“Ma trận” thực phẩm chức năng kém chất lượng
Xử lý nghiêm đối với quảng cáo thực phẩm sai sự thật Bộ Công an thông tin về kết quả xử lý các vụ việc sữa giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả |
“Vàng thau lẫn lộn”
Thị trường TPCN tại Việt Nam đang phát triển nhanh chóng với giá trị ước tính đạt gần 1 tỷ USD/năm, theo Hiệp hội TPCN Việt Nam. Tính đến cuối năm 2024, cả nước có hơn 4.000 sản phẩm TPCN được công bố và lưu hành. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm được kiểm tra chất lượng định kỳ lại không tương xứng, tạo điều kiện cho hàng giả, hàng kém chất lượng len lỏi ra thị trường.
Trên các nền tảng mạng xã hội và thương mại điện tử, hàng loạt sản phẩm TPCN được quảng cáo với những lời lẽ “có cánh”: “chữa dứt điểm tiểu đường”, “tăng cường sinh lý chỉ sau 7 ngày”, “trị đau xương khớp không cần thuốc Tây”... Bên cạnh đó là hình ảnh người nổi tiếng, người mặc áo blouse giả bác sĩ, các clip livestream tràn lan, đánh trúng tâm lý lo lắng về sức khỏe của người tiêu dùng, nhất là người cao tuổi và người có bệnh mạn tính.
Bà Nguyễn Mỹ Hường, Hà Nội chia sẻ, bà mua một hộp viên uống hỗ trợ xương khớp theo lời giới thiệu trên Facebook, thấy quảng cáo rất thuyết phục. Nhưng khi dùng thì không hiệu quả, còn bị đau dạ dày. Gọi lại số điện thoại tư vấn thì không liên lạc được.
Ông Nguyễn Thanh Phong, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhận định, quảng cáo TPCN hiện nay rất khó kiểm soát, nhất là trên mạng xã hội. Một phần do công nghệ phát triển nhanh hơn năng lực giám sát, phần khác do lợi nhuận quá lớn khiến nhiều đối tượng bất chấp. Nếu không có chế tài đủ mạnh và kiểm soát chặt từ nhiều phía, thị trường này sẽ còn phức tạp hơn.
Luật sư Trần Minh Dũng (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho biết, các chế tài hiện hành chưa đủ sức răn đe, có nhiều hành vi quảng cáo sai sự thật chỉ bị phạt vài chục triệu đồng, trong khi doanh thu từ bán hàng có thể lên tới hàng tỷ. Do đó, cần tăng mức phạt, kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng cho người tiêu dùng.
Giới chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân chính khiến người tiêu dùng bị “dắt mũi” là thiếu thông tin minh bạch. Không ít sản phẩm TPCN trên thị trường không rõ nguồn gốc, chưa được cơ quan chức năng cấp phép hoặc đã bị rút giấy phép nhưng vẫn xuất hiện trên thị trường dưới tên gọi khác.
PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho rằng, cần xây dựng hệ thống tra cứu thông tin TPCN công khai cho người dân, như tra mã QR để biết sản phẩm có được cấp phép hay không; đơn vị chịu trách nhiệm, thời hạn lưu hành... Đồng thời phải làm rõ trách nhiệm của sàn thương mại điện tử nếu để hàng vi phạm tồn tại.
Về phía quản lý, đại diện Bộ Y tế cho biết, đang hoàn thiện hành lang pháp lý mới cho thị trường TPCN, trong đó tập trung vào quy trình cấp phép, hậu kiểm và xử phạt vi phạm quảng cáo. “Chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm soát nội dung quảng cáo trên nền tảng số, đồng thời tăng cường thanh tra đột xuất và kiểm tra định kỳ các cơ sở sản xuất”, vị này cho biết.
![]() |
Vẫn còn nhiều bất cập trong quản lý và phân phối TPCN |
Vai trò của doanh nghiệp và người tiêu dùng
Dù cơ quan chức năng siết chặt quản lý, nhưng để thị trường TPCN phát triển bền vững và lành mạnh, vai trò của doanh nghiệp chân chính là rất quan trọng. Ông Lê Văn Long, Giám đốc một doanh nghiệp TPCN tại Hà Nội chia sẻ: “Chúng tôi luôn minh bạch hóa quy trình sản xuất, mời chuyên gia y tế tham gia đánh giá sản phẩm trước khi đưa ra thị trường, và tuân thủ tuyệt đối quy định quảng cáo. Uy tín lâu dài quan trọng hơn doanh thu ngắn hạn”.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần nâng cao nhận thức, không tin vào những lời quảng cáo “thần kỳ”, luôn kiểm tra giấy phép và nguồn gốc sản phẩm trước khi sử dụng. “TPCN không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Người tiêu dùng nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để tránh tiền mất, tật mang”, bác sĩ Nguyễn Phương Hoa (Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh) lưu ý.
Thị trường TPCN tại Việt Nam đang phát triển mạnh nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro nếu thiếu sự quản lý chặt chẽ và sự tỉnh táo từ phía người tiêu dùng. Để ngăn chặn “ma trận” TPCN kém chất lượng, cần sự vào cuộc đồng bộ của cơ quan chức năng, doanh nghiệp, nền tảng công nghệ và cộng đồng người tiêu dùng. Chỉ khi thị trường minh bạch, niềm tin mới được củng cố và sức khỏe cộng đồng mới thực sự được bảo vệ.
Tin liên quan
Tin khác

Xuất cấp 668,505 tấn gạo dự trữ hỗ trợ Hà Giang, Tuyên Quang và Bắc Kạn

Đà Nẵng hợp tác với Tập đoàn Vingroup phát triển xanh

Generali tài trợ 2,5 tỷ đồng cho dự án bảo vệ trẻ em trong tình huống khẩn cấp

Sẽ nối đường từ Chiến Thắng kéo dài đến Nguyễn Xiển - Xa La

Vietcap ra mắt Dự án vì cộng đồng "Vững xanh tài chính, phủ xanh Việt Nam"

Hà Nội triển khai nhiều giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm

Prudential ra mắt thị trường sản phẩm bảo hiểm liên kết chung mới

Công bố sản phẩm giải pháp khoa học công nghệ tiêu biểu Make in Viet Nam

Giá điện tăng, khách hàng sử dụng điện tìm cách thích nghi
