Lạm phát ở Tokyo chậm lại trong tháng 12/2023
BoJ tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng Nhật Bản: Xu hướng giảm của lạm phát rõ ràng hơn trong tháng 11 |
Lạm phát ở Tokyo chậm lại trong tháng 12/2023 |
Số liệu từ Bộ Nội vụ Nhật Bản cho thấy, CPI không bao gồm thực phẩm tươi sống đã tăng 2,1% so với cùng kỳ, giảm từ mức 2,3% trong tháng 11. Chỉ số này hiện đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2022 và phù hợp với dự báo đồng thuận của các chuyên gia kinh tế.
CPI của Tokyo được coi là một chỉ số đại diện cho lạm phát của toàn quốc dự kiến sẽ được công bố vào tuần tới.
Một báo cáo khác cho thấy các hộ gia đình Nhật Bản đã cắt giảm chi tiêu trong tháng 11 xuống mức tăng 2,9% so với cùng kỳ, do chi phí sinh hoạt tăng cao khiến người tiêu dùng trở nên chọn lọc hơn về những gì cần mua. Tuy nhiên, mức này vẫn cao hơn so với dự đoán tăng 2,3% của các chuyên gia.
“Giá cả tăng đang làm giảm niềm tin của người tiêu dùng nhiều hơn dự kiến và mức độ tác động tùy thuộc vào khung thu nhập. Nó thể hiện rõ rệt hơn ở các nhóm thu nhập thấp. Kết quả là mức tiêu thụ yếu hơn những gì được dự báo”, chuyên gia nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Itochu nói.
Các báo cáo chỉ ra rằng áp lực lạm phát do chi phí đẩy đang giảm bớt, với dữ liệu nhấn mạnh sự không đồng đều trong quá trình phục hồi sau khi nền kinh tế suy thoái với tốc độ nhanh nhất kể từ thời điểm đỉnh dịch COVID-19.
Các dữ liệu vừa công bố sẽ giúp Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) có thêm lý do để duy trì chính sách lãi suất âm, thêm vào đó các trận động đất vừa qua càng làm giảm khả năng xảy ra đợt tăng lãi suất vào thời gian tới.
Các quan chức BoJ sẽ có cuộc họp vào ngày 23/1, tại đây ngoài việc đưa ra các quyết định về chính sách tiền tệ, họ sẽ công bố các triển vọng cập nhật về giá cả và tăng trưởng.
“Lạm phát cầu kéo dường như chỉ giới hạn ở một nhóm nhỏ sản phẩm và dịch vụ - thông tin quá hạn chế để thuyết phục BoJ rằng họ đã đạt được lạm phát bền vững trên diện rộng hoặc mục tiêu lạm phát 2% đã được đảm bảo”, chuyên gia kinh tế tại Bloomberg, Taro Kimura nói.