Lấp lỗ hổng quản lý thương mại điện tử
Cẩn trọng hiện tượng nhà đầu tư ngoại chi phối thương mại điện tử | |
Quản lý hải quan với hàng hóa xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử | |
Thương mại điện tử: Tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp |
Hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam đã có nhiều bước tiến vượt bậc, với mức tăng trưởng ổn định 30%/năm trong khoảng 5 năm trở lại đây. Để công tác quản lý bắt nhịp xu hướng, Bộ Công Thương đang xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều số 52/2013/NĐ-CP về TMĐT với những vấn đề đang bỏ sót như vấn nạn hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng kém chất lượng trên môi trường điện tử. Bên cạnh đó, Nghị định mới sẽ đơn giản hóa thủ tục hành chính và giảm nhẹ gánh nặng tuân thủ cho các hình thái hoạt động TMĐT thô sơ.
Sẽ siết chặt quản lý và nâng cao trách nhiệm của các chủ sàn TMĐT |
Nới lỏng thủ tục, siết chặt xuất xứ hàng hoá
Khảo sát 29.000 website TMĐT đã thực hiện thủ tục thông báo với Bộ Công thương năm 2019 cho thấy, có đến 49% website này ở mức độ rất cơ bản, không có tương tác, không có đặt hàng trực tuyến, không cập nhật nội dung thường xuyên và chỉ đơn thuần giới thiệu DN, sản phẩm, dịch vụ đang cung cấp. Việc tiếp tục duy trì yêu cầu thực hiện thủ tục thông báo đối với chủ sở hữu các website này là không cần thiết.
Vì vậy, quan điểm của Bộ Công thương là cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 52 theo hướng thu gọn đối tượng thực hiện thủ tục hành chính, chỉ những website TMĐT có tương tác với người dùng hoặc có chức năng đặt hàng trực tuyến mới phải thực hiện thông báo. Việc thu gọn phạm vi điều chỉnh sẽ giúp giảm tới 45% số lượng website TMĐT phải thực hiện thủ tục hành chính, qua đó giúp giảm tương ứng chi phí về thời gian, chi phí cơ hội của người dân, DN.
Hiện nay, quy định về trách nhiệm của người bán trên sàn giao dịch TMĐT đang áp dụng chung giữa người bán tại Việt Nam và người bán nước ngoài trên sàn. Tuy nhiên, quá trình triển khai Nghị định số 52 cho thấy, với người bán nước ngoài có phát sinh doanh thu, lợi nhuận tại Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước không áp dụng được các biện pháp chế tài như với thương nhân Việt Nam khi có vấn đề xảy ra trong tranh chấp, hoặc giao dịch vi phạm pháp luật và đều phải thực hiện thông qua chủ sàn. Từ đó đã dẫn đến việc bỏ sót nhiều trường hợp vi phạm không xử lý được, chỉ có thể yêu cầu chủ sàn tháo gỡ thông tin hàng hóa đăng tải.
Thực tế đó cho thấy cần quy định chặt chẽ hơn về những thông tin bắt buộc phải có khi bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT. Tuy nhiên theo đại diện của Cục TMĐT (Bộ Công thương), nếu áp dụng quy định đăng tải thông tin về xuất xứ hàng hóa, các loại hình giấy phép, chứng nhận của người bán… đối với tất cả các nhóm hàng hoá thì chi phí phát sinh sẽ rất lớn. Vị này cho hay, ban soạn thảo đang quy định theo hướng phải hiển thị thông tin bắt buộc đối với nhóm hàng hóa thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện; đồng thời tăng trách nhiệm của chủ sàn giao dịch TMĐT trong việc chủ động rà soát, gỡ bỏ thông tin về hàng hóa vi phạm, trách nhiệm phối hợp với chủ thương hiệu để gỡ bỏ các thông tin bán hàng giả, hàng nhái trên sàn...
Lấp lỗ hổng thu thuế trên mạng xã hội
Nội dung đáng chú ý khác của dự thảo Nghị định mới về TMĐT chính là việc đưa hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội vào tầm kiểm soát chặt hơn. Kết quả khảo sát ở nhiều kênh đều cho thấy, trong năm 2020 mạng xã hội tiếp tục là kênh tiếp thị phổ biến nhất của các DN. Tỷ lệ đánh giá bán hàng qua mạng xã hội đạt hiệu quả cao là 45%, trong khi tỷ lệ này đối với bán hàng qua website là 32% và qua ứng dụng di động là 22%. Sách trắng về Thương mại điện tử 2019 của Bộ Công thương cũng cho thấy tỷ lệ DN tham gia kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội đang tăng nhanh hơn so với tham gia sàn giao dịch TMĐT.
Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, đến hết tháng 12/2019 có 614 mạng xã hội của các tổ chức, DN trong nước được cấp phép. Tuy nhiên số lượng mạng có từ 1 triệu người sử dụng trở lên chỉ chiếm dưới 10%. Trong đó chiếm áp đảo lại là các mạng xã hội nước ngoài, như Facebook có khoảng gần 60 triệu người dùng Việt Nam và Youtube là gần 35 triệu. Các DN nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới đang gây tác động mạnh mẽ đối với kinh tế - xã hội Việt Nam nhưng gần như chưa tuân thủ quy định của pháp luật về TMĐT, điển hình là pháp luật về thuế, khiến số tiền thuế thất thu từ hoạt động này là rất lớn.
Bà Mạnh Thị Tuyết Mai - Trưởng phòng chính sách thuế TNDN thuộc Tổng cục Thuế chỉ ra thực tế là rất nhiều cá nhân, tổ chức bán hàng trên các trang mạng xã hội không hề xuất hóa đơn; khi giao hàng thì nhờ các công ty vận chuyển thu tiền hộ, hoặc inbox cho khách hàng yêu cầu thanh toán qua kênh riêng, hoặc có kê khai doanh thu với cơ quan thuế nhưng vẫn chỉ là khai “tượng trưng”. Bên cạnh đó, hầu như không có người bán nào cung cấp thông tin về giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hay mã số thuế cá nhân.
Đó là chưa kể, nhiều DN lợi dụng giấy phép mạng xã hội để cung cấp đa dịch vụ chuyên ngành trên cùng một nền tảng mạng xã hội như dịch vụ truyền hình, TMĐT, giáo dục trực tuyến... gây khó khăn cho công tác quản lý các dịch vụ chuyên ngành.
Vì vậy, để siết chặt quản lý hoạt động TMĐT trên các trang mạng xã hội, Nghị định sửa đổi, bổ sung sẽ bổ sung quy định chi tiết về quản lý hoạt động TMĐT trên mạng xã hội, bao trùm cả những thương nhân, tổ chức nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam nhưng tiến hành hoạt động TMĐT trên lãnh thổ Việt Nam ở một quy mô nhất định, đồng thời đưa ra một số biện pháp quản lý cụ thể với những đối tượng này.
Theo đó, các trang mạng xã hội nước ngoài có chức năng như sàn giao dịch TMĐT sẽ có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước trong việc rà soát, gỡ bỏ thông tin hàng hóa vi phạm; áp dụng các biện pháp cần thiết đảm bảo an toàn thông tin liên quan tới bí mật kinh doanh của người bán và người mua; có biện pháp xử lý khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật; thực hiện cơ chế giải quyết tranh chấp phát sinh; yêu cầu người bán cung cấp đầy đủ thông tin liên quan tới tên, địa chỉ trụ sở của thương nhân hoặc địa chỉ thường trú của cá nhân; thông tin về chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân, hoặc quyết định thành lập của tổ chức, hoặc mã số thuế cá nhân của cá nhân…