Lắng nghe… phỗng đất
Để giới trẻ hiểu truyền thống
Vừa qua, sự kiện “Phỗng đất xưa - hồn Kinh Bắc” đã diễn ra tại Trung tâm Thông tin TOTO, tầng 11, tòa nhà Lotte - 54 Liễu Giai (Hà Nội) với khoảng 30 bạn trẻ ngồi quây quần. Người dẫn chương trình khá am hiểu văn hóa dân gian, đã giúp lão nghệ nhân có thể thoải mái trao đổi với các bạn trẻ về việc giữ gìn hồn cốt văn hóa dân gian lặng thầm của mình.
Tôi cứ thắc mắc, tại sao một chương trình giới thiệu văn hóa xưa cũ, với món đồ chơi dân gian không giới thiệu ở một không gian khác, bình dị hơn, gần gũi hơn? Tại sao lại mang lên một tòa nhà cao thứ nhì Hà Nội để giới thiệu? Sau cùng thì, có thể đó chỉ là ngẫu nhiên, nhưng tôi lại hiểu được một điều, rằng một nét văn hóa xưa đã “sống” được trong cách mạng công nghiệp 4.0. Việc một món đồ chơi cổ xưa xuất hiện ở tòa cao ốc đã cho thấy sức sống bền bỉ của nó. Các bạn trẻ là những người được học hành tử tế, thích tìm hiểu về văn hóa xưa được chia sẻ câu chuyện về nghề làm phỗng đất từ vợ chồng nghệ nhân Phùng Đình Giáp- người đã có hơn nửa thế kỷ gắn bó và giữ lấy nghề nặn phỗng đất ở làng cổ Đông Khê (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành). Qua đó nhằm góp phần gìn giữ và lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân gian Việt Nam.
Nghệ nhân Phùng Đình Giáp nói chuyện về phỗng |
Nét đẹp từ trò chơi dân gian
Một bộ phỗng đất truyền thống gồm 5 nhân vật: Nhân vật phỗng hình Phật ở vị trí trung tâm mang ý nghĩa tâm linh, giáo dục con cháu sống hiền lành, đúng mực; Con chim bay trên trời thể hiện khát vọng hòa bình; Con rùa gắn với biển cả bao la và sự trường tồn, trong tâm trí người Việt đây còn là biểu tượng thiêng liêng được thần thánh hóa; Nhân vật người già và em bé thể hiện sự nối tiếp truyền thống.
Ngày xưa, cứ đến gần Trung thu và Tết Nguyên đán, trẻ con lại đòi mẹ mua bằng được bộ phỗng, còn các anh chị lớn thì háo hức ra chợ tìm mua để về dạy lại cho đứa em mình. Giá trị văn hóa ấy cứ liên tục được tiếp nối từ thế hệ này đến thế hệ sau. Rồi thời gian trôi với biết bao biến động, hơn chục năm qua, phỗng đất trở nên lạc lõng giữa những món đồ chơi hiện đại, đắt tiền. Trẻ em thích các đồ chơi bằng nhựa, súng đạn, điện thoại thông minh hơn là các đồ chơi truyền thống như mặt nạ giấy, ngôi sao giấy, phỗng đất, tò he… Làng nghề cổ không còn đất sống. Người dân Đông Khê chuyển hẳn sang làm hàng mã. Ông Giáp chia sẻ: “Tôi không cam lòng nhìn một phần quá khứ của cha ông biến mất. Cứ nhìn vào triết lý của các tượng phỗng, sẽ thấy ông cha xưa gửi gắm những lời hay ý đẹp, tư tưởng và giá trị văn hóa truyền thông lâu đời, để dạy dỗ, nhắc nhở con cháu về lối sống, đạo làm người”. Như nhiều nghệ nhân khác luôn tâm huyết với tinh hoa truyền thống, ông dành cả cuộc đời giữ lửa nghề nghiệp của ông cha.
Để làm được bộ phỗng, bắt buộc phải sử dụng đất thó. Bà Nguyễn Thị Điều, vợ ông Giáp giải thích: “Đất thó phải được đào ở độ sâu từ 2,5 đến 3m. Đất đem phơi khô, cho vào cối đập, giã thành bột mịn rồi sàng đến khi có độ mịn mát tay, có màu xám nhạt”. Trước kia, cả dân làng thường đào giếng khơi, vợ chồng ông tranh thủ lấy đất thó ở dưới lòng đất, phơi khô rồi mang cất đi, dự trữ cho cả năm sau. Những năm gần đây, ít nhà đào giếng, vợ chồng ông Giáp phải tranh thủ đào đất thó từ đồng ruộng hoặc ao, hồ sen vào mùa cạn nước. Ông Giáp cho biết thêm: “Đất thó có chất kết dính rất tốt, một đặc điểm mà đất thịt không thể nào sánh được”. Một nguyên liệu đặc biệt khác được dùng đó là bột giấy. Giấy ngâm nát sẽ được trộn với bột đất thó. Trộn như người ta làm bánh dầy cho đến khi hỗn hợp này quyện lại tới độ dẻo, mịn, dùng tay vê thử mà không dính thì đạt yêu cầu để mang ra nặn. Nặn phỗng không đòi hỏi phải quá cầu kỳ, tinh xảo, mà cốt yếu là phải giữ được dáng vẻ thân thuộc, dân dã.
Phỗng đất món đồ chơi dân gian đang dần biến mất |
Lời người xưa gửi gắm
Tuy không được trực tiếp nhìn các công đoạn làm đất, nặn phỗng, nhưng các bạn trẻ đã được xem tỉ mỉ từ các phóng sự. Nhiều bạn trẻ lần đầu tiên nhìn thấy cách nặn tượng dân dã đã rất thú vị, đặt nhiều câu hỏi. Qua đó, ông Giáp càng thêm cởi mở, tâm sự về sự kết nối quá khứ - hiện tại. Các bạn trẻ cũng thêm thấm thía những giá trị nhân văn được trao truyền qua tượng phỗng.
Điều đặc biệt nhất trong số những công đoạn làm phỗng là không có bước nung. Bởi chỉ cần phơi khô dưới nắng, là phỗng đất cứng lại và có độ bền. Vì được làm thủ công nên mỗi bộ phỗng có nét đẹp riêng, có bộ thì “em bé ôm bông hoa” mang nét cười nhí nhảnh, có bộ thì cánh chim bồ câu nhiều nét phác hơn… Nhưng dù là bộ phỗng nào thì nó cũng mang trong mình bản sắc làng quê, đều được tạo nên bởi đất thó lấy từ chính quê hương đã sản sinh ra nó, rồi phủ lên chất điệp - chất liệu nổi tiếng góp phần tạo nên giá trị tranh Đông Hồ.
Ông Giáp còn cho biết, hơn chục năm qua, ông cũng liên tục sáng tác các mẫu mới. Với mỗi mẫu thì ông chỉ làm vài bản để bán, sau đó lại nghĩ tiếp mẫu khác. Nhờ thế, những sản phẩm từ đất thó của ông mang tính độc bản cao, đồng thời mang đậm sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại. Mấy năm qua, ông Giáp hay được mời đến những hội chợ truyền thống để giới thiệu sản phẩm, trực tiếp nặn phỗng trước công chúng. Nhiều đoàn khách đã tìm về gia đình ông để trực tiếp trải nghiệm không gian văn hóa Bắc bộ, có thể tham gia vào một công đoạn làm phỗng. Trong đó có cả du khách nước ngoài và các em học sinh từ những tỉnh thành trên cả nước.
Suốt hơn nửa thế kỷ giữ nghề, nghệ nhân Phùng Đình Giáp thấy mình may mắn vì được cha ông truyền nghề và ban cho sự bền bỉ trong công việc. Trước bao đổi thay, công việc và tinh thần của vợ chồng ông Giáp thật đáng trân trọng.