“Mở khóa” tài sản thế chấp cho hợp tác xã
Quỹ hỗ trợ hợp tác xã ngóng pháp lý | |
Đề xuất lập Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã: Cho vay không quá 7 năm |
Ảnh minh họa |
Nhằm hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) trong giai đoạn 2021-2025, mới đây UBND TP.HCM đã kiến nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường tham mưu Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ, ưu đãi về đất đai cho các HTX nông nghiệp.
Song song với đó, địa phương cũng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét ban hành chính sách hỗ trợ HTX theo mô hình cung ứng dịch vụ cho nhiều thành viên được hưởng các ưu đãi về thuế giá trị gia tăng (VAT). Khoản ưu đãi này sẽ được để lại cho HTX gọi là “quỹ không chia”, khi HTX giải thể, ngừng hoạt động sẽ trả lại nguồn này cho ngân sách.
Động thái trên của UBND TP.HCM cho thấy, rất có thể trong các năm tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các mô hình kinh tế tập thể như HTX, tổ hợp tác sẽ có nhiều cơ hội để mở rộng phát triển. Bởi cho đến hiện tại theo những thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, các nút thắt cơ bản nhất về đất đai vẫn đang khiến khoảng 50,8% các HTX nông nghiệp rơi vào tình trạng khó mở rộng quy mô. Gần 200 HTX nông nghiệp được khảo sát (năm 2018) cũng cho rằng, do hạn chế về quỹ đất sở hữu nên HTX khó tiếp cận vốn vay tín dụng để đầu tư công nghệ và xây dựng hạ tầng sản xuất kinh doanh.
Ông Lê Hòa Bình - Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, những năm vừa qua tại các quận, huyện ngoại thành TP.HCM nhiều HTX nông nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn khi không thể chuyển đổi mục đích sử dụng các diện tích đất nông nghiệp để xây dựng nhà xưởng sơ chế, chuồng trại chăn nuôi phục vụ các phương án sản xuất kinh doanh. Các HTX như Phước An (Bình Chánh), Phú Lộc (Củ Chi)… đã nhiều lần kiến nghị chính quyền các cấp để tháo gỡ khó khăn về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Chính vì vậy, trong khi chờ đợi Trung ương ban hành những chính sách hỗ trợ, ưu đãi về đất đai cho các HTX nông nghiệp một cách cụ thể, Sở Xây dựng TP.HCM cũng đã kiến nghị chính quyền thành phố ban hành quy định riêng cho phép các HTX nông nghiệp trên địa bàn có thể chuyển đổi mục đích sử dụng một phần diện tích đất nông nghiệp để xây dựng các công trình phục vụ sản xuất - kinh doanh như: nhà kính, nhà lưới, kho để dụng cụ nông nghiệp, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm… mà chỉ cần đăng ký biến động tình trạng sử dụng với cơ quan có thẩm quyền.
Nếu đề xuất trên của Sở Xây dựng TP.HCM được chấp thuận, đồng nghĩa rằng hàng trăm HTX tại khu vực TP.HCM sẽ có điều kiện được cấp phép xây dựng các công trình nhà kho, nhà kính, nhà lưới một cách nhanh chóng. Trong bối cảnh hiện tại, Nghị định 116/2018 của Chính phủ đã cho phép các HTX được dùng các tài sản gắn liền trên đất nông nghiệp để thế chấp vay vốn tại các TCTD.
Thêm vào đó, những năm gần đây, hàng loạt tập đoàn lớn như: Vingroup, TH, Thành Thành Công… đã có những hợp tác cụ thể với chính quyền để đầu tư các vùng nguyên liệu nông sản sạch; UBND TP.HCM mới đây cũng đã chỉ đạo các quận, huyện tập trung hỗ trợ tài chính cho các HTX xây dựng chuỗi liên kết giá trị theo mô hình hộ nông dân - HTX - DN.
Vì vậy, việc tháo gỡ nút thắt về xây dựng nhà xưởng, chuồng trại chăn nuôi… trên nền đất nông nghiệp sẽ mở ra cơ hội rất tốt để các HTX đẩy mạnh mở rộng quy mô, tăng cường ứng dụng các máy móc, thiết bị công nghệ cao vào hoạt động sản xuất, chế biến nông sản.
Điều này một mặt giúp các HTX tham gia sâu hơn vào các chuỗi liên kết với các DN lớn và các hệ thống tiêu thụ sản phẩm, mặt khác hỗ trợ các HTX chủ động tạo ra tiềm lực tài chính, mở rộng quy mô và mức độ tài sản. Từ đó gia tăng cơ hội hợp tác, tiếp cận các nguồn vốn vay NHTM với lãi suất ưu đãi và hạn mức tín dụng các ngân hàng cấp cho các HTX cũng sẽ cao hơn so với thời điểm hiện nay.
Theo thống kê của NHNN Việt Nam, trong giai đoạn 2003 - 2018, doanh số cho vay đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX trên toàn quốc đạt khoảng 69.147 tỷ đồng, bình quân mỗi năm doanh số cho vay đạt hơn 4.600 tỷ đồng.
Trong đó, dư nợ cho vay đối với các HTX, liên hiệp HTX nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, tăng từ 114 tỷ đồng năm 2003 lên 771 tỷ đồng vào cuối năm 2018 (gấp 6,8 lần). Riêng Agribank, tổng dư nợ cho vay các HTX đạt khoảng 1.483 tỷ đồng vào năm 2018 và tăng thêm khoảng 21 tỷ đồng vào quý I/2019. Bình quân dư nợ cho vay một HTX là 3,5 tỷ đồng.