Bát Tràng - làng nghề, làng du lịch chuyên biệt
Về thôn Trê khen nghề truyền thống | |
Tôn vinh làng nghề nước mắm Nam Ô | |
Tinh hoa phố nghề Hàng Bạc |
Xã Bát Tràng vừa tổ chức lễ đón nhận Quyết định công nhận điểm du lịch của UBND thành phố Hà Nội, cả người dân và du khách đều hân hoan. Đến Bát Tràng giờ đây, du khách có thể tìm hiểu văn hóa làng nghề, trải nghiệm các quy trình sản xuất, thưởng thức ẩm thực truyền thống vô cùng đặc biệt và nghỉ lại trong những ngôi nhà cổ... Người Bát Tràng làm du lịch chẳng hề kém cạnh so với những ngôi làng du lịch nổi tiếng khác.
Du khách tham quan, chụp hình lưu niệm tại Bát Tràng |
Sau 2 ngày đưa người bạn ngoại quốc tham quan và ở lại Bát Tràng tại một homestay trong làng, anh Nguyễn Hồng Nguyên, một hướng dẫn viên du lịch tự do tại Hà Nội cho biết: “Là hướng dẫn viên, lại là người Hà Nội nhưng chỉ khi được nhờ thiết kế tour tham quan Bát Tràng tôi mới biết ở đây đã có mô hình homestay. Bạn của tôi đã vô cùng thích thú với những trải nghiệm tuyệt vời ở ngôi làng đậm chất văn hóa này”.
Theo thống kê của UBND xã Bát Tràng, tại đây hiện còn 23 ngôi nhà cổ đều được bảo tồn nguyên vẹn. Nhưng không ít gia đình cảm thấy khó khăn trước bài toán giữ lại hay bán bởi những ngôi nhà này đều có giá trị kinh tế rất cao. Bà Phạm Thị Thu Hoài, Phó Chủ tịch HĐND xã Bát Tràng chia sẻ, để vận động người dân giữ lại những ngôi nhà cổ có giá trị, cần phải hài hòa được cả lợi ích kinh tế lẫn trách nhiệm bảo tồn di sản văn hóa của các gia đình cũng như cộng đồng.
“Chúng tôi có trách nhiệm sát cánh cùng người dân để giữ gìn những di sản quý báu ấy cho các thế hệ sau này. Bởi thế, phát triển du lịch cộng đồng là hướng đi phù hợp cần được nhân rộng tại Bát Tràng”, bà Hoài chia sẻ.
Phát triển du lịch cộng đồng là một trong những cách đưa Bát Tràng trở thành điểm du lịch hấp dẫn của Thủ đô. Theo Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Văn May, mỗi năm Bát Tràng đón trên 20 vạn lượt khách nội địa và quốc tế, trong đó khách quốc tế chiếm hơn 20%. Hiện, Bát Tràng đang triển khai thực hiện Đề án và Quy hoạch chi tiết bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp với du lịch tỷ lệ 1/500, theo đó sẽ gồm các công trình như: Trung tâm thương mại gốm sứ Bát Tràng; Khu bảo tàng gốm sứ, Khách sạn ven sông Bắc Hưng Hải... “Đây là “cái lõi” phát triển du lịch để qua đó thực hiện công tác bảo tồn cũng như nâng tầm giá trị của nghề gốm sứ truyền thống, đưa Bát Tràng trở thành điểm du lịch quốc tế”, ông May cho biết.
Cùng với đó, Bát Tràng đã và đang phát triển du lịch thông minh trên nền tảng áp dụng công nghệ 4.0, theo đó, du khách có thể tìm hiểu thông tin về làng nghề, hệ thống di tích, điểm mua sắm đạt chuẩn, tour tuyến tham quan... thông qua việc quét mã QR code; sử dụng ứng dụng thuyết minh tự động bằng nhiều thứ tiếng; truy cập hệ thống wifi miễn phí... Bên cạnh đó, địa phương cũng khuyến khích một số hộ dân chuyển sang kinh doanh các dịch vụ lưu trú, ẩm thực nhằm đa đạng hóa các hoạt động tham quan, trải nghiệm và kéo dài thời gian lưu trú của du khách khi tới Bát Tràng.
Khẳng định mô hình du lịch cộng đồng có thể phát triển tốt tại Bát Tràng, Tiến sỹ Nguyễn Thu Thủy, giảng viên Khoa Du lịch học (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) cho rằng, người dân có thể đón khách tham quan, lưu trú kết hợp với hệ thống homestay hoặc căn hộ cho thuê theo hình thức Airbnb (ứng dụng đặt phòng qua mạng) đang phát triển mạnh tại Khu đô thị Ecopark cách đó không xa.
Bà Thủy khẳng định: “Để phát triển du lịch cộng đồng đòi hỏi sự tham gia của chính người dân trong làng và phải có một ban quản lý uy tín. Nguồn thu từ du lịch sẽ được chia sẻ cho các thành viên và tái đầu tư cho các công trình phục vụ việc phát triển du lịch”. Cũng theo bà Thủy, Bát Tràng có thể phát triển du lịch cộng đồng nhưng quan trọng nhất là phải “trình diễn” được những nét văn hóa đặc trưng, khác biệt để thu hút khách.
Khẳng định nguồn nhân lực tham gia trực tiếp trong hoạt động du lịch cộng đồng không ai khác chính là người dân địa phương, bà Nguyễn Thị Minh Hạnh - Chánh văn phòng Sở Du lịch Hà Nội cho biết: “Người dân là những mắt xích quan trọng của hoạt động du lịch cộng đồng. Thiếu họ, du lịch cộng đồng thiếu đi yếu tố quyết định và không thể thực hiện được”.
Với mong muốn giúp người dân thực hiện tốt hoạt động du lịch cộng đồng, vừa qua, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức Lớp bồi dưỡng kiến thức về du lịch cho cộng đồng dân cư Bát Tràng nhằm hỗ trợ người dân kỹ năng giao tiếp, ứng xử để phục vụ du khách tốt hơn, qua đó góp phần vào sự phát triển du lịch của địa phương.
Việc Bát Tràng chính thức được công nhận là điểm du lịch của thành phố là sự ghi nhận và là “bệ phóng” để nơi đây tiếp tục phát triển du lịch kết hợp với làng nghề truyền thống, khẳng định vị thế là một trong những điểm du lịch chuyên biệt không thể bỏ qua của Hà Nội.