạm phát tổng thể và lạm phát cơ bản) đến hết quý I này, thậm chí có tháng sẽ vượt trên 5% so với cùng kỳ, nhưng sau đó có thể sẽ nguôi dần. “Nếu lạm phát trên toàn cầu tiếp tục xu hướng giảm nhiệt, tính thời vụ qua đi thì lạm phát trong nước từ quý II có thể tăng ở mức độ chậm hơn so với quý I. Do đó, lạm phát cả năm vẫn trong tầm kiểm soát, chỉ ở mức 4-4,5%”, TS. Cấn Văn Lực nhận định và nhấn mạnh: “Quan điểm của tôi là không chủ quan nhưng cũng không lo lắng thái quá đối với lạm phát trong năm nay. Bởi nếu thận trọng quá đến mức không dám làm gì cả thì khó khăn với doanh nghiệp, người dân sẽ nhân đôi”.
Áp lực lên chính sách tiền tệ lớn hơn
Trong khi đó theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, mặc dù lạm phát tại một số nền kinh tế lớn đang giảm bớt, mức độ thắt chặt tiền tệ (tăng lãi suất) cũng giảm theo giúp giảm bớt các áp lực về tỷ giá, lãi suất và lạm phát trong nước nhưng về cơ bản áp lực vẫn rất lớn. Lạm phát cơ bản tháng 1 tăng khá mạnh, “đây là điều phải chú ý để có những biện pháp điều hành trong những tháng tiếp theo để cố gắng có dư địa giảm được lãi suất cho vay trong năm nay. Bởi nếu lạm phát cơ bản tiếp tục tăng cao trong những tháng tới thì khả năng hạ lãi suất trong năm nay sẽ rất khó khăn”, chuyên gia này nhận định.
Một trong những giải pháp quan trọng để kiểm soát lạm phát trong năm nay, theo TS. Lê Duy Bình, là thận trọng, chắc chắn trong điều hành chính sách tiền tệ và phối hợp tốt với chính sách tài khóa. Đặc biệt năm nay, kế hoạch giải ngân nguồn vốn đầu tư công lên tới 700 nghìn tỷ và với những động thái rất quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành ngay từ đầu năm thì nhiều khả năng tốc độ giải ngân sẽ tăng mạnh, đưa một nguồn vốn lớn ra thị trường nên rất cần sự phối hợp song hành giữa chính sách tài khóa và tiền tệ.
Theo TS. Lê Duy Bình năm nay, ngành Ngân hàng tiếp tục phải gánh trách nhiệm cung ứng vốn cho nền kinh tế, thậm chí ở mức cao hơn, bởi các thị trường như thị trường TPDN chưa thể phục hồi trở lại như trước đây. Do đó, áp lực với chính sách tiền tệ năm nay vẫn không hề nhỏ từ nhiều góc độ: kỳ vọng của doanh nghiệp, thị trường; áp lực lạm phát cao ngay từ đầu năm; tỷ giá - mặc dù Fed vừa qua chỉ có đợt tăng nhẹ lãi suất và chỉ số đồng USD đã có xu hướng chững lại và giảm đi.
Các yếu tố bên ngoài gần đây dù có vẻ thuận hơn, song không thể khẳng định sẽ không đảo chiều. Bên cạnh đó, áp lực lạm phát còn đến từ nhiều yếu tố bên trong như: Việc phải điều chỉnh giá các nhóm hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý; kỳ vọng giá cả thị trường tăng khi lương cơ bản tăng từ tháng 7 tới đây;… “Vì vậy, tất cả những yếu tố này cần đưa vào tính toán trong điều hành để đảm bảo hài hòa, đặc biệt về mặt thời điểm. Và đây không chỉ là trách nhiệm của NHNN mà còn của các bộ, ngành khác nữa. Có như vậy mới đảm bảo kiểm soát được lạm phát, đồng thời hỗ trợ được tăng trưởng kinh tế”, TS. Bình đề xuất.
Cùng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực cho rằng vẫn phải kiểm soát tốt giá các mặt hàng chủ lực là những tác nhân chính có thể gây lạm phát như giá xăng dầu và lương thực, thực phẩm. Hay liên quan đến việc năm nay chúng ta phải chấp nhận tăng giá một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do Nhà nước quản lý, ví dụ giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục… nhưng cần tính toán rất kỹ mức độ tăng và liều lượng, thời điểm, lộ trình tăng phù hợp. Đồng thời, cần kiểm soát tốt, cân bằng được giữa lãi suất và tỷ giá. Những diễn biến từ đầu năm đến nay cho thấy chúng ta có cơ sở để yên tâm hơn về áp lực tỷ giá, lãi suất từ bên ngoài giảm đi.
“Nhưng giả sử có thời điểm phải “đánh đổi” mục tiêu ưu tiên giữa lãi suất với tỷ giá thì quan điểm của tôi là, chúng ta không nên tăng lãi suất mà chấp nhận tỷ giá biến động linh hoạt hơn. Giữ mặt bằng lãi suất ổn định là rất quan trọng vì lãi suất tăng thì kinh tế và doanh nghiệp rất khó khăn. Cùng với đó, một yêu cầu muôn thuở nhưng vẫn luôn quan trọng là phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Làm tốt những điều này, tự tin năm nay chúng ta sẽ kiểm soát được lạm phát ở mức 4% - 4,5%”, TS. Lực khẳng định.