Làng nghề “bắt tay” với nhà thiết kế để cùng phát triển
Bát Tràng - làng nghề, làng du lịch chuyên biệt | |
Về thôn Trê khen nghề truyền thống | |
Tôn vinh làng nghề nước mắm Nam Ô |
Hiện cả nước có hơn 5.400 làng nghề, trong đó có khoảng 2.000 làng nghề truyền thống. Dẫu được đánh giá rất cao về kỹ thuật nhưng hầu hết vẫn loay hoay trong việc sáng tạo các sản phẩm mới, khi mà các “thượng đế” ngày càng đòi hỏi cao cả về chất lượng và mẫu mã. Trong khi đó, không ít họa sĩ ứng dụng lại không tìm được chất liệu để sáng tạo... Bởi vậy, hai bên cần “bắt tay” để cùng phát triển.
Theo ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, riêng Hà Nội có khoảng 1.350 làng có nghề với số lượng lao động rất lớn. Số hội viên đang sinh hoạt tại Hiệp hội Làng nghề Việt Nam là khoảng 13.000 người. Con số này phản ánh thực tế sôi động của các làng nghề trên cả nước hiện nay. “Tuy nhiên, lực lượng thiết kế trong các làng nghề hiện nay rất ít do chưa thực sự được coi trọng”, ông Lưu Duy Dần nhìn nhận thực tế.
Nhờ sự kết hợp của các nghệ nhân làng nghề và nhà thiết kế, sản phẩm sơn mài của Hanoia luôn có giá rất cao và được yêu thích |
Ngược lại, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho hay, lực lượng họa sĩ được đào tạo trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng (hiện nay thường được gọi là nhà thiết kế) của cả nước khá lớn. Nhưng điều đáng buồn là số này đang phải làm trái ngành, trái nghề rất nhiều. Có nhiều họa sĩ đã thành danh ở mỹ thuật ứng dụng, sau đó lại chuyển sang nghệ thuật tạo hình, sáng tác tranh tượng bởi quan điểm xã hội vẫn cho rằng ứng dụng là “bình thường”, không phải là “đẳng cấp cao” trong sáng tạo. “Còn một lực lượng đông đảo nhà thiết kế khác lại thiếu sự kết nối với doanh nghiệp sản xuất nên không có đầu ra cho sản phẩm”, ông Vi Kiến Thành cho biết.
Thực tế, nếu các làng nghề và nhà thiết kế mỹ thuật ứng dụng hợp tác với nhau thì sẽ tạo ra những sản phẩm vô cùng giá trị. Chẳng hạn như dòng trang sức sơn mài “Hanoia by Couli Jobert” của Hanoia - thương hiệu thủ công mỹ nghệ thuộc tập đoàn Openasia ra mắt mới đây, do nhà thiết kế nổi tiếng người Pháp Couli Jobert thiết kế, nghệ nhân sơn mài của Hanoia thực hiện thủ công. Dòng sản phẩm này chỉ được sản xuất với số lượng hạn chế, vì vậy các món trang sức như hoa tai, vòng tay... có giá từ 4,6 triệu đồng đến hơn 5 triệu đồng, một bộ đèn có giá từ 13,5 triệu đồng đến 25 triệu đồng. Đó là những con số bất kỳ người làm sơn mài truyền thống nào cũng đều mơ ước.
Không chỉ với thiết kế của các nhà tạo mẫu nổi tiếng thế giới, mà ngay cả các sản phẩm thủ công thiết kế riêng của Hanoia cũng có giá thành rất cao. So sánh với các sản phẩm cùng chất liệu, cùng kích cỡ, có thể thấy giá sản phẩm sơn mài của Hanoia thường cao hơn khoảng 10 lần. Điều này cũng đúng với xu hướng của thế giới. Đó là các sản phẩm thủ công truyền thống có thiết kế riêng thường có giá thành cao hơn nhiều sản phẩm cùng loại mang mẫu mã phổ thông.
Hanoia là thương hiệu thành công dựa trên nền tảng sự kết hợp giữa niềm đam mê của các nghệ nhân với nghề truyền thống và sự sáng tạo mới của các nhà thiết kế để xây dựng thương hiệu sơn mài cao cấp. Rõ ràng mối quan hệ giữa nghề truyền thống và nhà thiết kế là mối quan hệ sống còn trong thời điểm hiện tại, thế nhưng ở Việt Nam, mối quan hệ này vẫn còn hết sức lỏng lẻo. Mặc dù đã xuất hiện một số thương hiệu nghề truyền thống cao cấp với hàm lượng thiết kế cao nhưng tỷ lệ này so với sự phát triển của các làng nghề hiện nay vẫn quá ít ỏi.
Hiện nay nhiều nước trên thế giới đã áp dụng các biện pháp thúc đẩy phát triển nghề truyền thống thông qua sự hỗ trợ về mẫu mã của các nhà thiết kế. Theo họa sĩ Văn Quân Dũng: “Chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc. Đó là thành lập Hiệp hội Các nhà thiết kế. Hiệp hội này vừa kết nối các doanh nghiệp, thợ thủ công với nhà thiết kế, vừa hỗ trợ quảng bá sản phẩm cũng như thực hiện bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ”.
Đó là gợi ý rất hay, nhưng ông Vi Kiến Thành cho biết, hiện ở Việt Nam vẫn tồn tại tình trạng chồng chéo trong quản lý các làng nghề, một ngành nhưng nhiều bộ cùng quản lý. Chẳng hạn, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chỉ có thể tác động về thẩm mỹ, yếu tố văn hóa của các sản phẩm; trong khi các vấn đề về nguyên liệu lại thuộc sự quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quy trình sản xuất, đầu ra cho sản phẩm lại thuộc sự quản lý của Bộ Công thương...
Do vậy, trước mắt Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm kêu gọi doanh nghiệp, làng nghề, nhà thiết kế, nghệ nhân, thợ thủ công cùng lập một website mỹ thuật ứng dụng với hệ thống quản trị đáng tin cậy, trở thành chợ điện tử mỹ thuật ứng dụng - nơi giới thiệu, chào bán các thiết kế, mẫu mã sản phẩm; trao đổi các thông tin, các hoạt động mỹ thuật ứng dụng; kết nối các doanh nghiệp, làng nghề, người thiết kế, người sản xuất; kết nối thị trường tiêu thụ ở trong nước cũng như quốc tế và kết nối các nhà thiết kế với làng nghề, doanh nghiệp. Vì, chỉ khi làng nghề và nhà thiết kế “bắt tay” chặt chẽ mới có thể tạo ra cú hích cho sự phát triển của các làng nghề.