Mở cửa du lịch: Tránh rào cản kìm đà phục hồi
Doanh nghiệp lữ hành đang “đứng ngồi không yên” | |
Đà Nẵng: Đón làn sóng du lịch mới hậu đại dịch | |
Các bộ nhất trí thời gian, yêu cầu, thực hiện mở cửa du lịch |
“Thấp thỏm” chờ quy định
Ông Phạm Tiến Dũng - Giám đốc Công ty Du lịch GoldenTour, Phó chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội chia sẻ, ngay khi Chính phủ đồng ý với đề xuất mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ 15/3, doanh nghiệp đã nhanh chóng liên hệ với các đối tác quốc tế, đặc biệt là ở những thị trường vốn là thế mạnh như Singapore, Indonesia, các nước châu Âu… để thiết kế các sản phẩm hấp dẫn dành cho du khách trong thời gian tới.
Tuy nhiên, cũng như nhiều doanh nghiệp lữ hành khác, ông Dũng cho biết hiện đang vừa làm vừa “ngóng” chính sách ban hành cụ thể, bởi lẽ chỉ khi các quy định nhất quán, được công bố rõ ràng thì doanh nghiệp mới có thể tự tin để thực hiện các chương trình quảng bá, truyền thông, thống nhất với các đối tác.
Các doanh nghiệp lữ hành đếm từng ngày đến thời khắc du lịch Việt hoàn toàn mở cửa |
Có thể thấy, sau hai năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, du lịch Việt đang đứng trước “cơ hội vàng” phục hồi trở lại. Theo báo cáo từ công cụ phân tích dữ liệu du lịch Google Destination Insights, Việt Nam hiện là điểm đến có mức tăng trưởng cao nhất trên toàn thế giới về lượng tìm kiếm quốc tế đối với hàng không và lưu trú du lịch. Từ đầu năm 2022 đến nay, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không đến Việt Nam đang tăng rất nhanh, vào thời điểm đầu tháng 1/2022 tăng khoảng 247% so với cùng kỳ, đến đầu tháng 2/2022 tăng 425% và đến giữa tháng 2/2022 tăng vọt tới 654% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, khi giờ “G” mở cửa đang tới gần, các doanh nghiệp du lịch lại thêm phần hoang mang trước một số quy định tại văn bản góp ý của Bộ Y tế về Dự thảo Phương án đón khách quốc tế của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL). Theo đó, Bộ Y tế đưa ra đề xuất trong vòng 24 giờ đầu, hành khách không rời khỏi nơi lưu trú ngay cả khi nhập cảnh vào Việt Nam có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính; đồng thời đưa ra khuyến cáo khách quốc tế không ra khỏi nơi cư trú trong vòng 72 giờ. Trường hợp ngày thứ 2 và 3, khách cần rời khỏi nơi lưu trú, phải làm xét nghiệm SARS-CoV-2 hàng ngày.
Đại diện một doanh nghiệp lữ hành bày tỏ sự bất ngờ trước góp ý mà Bộ Y tế đưa ra, các quy định này tuy để đảm bảo an toàn phòng chống dịch tuy nhiên sẽ làm ngành du lịch khó hồi phục như kỳ vọng và tác động tiêu cực lên cả nền kinh tế. Theo đó, các quy định này khiến khách quốc tế ái ngại, nhiều khả năng chuyển hướng tới các quốc gia khác trong khu vực.
Không chỉ siết chặt quy định nhập cảnh, góp ý cho phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, Bộ Công an cũng có ý kiến bổ sung nhiệm vụ cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành việc “Xây dựng kế hoạch, quy trình đón khách an toàn… gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt”.
Trước ý kiến này, ông Phạm Tiến Dũng cho rằng, các doanh nghiệp lữ hành khi quay trở lại hoạt động thì đã phải tuân thủ pháp luật về du lịch và các quy định liên quan mới được đón khách. Các phương án đảm bảo an toàn cũng đã được các bộ, ngành, địa phương quy định và giám sát các đơn vị cung ứng dịch vụ liên quan. Hơn hết, Việt Nam đã có các điểm tham quan xanh, an toàn, nơi lưu trú đúng tiêu chí xanh theo khuyến cáo từ Tổng cục Du lịch. Vì vậy, đây là thủ tục không cần thiết.
Cần phôi phục lại chính sách visa
Trước những góp ý của các bộ, ngành, trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, Bộ VHTT&DL kiến nghị giữ nguyên phương án khách du lịch có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp PCR/RT-LAMP) trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh. Bên cạnh đó, trong vòng 24 giờ đầu (kể từ khi nhập cảnh bằng đường hàng không), khách về thẳng nơi lưu trú, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2. Nếu kết quả âm tính thì được tham gia các hoạt động du lịch, nếu dương tính thì thực hiện các biện pháp cách ly, xử lý y tế theo quy định.
Về ý kiến của Bộ Công an, Bộ VHTT&DL cũng kiến nghị giữ nguyên nội dung trong dự thảo phương án, không yêu cầu thêm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp lữ hành khi mở cửa lại hoạt động du lịch. Việc yêu cầu doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, quy trình đón khách an toàn gửi cơ quan thẩm quyền phê duyệt chỉ thực hiện trong giai đoạn thí điểm.
Ngoài ra, để đảm bảo mở cửa lại hoạt động du lịch an toàn trong điều kiện bình thường mới, Bộ VHTT&DL cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm tiếp tục chỉ đạo một số nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, sớm khôi phục các chính sách về thị thực nhập cảnh cho người nước ngoài như trước khi áp dụng các biện pháp hạn chế nhằm phòng, chống dịch Covid-19; hoàn thiện ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 để thống nhất áp dụng, hỗ trợ khách nhập cảnh trong thời gian lưu trú tại Việt Nam…
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, để tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến Việt Nam như trước dịch, yếu tố quan trọng là cần khôi phục lại chính sách visa. Đơn cử như khi trước đại dịch Covid-19, Việt Nam đang miễn visa song phương cho 88 nước, đơn phương cho 13 nước, là những thị trường trọng điểm của Việt Nam.
Các chuyên gia cũng cho rằng Việt Nam có thể tính toán cởi mở hơn về chính sách miễn visa. Thực tế, ở khu vực lân cận, Thái Lan đã miễn visa cho 64 nước; Singapore miễn cho khoảng 120 - 130 nước, Indonesia và Malaysia miễn cho khoảng hơn 150 nước. Đây là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến lựa chọn của du khách, bên cạnh nỗ lực nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm du lịch.
Cùng với đó, không chỉ mong muốn nới lỏng các quy định cách ly, đại diện các doanh nghiệp cũng chia sẻ, quan trọng nhất là đồng bộ chính sách thực hiện mở cửa, tránh tình trạng mở rồi lại đóng hay “mở nửa vời”. Theo ông Phạm Tiến Dũng, điều này không chỉ tạo sự an tâm cho du khách khi đến Việt Nam mà còn là động lực để các doanh nghiệp trong nước đầu tư, xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch mới chất lượng hơn, mở rộng quy mô, tuyển dụng nhân sự, nâng cấp dịch vụ.
Hơn tất cả, các doanh nghiệp vẫn đang chờ một chính sách được ban hành cụ thể với những quy định vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, vừa tạo điều kiện tối đa cho du khách, doanh nghiệp và cũng là trao cơ hội cho ngành “công nghiệp không khói” có thể vực dậy sau khó khăn.