Lan tỏa giá trị văn hóa phố cổ Hội An
Hội An - thành phố sinh thái, văn hóa và du lịch Hội An: Từ thành phố di sản đến sáng tạo |
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP. Hội An chia sẻ, ngoài một quần thể kiến trúc khu phố cổ hết sức đa dạng, độc đáo, địa phương còn có cả một kho tàng các giá trị văn hóa phi vật thể vô cùng đồ sộ, bao gồm các làng nghề, các ngành nghề thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian truyền thống đặc sắc; cùng với đó là nếp sống, vốn sống hiền hòa, hiếu khách… Đây chính là nền tảng quan trọng để đưa Hội An trở thành Di sản văn hóa thế giới của UNESCO vào năm 1999.
Đặc biệt, hơn hai mươi năm qua, Hội An luôn đặt văn hóa làm trung tâm của quá trình xây dựng và phát triển của mình; coi văn hóa là yếu tố then chốt hàng đầu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân. Thành phố luôn chủ động thích ứng, điều chỉnh để phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Cùng với thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, Hội An lựa chọn sự phát triển bền vững, coi trọng các giá trị sinh thái và nhân văn, luôn tạo cơ hội và ươm mầm cho các giá trị sáng tạo mới trên nền tảng bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản văn hóa.
Phố cổ Hội An - thành viên của 'Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO’ |
Hiện, Hội An có 5 làng nghề truyền thống với gần 50 ngành nghề thủ công. Bên cạnh đó, thành phố có 658 doanh nghiệp nhỏ và 1.710 hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Đặc biệt, trong những năm qua, nhiều không gian sáng tạo mới đã được hình thành, từ bàn tay tài hoa và óc sáng tạo của con người Hội An như, Công viên đất nung Thanh Hà, Làng Củi lũ Cẩm An, Trại chế tác Tre Cẩm Thanh,… đã để lại ấn tượng rất cao cho nhiều nhà nghiên cứu và du khách đến tham quan.
Cùng với đó, nhiều giá trị văn hóa truyền thống đã được phục hồi, phát huy đưa vào khai thác phục vụ du lịch như tái hiện Đêm Phố cổ đầu thế kỷ 20, trình diễn nghệ thuật Bài Chòi, hát Hò khoan... Hội An cũng không ngừng chăm lo bồi dưỡng đào tạo lực lượng diễn viên, nghệ sĩ kế cận, đưa nghệ thuật truyền thống vào giảng dạy trong trường học, tổ chức các lớp dạy hát dân ca, đào tạo nghệ nhân hát tuồng.
Nhiều giá trị văn hóa truyền thống đã được phục hồi, phát huy đưa vào khai thác phục vụ du lịch ở Hội An. |
Địa phương cũng thu hút và tạo điều kiện để nhiều doanh nghiệp có tâm huyết tham gia đầu tư sáng tạo các giá trị mới hình thành các show diễn độc đáo gây được tiếng vang như Ký ức Hội An, À Ố Show,… Qua đó, góp phần tạo thêm nhiều sản phẩm đặc sắc để phục vụ du khách và nâng cao tầm vóc của văn hóa Hội An.
Theo bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch), ở Hội An không những có sự gìn giữ, trao truyền, phục hồi các nghề thủ công truyền thống và nghệ thuật dân gian, mà còn ‘biến di sản thành tài sản’, bằng tài năng, trí tuệ và tư duy rộng mở đã phát huy sự sáng tạo để tạo nên các giá trị mới, góp phần nâng cao đời sống của người dân, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Một cảnh trong Show diễn Ký ức Hội An. |
Với những định hướng đúng đắn và sự nỗ lực không ngừng nghỉ trên chặng đường phát triển của mình, Hội An đã từng bước trở thành một địa chỉ văn hóa quen thuộc, một điểm đến ưa thích của du khách trong nước và thế giới. Nhiều năm liền, Hội An được các trang mạng uy tín bình chọn là điểm đến văn hóa hàng đầu, là một trong những thành phố du lịch hàng đầu của Châu Á và thế giới.
Trở thành thành viên của ‘Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO’, Hội An đang đứng trước rất nhiều cơ hội, trong đó có cơ hội giao lưu, trao đổi, hội nhập với 350 thành phố khác đến từ hơn 100 quốc gia, không chỉ trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian, góp phần nhanh chóng hiện thực hóa mục tiêu đưa Hội An trở thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch bền vững, truyền cảm hứng cho các thành phố trong nước và quốc tế.
Hội An đã từng bước trở thành một địa chỉ văn hóa quen thuộc, một điểm đến ưa thích của du khách trong nước và thế giới. |
Bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa, Đại diện phụ trách Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cho hay, Hội An đã trở thành một thành viên chính thức của ‘Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO’, danh hiệu này mang tới những cơ hội lớn và cả những cam kết trách nhiệm quan trọng của địa phương. Sẽ cần tiếp tục các nỗ lực và hành động để thúc đẩy và phát huy nguồn lực thủ công và nghệ thuật dân gian của mình trở thành khung hành động có tính chiến lược và công cụ để Hội An đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tô đậm thương hiệu và danh tiếng quốc tế của phố Hội An.