Lừa đảo trên mạng xã hội
Ảnh minh họa |
Khác với các hình thức tấn công bằng mã độc, các vụ tấn công kiểu này sẽ không tập trung vào khai thác điểm yếu của phần cứng hay phần mềm. Thay vào đó, chúng sẽ tập trung đánh vào tâm lý của nạn nhân.
Năm 2015, lực lượng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã liên tiếp xác minh, điều tra, triệt phá các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet với nhiều thủ đoạn mới, đặc biệt là việc dùng mạng xã hội để lừa đảo. Các đối tượng gây án thường là người nước ngoài, sử dụng facebook để làm quen với các phụ nữ đơn thân.
Sau một thời gian trò chuyện, đối tượng đề nghị tặng cho bị hại những đồ vật có giá trị như tiền, dây chuyền, điện thoại di động qua chuyển phát nhanh từ nước ngoài về Việt Nam. Sau đó, chúng cấu kết với đối tượng người Việt Nam giả danh nhân viên hải quan, cơ quan thuế, sân bay hoặc công ty chuyển phát nhanh gọi điện cho bị hại thông báo lô hàng chuyển từ nước ngoài về đang bị tạm giữ.
Nếu muốn nhận lại, bị hại phải nộp các khoản tiền chuyển phát nhanh, tiền thuế các tài khoản do chúng cung cấp. Trong tháng 10 vừa qua, Công an Quảng Ngãi cũng đã triệt phá đường dây lừa đảo qua facebook của nhóm người nước ngoài, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của các phụ nữ Việt Nam.
Một trong những hình thức lừa đảo qua mạng khá phổ biến là "phishing" (lừa đảo giả dạng). Với hình thức này, hacker sẽ gửi các email giả dạng làm ngân hàng, công ty cung cấp dịch vụ mà bạn đang sử dụng, hoặc một tổ chức đáng tin cậy khác, để chiếm đoạt tài sản của các bị hại.
Mới đây, ngày 7/1, cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Úc rúng động trước vụ lừa đảo quy mô lên đến hàng trăm nghìn USD. Hơn 300 du học sinh Việt Nam ở Sydney và Melbourne, bang Victoria thông báo họ bị lừa mua vé máy bay giá rẻ của hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) để về Việt Nam qua một địa chỉ facebook mang tên Vi Tran.
Chỉ với một tài khoản facebook và lợi dụng niềm tin, tâm lý “ham rẻ” của khách, Vi Tran đã thực hiện hành vi lừa đảo khiến hàng trăm du học sinh Việt tại Úc điêu đứng. Tổng số tiền mà các sinh viên này đã bỏ ra để đặt vé của Vi Tran lên tới trên 500.000 AUD (355.000 USD). Các nạn nhân cho biết việc trao đổi, đặt mua vé máy bay khứ hồi về nước hoàn toàn diễn ra qua facebook và điện thoại với một người nữ lấy tên Vi Tran.
Ngay khi nhận được trình báo, cảnh sát bang New South Wales đã tiến hành thu thập thông tin điều tra. Đại sứ quán Việt Nam tại Úc, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney và Văn phòng đại diện Vietnam Airlines tại Úc… cũng đang tiếp tục nỗ lực phối hợp với các cơ quan chức năng phía bạn tìm cách hỗ trợ, giải quyết vụ việc.
Liên quan đến vụ việc này, đại diện Vietnam Airlines khẳng định Vi Tran không phải là đại lý chính thức có hợp đồng thương mại với hãng tại Úc, đồng thời, hãng đã làm việc với các bên liên quan về vụ việc. Hiện vụ án vẫn được cơ quan chức năng của Úc điều tra.
Do người dùng thường sử dụng cùng một tên tài khoản và mật khẩu trên nhiều dịch vụ trực tuyến khác nhau, nên việc để lộ những thông tin này trên một dịch vụ có thể khiến bạn mất quyền kiểm soát đối với tất cả các tài khoản số của mình. Việc để lộ số thẻ tín dụng hoặc tài khoản ngân hàng trực tuyến sẽ gây thiệt hại tài chính, trực tiếp, trong khi để lộ các tài khoản dịch vụ cá nhân có thể gây ra nhiều tổn hại khó lường trước.
Như vậy, lừa đảo qua mạng cũng không hề khác biệt so với ngoài đời thực: kẻ xấu sẽ lợi dụng tâm lý sơ hở và sự thiếu hiểu biết của nạn nhân để thu lời bất chính, đe dọa tới cả kinh tế, đời tư và sự an toàn của bạn.
Có thể thấy, hiện nay internet, cũng như các mạng xã hội như facebook, twitter... là một mảnh đất màu mỡ cho các loại tội phạm công nghệ cao, sử dụng khả năng công nghệ thông tin để kiếm lợi bất chính. Thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng này ngày một đa dạng và tinh vi, đòi hỏi người sử dụng internet và mạng xã hội cần tăng cường cảnh giác và biết cách tự bảo vệ mình.