Lo ngại virus corona, người dân hạn chế giao dịch tiền mặt
Đang trong giai đoạn hoàn thiện nhà, chị Thanh Phương (34 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) dự định ra ngân hàng rút tiền mặt để trả tiền cho phía công ty nội thất. Tuy nhiên, hai tuần gần đây, khi tình hình dịch bệnh leo thang, chị Phương quyết định sẽ chuyển khoản qua ứng dụng internet banking thay vì trả bằng tiền mặt.
“Trước tôi vẫn có thói quen dùng tiền mặt để giao dịch nhưng từ khi có dịch, việc hạn chế tiếp xúc ở những nơi đông người và hạn chế dùng tiền mặt sẽ giúp việc phòng bệnh tốt hơn. Hơn thế, việc sử dụng ứng dụng ngân hàng để chi trả cũng rất tiện lợi, chỉ với một khoản phí rất nhỏ, tôi đã thực hiện xong việc thanh toán cho đơn vị cung cấp, thay vì phải mang tiền đến và ngồi đếm lại như mọi khi”, chị Phương chia sẻ.
Thanh toán điện tử tiện lợi, tránh nguy cơ nhiễm bệnh |
Không chỉ những giao dịch có giá trị lớn, nhiều người dân cũng hạn chế mua hàng tại chợ truyền thống mà chuyển sang đi chợ online, mua hàng qua mạng để tránh phải dùng đến tiền mặt.
Anh Quốc Huy (45 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết tuần qua, gia đình anh chủ yếu đặt mua nhu yếu phẩm qua các cửa hàng có dịch vụ giao tận nhà, có thể thanh toán chuyển khoản qua ngân hàng.
“Vợ chồng tôi cũng dùng thẻ visa khi đi siêu thị, và chuyển khoản khi mua hàng online”, anh Huy cho biết thêm.
Không riêng gì chị Phương, anh Huy, thời gian qua, nhiều người dân tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng hạn chế giao dịch bằng tiền mặt mà chuyển hẳn sang giao dịch, thanh toán điện tử.
Việc chuyển sang thương mại điện tử không những giúp hạn chế tiếp xúc, đến chỗ đông người để tránh rủi ro gây bệnh mà còn hạn chế sử dụng tiền - một phương tiện có thể lây truyền dịch bệnh.
Theo kết quả nghiên cứu cách đây vài năm của Đại học New York (Mỹ), tiền giấy tiềm ẩn khoảng 3.000 vi khuẩn và nhiều loại vi khuẩn trong số đó có nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.
Ông Nguyễn Bá Diệp - Phó chủ tịch, đồng sáng lập Ví MoMo. cho rằng virus corona được lây lan qua đường tiếp xúc thông thường, do vậy tiền mặt có khả năng trở thành một ổ bệnh nếu chẳng may có người dính virus corona và truyền virus vào tiền thông qua tiếp xúc.
“Để chung tay bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chúng tôi khuyến cáo người dùng nên chuyển sang các giao dịch điện tử để hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp với các vật thể ẩn chứa virus như tiền mặt”, ông Diệp nói.
Ngành Ngân hàng vào cuộc đẩy mạnh thanh toán điện tử |
Trước tình hình đó, nhiều ngân hàng thương mại đã chủ động phương án hạn chế giao dịch tiền mặt, đẩy mạnh thanh toán điện tử. Theo bà Ninh Thị Lan Phương, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), SHB coi đây là cơ hội đẩy mạnh các biện pháp giao dịch không dùng tiền mặt, đẩy mạnh thanh toán, gửi tiết kiệm trực tuyến (online).
Nhân dịp này, nhằm khuyến khích khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt, một số ngân hàng như Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà TP. Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đã miễn 100% phí thanh toán cho khách hàng khi giao dịch điện tử .
Ngân hàng TMCP Nam Á (NamA Bank) cũng vừa có văn bản yêu cầu nhân viên giới thiệu, hướng dẫn khách hàng sử dụng các sản phẩm ngân hàng điện tử như Internet Banking, Open Banking… để kiểm tra số dư, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, thanh toán thẻ, gửi tiết kiệm mà không phải đến ngân hàng.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng khuyến khích khách hàng nên chuyển sang giao dịch online nhằm hạn chế và phòng tránh tối đa các nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, về mặt công nghệ, khi đẩy mạnh ngân hàng tự động, dùng Internet Banking cũng giúp giảm thiểu chuyện lây lan, hạn chế việc tiếp xúc đông người, hạn chế việc tiếp xúc vật lý với những nguồn lây nhiễm virus.
Bên cạnh các ngân hàng, một số ví điện tử như MoMo cũng khuyến cáo khách hàng hạn chế sử dụng tiền mặt, ưu tiên chọn lựa các phương thức, các kênh thanh toán điện tử để hạn chế tối đa các nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh, phòng chống dịch virus corona.
Bàn thêm về vấn đề này, theo TS. Nguyễn Anh Phong, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng ( Đại học Kinh tế - Luật TP Hồ Chí Minh), ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh thì nhiều người đã biết các phương thức thanh toán không tiền mặt nhưng không ít người lớn tuổi hay người dân ở vùng nông thôn, các tỉnh thành ở xa trung tâm thì chưa biết về các hình thức này.
"Do đó, đây cũng là dịp nên đẩy mạnh truyền thông hơn để mục tiêu thanh toán không tiền mặt phát triển hơn", ông Phong khuyến nghị.