Lao đao vì nợ đọng xây dựng cơ bản
Địa phương tập trung thanh toán nợ XDCB của các dự án NTM trước tháng 6/2017 | |
Hà Nội quyết liệt xử lý nợ xây dựng cơ bản | |
Vốn xây dựng cơ bản: Vì sao chậm giải ngân? |
Tình trạng khá phổ biến
TS. Dương Văn Cận, Phó chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) tại các dự án đầu tư xây dựng trong cả nước diễn ra khá phổ biến và nhiều năm nay vẫn đang diễn ra ở mức độ khá nghiêm trọng, gây ra nhiều hệ quả xấu dẫn đến công trình thi công dở dang, kéo dài, đầu tư kém.
Chủ đầu tư không có nguồn vốn để thanh toán cho giá trị khối lượng thực hiện khiến nhà thầu nợ lương công nhân, chiếm dụng vốn của nhau, không ít DN phải giải thể và khả năng phá sản là hiện hữu, đồng thời góp phần làm cho nợ xấu của ngân hàng tăng lên.
Cho đến nay, con số nợ đọng chính thức trong XDCB là rất khó đong đếm. “Vấn đề này nếu không có biện pháp xử lý thì vẫn sẽ diễn ra liên tục. Hôm nay chấm dứt, tháng này chấm dứt thì hôm sau, tháng sau có khi lại xuất hiện và không có hồi kết, cho nên con số về tình hình nợ đọng cũng chỉ mang tính thời điểm”, TS. Dương Văn Cận chia sẻ.
Nhà thầu gặp khó vì nợ đọng XDCB |
Theo đánh giá trong Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016 thì tình trạng nợ đọng XDCB vốn ngân sách Trung ương là hơn 9.557 tỷ đồng. Còn theo số liệu công bố nợ đọng của VACC, đến nay ước lên đến trên 30 đến trên 40 ngàn tỷ đồng. Kỳ hạn nợ dài ngắn cũng khác nhau, trong đó có dự án, gói thầu kéo dài tới cả 10 - 12 năm.
TS. Dương Văn Cận cho hay, có gói thầu của một DN nhỏ chỉ thi công trong 3 năm, khoản nợ đã lên tới cả trăm tỷ đồng, chiếm 10% giá gói thầu, mặc dù dự án đã quyết toán nhưng nhà thầu vẫn chưa được thanh toán.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC cho biết, nhiều DN vốn chỉ có 200 tỷ đồng nhưng nợ đọng XDCB lên hơn 1.000 tỷ đồng. DN không có tiền hoạt động trả lương cho công nhân viên, bảo hiểm xã hội, trả lãi ngân hàng dẫn tới nguy cơ phá sản.
Có thể khẳng định, tình trạng nợ đọng XDCB đang khiến hiệu quả đầu tư kém; chủ đầu tư không có nguồn vốn để thanh toán cho giá trị khối lượng đã thực hiện; công tác quyết toán hoàn công công trình chậm trễ, nhiều DN xây dựng, nhà thầu phải nợ lương công nhân, nợ vật tư, nợ ngân hàng, nợ thuế Nhà nước, dẫn đến một số DN phải giải thể hoặc phá sản. Nghiêm trọng hơn, tình trạng này còn đã, đang ảnh hưởng xấu đến an ninh tài chính, an toàn nợ công và tăng trưởng kinh tế bền vững.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới nợ đọng XDCB của các nhà thầu hiện nay. Ông Hoàng Ngọc Tú, Phó ban Kinh tế kỹ thuật - Tập đoàn DELTA cho biết, trước khi ký kết hợp đồng, nhà thầu tìm hiểu năng lực tài chính của chủ đầu tư không kỹ, năng lực của nhà thầu trong công tác đàm phán - ký kết hợp đồng với chủ đầu tư vẫn còn yếu, chưa có biện pháp thu hồi nợ hiệu quả… là các nguyên nhân phổ biến dẫn tới nợ đọng lớn và kéo dài.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư không có nguồn tài chính đảm bảo, nên ngân hàng không bảo lãnh, gây khó khăn trong việc bán căn hộ. Không những thế, nhiều chủ đầu tư có đủ tiềm lực tài chính nhưng cố tình kéo dài không trả tiền nợ cho nhà thầu, thậm chí còn tìm mọi cách để trì hoãn hay gây khó khăn trong hồ sơ thanh toán và quyết toán cho nhà thầu.
Cần bổ sung cơ chế bảo lãnh thanh toán
Hiện trạng này vẫn là bài toán chưa có lời giải của nhiều DN trong nhiều năm qua. Theo Tổng CTCP Xuất Nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam, con số nợ đọng XDCB tuy đã có xu hướng giảm, song vẫn là một con số khá lớn cần phải đặc biệt lưu tâm. Vào thời điểm 31/12/2014, tình trạng nợ đọng của Tổng CTCP Xuất Nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam là 2.346 tỷ đồng, đến 31/12/2015 giảm xuống còn 1.182 tỷ đồng và đến 31/12/2016 ở mức 1.185 tỷ đồng.
Còn tại Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, tính đến 31/5/2017, chủ đầu tư còn nợ DN này số tiền hơn 1.653 tỷ đồng. Trong đó, nợ năm 2017 là 439 tỷ đồng; năm 2016 là 542 tỷ đồng; năm 2015 là 254 tỷ đồng; năm 2014 là 162 tỷ đồng; năm 2013 là 157 tỷ đồng; và nợ năm 2012 về trước là 97 tỷ đồng. Cùng với giá trị sản xuất dở dang còn chưa được nghiệm thu là 991 tỷ đồng, hiện tổng số nợ tồn đọng của tổng công ty này lên tới 2.644 tỷ đồng. Nợ đọng XDCB đang ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, kế hoạch tài chính và nguồn vốn đầu tư của nhiều DN, nhà thầu.
Với những vụ việc này, nếu không giải quyết được bằng biện pháp thông thường thì nên đưa ra tòa án hay trọng tài kinh tế để giải quyết. Tuy nhiên, phương án này là bất đắc dĩ và không ai muốn vì các bên đều bị thiệt hại và cũng phải mất một thời gian dài theo đuổi với đủ các phiền toái.
Để tạo điều kiện thuận lợi trong việc thanh quyết toán giữa chủ đầu tư và nhà thầu, tránh nợ đọng trong XDCB, ông Hoàng Ngọc Tú - Phó ban Kinh tế kỹ thuật - Tập đoàn DELTA cho rằng, trong pháp luật về đầu tư xây dựng như Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu và các luật có liên quan khác cần phải có quy định bắt buộc chủ đầu tư phải có ngân hàng bảo lãnh vốn theo kế hoạch vốn của dự án để chi trả cho nhà thầu theo hợp đồng đã ký kết như việc chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu phải có bảo lãnh thực hiện hợp đồng. Điều này để đảm bảo tính bình đẳng giữa chủ đầu tư và nhà thầu. Hoặc chí ít ở giai đoạn cuối của phần khối lượng thanh toán, chủ đầu tư phải có bảo lãnh giá trị vốn thanh toán cho nhà thầu, ông Tú cho biết thêm.
Cùng quan điểm trên, ông Hoàng Chí Cường - Tổng giám đốc Vinaincon cho rằng, cần bổ sung bảo lãnh thanh toán của chủ đầu tư cho nhà thầu. Giá trị bảo lãnh thanh toán tương đương giá trị còn lại chưa được thanh toán của hợp đồng và được giảm dần theo tiến độ thanh toán…
Ông Nguyễn Quốc Hiệp cho hay, nếu nhà thầu bỏ thầu thì mất tiền bảo lãnh dự thầu, còn nếu gặp khó khăn xin rút thì mất tiền bảo lãnh thực hiện hợp đồng. Trong khi đó ngược lại, về phía nhà đầu tư hoàn toàn không có sự bảo lãnh thanh toán 30% hợp đồng khi triển khai thực hiện được 60 - 70% khối lượng công việc.
Bên cạnh đó, nhiều nhà thầu cho rằng, đối với vốn ngoài ngân sách Nhà nước thì trong quá trình xét duyệt công tác cấp phép xây dựng cũng cần phải có các quy định chặt chẽ về năng lực tài chính của chủ đầu tư.