Liên minh Hợp tác xã Việt Nam: Đổi mới hoạt động kinh tế tập thể
Trong những năm qua, mô hình hợp tác xã (HTX) là một thành phần kinh tế quan trọng cung cấp dịch vụ và kết nối sản xuất cho hàng chục triệu hộ gia đình để tạo ra những sản phẩm có năng suất và chất lượng cao, gắn kết với DN trong tiêu thụ, chế biến. Đặc biệt việc phát triển kinh tế tập thể và HTX thời gian qua đã và đang mang lại hiệu quả to lớn góp phần phát triển kinh tế bền vững, xây dựng nông thôn mới…
Theo đại diện Liên minh HTX Việt Nam, giai đoạn 2016 - 2020, cả nước thành lập mới 10.749 HTX (tăng 2,6 lần so với giai đoạn 2011-2015), 81 liên hiệp HTX, 15.849 tổ hợp tác (THT). Đến cuối năm 2020, có 26.040 HTX (tăng 5.625 HTX so với năm 2015, tăng bình quân 3,6%/năm), 100 liên hiệp HTX và 119.000 THT; HTX, liên hiệp HTX, THT thu hút 8,1 triệu thành viên, chủ yếu là đại diện hộ cá thể, cá nhân ở địa bàn nông thôn tham gia (chiếm 33% tổng số hộ cá thể ở địa bàn nông thôn), tăng 4,5% so với năm 2015, tác động trực tiếp đến đời sống, thu nhập và sức mua của gần 30 triệu người. Đến cuối năm 2020 hơn 96% các HTX đã chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, phù hợp với Luật HTX năm 2012.
Mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp |
Tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả đạt 59% (tăng 3 lần so với năm 2015). Cả nước có 1.292 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, 3.220 HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, tăng 6,8 lần so với năm 2015; có hơn 500 HTX, liên hiệp HTX có quy mô hơn 300 thành viên, tổng nguồn vốn hơn 5 tỷ đồng và doanh thu hơn 5 tỷ đồng/năm (tăng 4 lần so với giai đoạn 2011-2015). Đóng góp trực tiếp của khu vực kinh tế tập thể, HTX vào GDP của cả nước trung bình đạt khoảng 4,8%; đóng góp gián tiếp trên 30% GDP cả nước thông qua giá trị gia tăng của kinh tế hộ thành viên.
HTX, liên hiệp HTX, THT sản xuất và cung ứng cho thị trường từ 18% - 32% hàng lương thực, thực phẩm và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác, góp phần vào ổn định giá cả thị trường và kiềm chế lạm phát. Thu hút hơn 3 triệu lao động, tạo hơn 40 nghìn việc làm mới hàng năm, tăng thu nhập cho người lao động, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.
Trên thực tế, mặc dù tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có nhiều bất ổn, nhất là ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng khu vực HTX vẫn phát triển ổn định. Số lượng HTX tăng theo từng năm, phát triển khá đồng đều trên khắp các vùng miền, chất lượng hoạt động được nâng lên. Các HTX từng bước hoạt động đúng bản chất, ngày càng tập trung hơn vào việc hỗ trợ kinh tế hộ thành viên thông qua cung cấp các dịch vụ hoặc việc làm cho thành viên, nhất là HTX nông nghiệp. Nhiều HTX trên cả nước đã ứng dụng công nghệ vào sản xuất tạo nên những sản phẩm chất lượng cao, đem lại hiệu quả, tạo thu nhập ổn định cho các thành viên trong HTX.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam chia sẻ, một trong những thành công trong việc phát triển HTX thời gian qua chính là công tác tuyên truyền sâu rộng. Theo đó công tác tuyên truyền ngày càng đi vào chiều sâu, gắn với tư vấn, hỗ trợ và phát triển HTX, nhân rộng mô hình HTX sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Chủ trì vận động, tư vấn, hỗ trợ thành lập mới 10.534 HTX, 81 liên hiệp HTX (chiếm 98% tổng số HTX thành lập mới của cả nước). Tư vấn và hỗ trợ hầu hết HTX chuyển đổi, sáp nhập, cơ cấu lại tổ chức và hoạt động. Xây dựng 778 mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia, vùng, địa phương. Đồng thời tăng cường liên kết hệ thống, hoạt động hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, khai thác nguồn lực để hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX (có quan hệ hợp tác với hơn 150 tổ chức quốc tế, ký kết 14 chương trình hợp tác). Tổ chức cho 400 lượt cán bộ khảo sát, học tập ngắn hạn, dài hạn ở nước ngoài và huy động được 3 triệu USD của tổ chức quốc tế hỗ trợ cho phát triển kinh tế thị trường, HTX và hệ thống Liên minh HTX Việt Nam...
Trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0, việc phát triển HTX theo hướng đẩy mạnh công nghệ là xu thế tất yếu. Cần tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để kết nối với thành viên là HTX, liên hiệp HTX, THT, DN và tổ chức khác; nâng cao năng lực, hiệu quả tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ cho thành viên, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể, HTX và hoạt động của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam. Xây dựng, phát triển HTX quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia, vùng, địa phương thông qua việc tham gia thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, chương trình, nhiệm vụ về phát triển kinh tế tập thể, HTX được Chính phủ, chính quyền địa phương giao, ủy thác. Củng cố, đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, tăng cường trách nhiệm của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, HTX, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với khu vực kinh tế tập thể, HTX. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực trình độ cho cán bộ, người lao động hệ thống Liên minh HTX Việt Nam..., ông Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh
Mục tiêu của Liên minh HTX đến năm 2025: Chủ trì, vận động, tư vấn, hỗ trợ thành lập mới hàng năm ít nhất 2.000 HTX, 15 liên hiệp HTX theo Luật HTX năm 2012 và 4.000 THT có đăng ký theo Nghị định số 77/2019/NĐ-CP ngày 10/10/2019; Hàng năm, xây dựng từ 300 - 500 mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia, vùng, địa phương; Tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả (theo quy định hiện hành) trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 70%, trong lĩnh vực phi nông nghiệp đạt 80%; tỷ trọng đóng góp vào GRDP của các địa phương và GDP của cả nước từ 5% trở lên. |