Luôn đảm bảo an ninh lương thực quốc gia
10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW ngày 5/8/2009 của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020” đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, mục đích, ý nghĩa của phát triển lương thực thực phẩm nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Giai đoạn 2009 - 2019, sản lượng lúa đã tăng từ 39,17 triệu tấn lên 43,4 triệu tấn; bình quân lương thực đầu người tăng từ 497 kg/năm lên trên 525 kg/năm, đưa Việt Nam vào nhóm 6 nước hàng đầu về chỉ số này và vai trò của Việt Nam trong hỗ trợ an ninh lương thực cho các quốc gia khác ngày càng tăng, theo báo cáo của Bộ NN&PTNT.
Sản xuất nông nghiệp Việt Nam cần tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến |
Việc tập trung phát triển sản xuất lương thực, thực phẩm hàng hóa theo hướng tập trung, quy mô lớn khiến tình trạng thiếu dinh dưỡng được cải tiến đáng kể, giảm từ 18,2% trong giai đoạn 2004 - 2006 xuống 10,8% hiện nay. Nhờ đó, Việt Nam không chỉ tự bảo đảm an ninh lương thực, mà còn góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho nhiều quốc gia khác khi mỗi năm xuất khẩu 5 - 7 triệu tấn gạo. Gạo Việt Nam đã xuất khẩu đến 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, cơ cấu thị trường đa dạng, chủng loại, chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao.
Theo đó, thu nhập của người dân nông thôn đã tăng đáng kể, góp phần cải thiện rõ rệt khả năng tiếp cận lương thực. Bữa ăn gia đình đã đa dạng hơn cả về loại thực phẩm lẫn chất lượng thực phẩm; giảm lượng gạo ăn bình quân từ 132 kg/người năm 2008 xuống còn 96,6 kg/người năm 2018, tăng lượng thịt ăn bình quân từ 17 kg/người/năm lên 26 kg/người/năm, duy trì tỷ lệ trái cây và rau quả ở mức phù hợp. Thu nhập người trồng lúa cơ bản bảo đảm có lãi hơn 30% so với giá thành sản xuất, thậm chí có nơi còn cao hơn nữa.
Với Hà Nội, trong những năm qua, mặc dù thời tiết diễn biến bất thường do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu dẫn đến thiên tai, dịch bệnh, hạn hán... nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân của giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2010-2018 đạt 3,34%/năm. Từ năm 2009 đến nay, sản lượng lúa hàng năm đạt hơn 1 triệu tấn; hình thành nhiều vùng sản xuất lúa chất lượng cao ở các huyện: Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Mê Linh, Thanh Oai, Chương Mỹ, Sóc Sơn… cho giá trị thu nhập tăng hơn so với sản xuất lúa truyền thống khoảng 25-30%.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ đang tập trung mọi biện pháp để vừa phòng chống dịch Covid-19, quyết ngăn chặn việc lây nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam, đảm bảo an toàn tính mạng sức khỏe của nhân dân, nhưng vừa phải giữ ổn định đời sống nhân dân, nhịp độ sản xuất cũng như các hoạt động xã hội khác của đất nước. Do đó, ổn định an ninh lương thực là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong bất cứ tình huống nào nhằm ổn định cuộc sống, đáp ứng nhu yếu phẩm cho người dân.
Kết quả 10 năm thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020” đã đưa Việt Nam từ một quốc gia thiếu ăn, trở thành một trong 3 nước xuất khẩu lúa gạo lớn của thế giới, với sản lượng đạt 5 - 7 triệu tấn/năm. Cũng nhờ áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ đầu tư vào sản xuất, năm 2019, gạo Việt Nam đã được công nhận là một trong những loại gạo ngon nhất thế giới, giúp đời sống người dân được cải thiện.
Tuy nhiên, dù xuất khẩu gạo của Việt Nam thuộc nhóm đứng đầu thế giới, nhưng xếp hạng về an ninh lương thực lại chỉ ở mức trung bình (xếp thứ 57/113 quốc gia); nông dân vẫn chưa thể làm giàu từ sản xuất nông nghiệp; liên kết chuỗi với vùng sản xuất, thị trường các ngành hàng còn yếu, nhất là chế biến nông sản, hình thành vùng sản xuất tập trung; mức độ ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, áp dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế; năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh chưa cao…
Để đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm cho khoảng 104 triệu người Việt Nam vào năm 2030; và mục tiêu xuất khẩu 4,5 triệu tấn gạo trong Chiến lược Phát triển thị trường gạo thì cần 3,5 triệu ha đất lúa vào năm 2030, sản xuất khoảng 35 triệu tấn lúa, dự trữ quốc gia... trong điều kiện thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tốc độ đô thị hóa nhanh, dịch bệnh xảy ra bất thường, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, các nhà khoa học đánh giá lại những kết quả và những hạn chế, từ đó đưa ra những giải pháp cho sản xuất lương thực như: cần giữ lại bao nhiêu diện tích lúa, ở mức nào là phù hợp vừa bảo đảm an ninh lương thực, vừa phát huy hiệu quả của nền nông nghiệp nhiệt đới… Song song với đó, cần đầu tư giống, cơ sở hạ tầng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghiệp chế biến bảo quản, nâng cao hiệu quả xuất khẩu, sản lượng lớn nhưng phải đi kèm với chất lượng.
Trước mắt, Thủ tướng nhấn mạnh, phải giảm ngay giá thịt lợn trong cơ cấu giá để phát triển ổn định, bền vững. Cùng với đó, tập trung phát triển nông sản theo 3 trục sản phẩm gồm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; Nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương (Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP); ứng dụng công nghệ 4.0; liên kết hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Mỗi ngành hàng đều phải có những tập đoàn kinh tế lớn để liên kết, thúc đẩy sáng tạo mới trong nông nghiệp và an ninh lương thực…