Linh hoạt điều chỉnh, tìm điểm cân bằng mới cho tỷ giá
TS. Võ Trí Thành |
Ông nhận định như thế nào về động thái Ngân hàng Nhà nước nới biên độ tỷ giá từ +/-3% lên +/-5%?
Trong bối cảnh lạm phát thế giới cao, dai dẳng, Fed cũng như nhiều quốc gia khác tăng lãi suất... tạo áp lực lên tỷ giá VND rất lớn. Chưa nói đến khoảng cách giữa mức độ biến động giữa tỷ giá VND với tỷ giá các nước khác nhất là các nước có quan hệ thương mại, đầu tư với Việt Nam, việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh biên độ tỷ giá là cần thiết lúc này.
Đây cũng là cách để một phần giảm áp lực với tỷ giá, tìm điểm cân bằng mới thích hợp hơn cho tỷ giá và cũng tạo dư địa cho điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và chủ động hơn.
Nới biên độ điều chỉnh tỷ giá chỉ là một trong nhiều giải pháp, công cụ mà Ngân hàng Nhà nước thực hiện nhằm giúp tỷ giá ổn định một cách tương đối trong so sánh với biến động tỷ giá của nhiều quốc gia khác, cũng như trong bối cảnh Fed và nhiều quốc gia tiếp tục thắt chặt tiền tệ, nâng lãi suất.
Trước đó, để ổn định tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã dùng biện pháp như: Sử dụng Quỹ dự trữ ngoại hối, tăng lãi suất, chuyển phương thức giao dịch ngoại tệ từ bán kỳ hạn 3 tháng sang phương thức bán giao ngay… Chính vì vậy, việc nới biên độ này nằm trong tổng thể nhiều công cụ khác, ở chừng mực nhất định, giúp cân bằng được tất cả các chiều cạnh để tác động không quá tiêu cực tới nền kinh tế.
Vì sao Ngân hàng Nhà nước nới biên độ tỷ giá thay vì tăng mạnh tỷ giá trung tâm, thưa ông?
So với tăng mạnh tỷ giá trung tâm, nới biên độ tỷ giá cũng có điểm tương đồng là đạt tới điểm cân bằng tỷ giá mới. Tuy vậy, có sự khác biệt không nhỏ về thông điệp.
Thứ nhất, về tỷ giá công bố, Ngân hàng Nhà nước vẫn điều hành theo cách từ trước đến nay đó là linh hoạt điều chỉnh theo tỷ giá chủ chốt của các đối tác lớn.
Thứ hai, biên độ điều chỉnh tỷ giá được nới linh hoạt sẽ giúp chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, giảm bớt áp lực cho điều hành.
Việc nới biên độ tỷ giá giao ngay và nâng tỷ giá trung tâm sẽ tác động như thế nào tới DN và nền kinh tế, thưa ông?
Dĩ nhiên, việc tiền đồng mất giá hơn sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế, nhất là lạm phát, lãi suất. Nếu tiền đồng mất giá quá nhiều thì một phần sẽ chuyển vào chỉ số giá, đồng thời đẩy lãi suất đi lên. Với xuất khẩu, nếu tỷ giá không đủ linh hoạt cũng rất khó cạnh tranh. Hơn nữa, xuất khẩu của Việt Nam dựa rất lớn vào nhập khẩu nên nếu VND mất giá nhiều thì xuất khẩu cũng chưa chắc được lợi. Chưa kể vấn đề nợ quốc gia…
Thế nhưng, mức độ nới biên độ tỷ giá như hiện nay đã nằm trong tính toán tác động với nhiều chiều cạnh như lạm phát, lãi suất, xuất khẩu, nhập khẩu, lợi ích người gửi tiền đồng, USD…
Nới biên độ tỷ giá là một trong những giải pháp nhằm giúp tỷ giá ổn định một cách tương đối trong so sánh với biến động tỷ giá của nhiều quốc gia khác. |
Cách của Ngân hàng Nhà nước là linh hoạt hơn, tìm điểm cân bằng mới với tất cả các chiều cạnh của nền kinh tế để giảm các tác động tiêu cực, trong chừng mực vẫn giữ được ổn định vĩ mô tương đối, hỗ trợ xuất khẩu mà không tác động quá tiêu cực tới nhập khẩu, lạm phát.
Với diễn biến như hiện tại, theo ông, đâu là thách thức lớn đối với Ngân hàng Nhà nước?
Thách thức rất lớn của Ngân hàng Nhà nước hiện nay là cùng lúc phải làm ba nhiệm vụ. Đó là ổn định kinh tế vĩ mô. Trong chừng mực nhất định phải hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế. Song song với đó là tạo sự an toàn cho hệ thống nói chung, đặc biệt là hệ thống NHTM.
Để đạt điều này không đơn giản nhưng chúng ta đang có năng lực để làm được việc đó. Thứ nhất, chúng ta đã trải qua nhiều biến động trong thời gian dài, đối phó với nhiều cú sốc nên có kinh nghiệm ứng xử với cú sốc đó.
Thứ hai là chúng ta có nhiều công cụ, giải pháp, có cả giải pháp hành chính. Điều hành chính sách tiền tệ tương đối nhuần nhuyễn trong đảm bảo thanh khoản; phối hợp giữa chính sách tài khoá, tiền tệ ổn hơn.
Cùng với những giải pháp này, chúng ta có thể lựa chọn mục tiêu ưu tiên trong mỗi giai đoạn. Thứ ba, mặc dù hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn tồn tại một số vấn đề nhưng thực tế hoạt động ngân hàng đã khá ổn định so với giai đoạn cách đây trên dưới 10 năm. Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng vẫn đang tiếp tục, nhiều NHTM đáp ứng chuẩn mực theo thông lệ quốc tế.
Xin cảm ơn ông!