Một chuẩn eKYC tập trung?
e-KYC: Cơ sở để phát triển ngân hàng số |
Hiện nay eKYC mới chủ yếu sử dụng trong liên kết tiền từ tài khoản ngân hàng sang ví điện tử để thanh toán |
Tại hội thảo ứng dụng eKYC (xác thực khách hàng) trong thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam, do Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức mới đây tại TP.HCM, ông Sinchang Lai - Trưởng nhóm cơ sở hạ tầng tài chính khu vực Đông Á và châu Á - Thái Bình Dương thuộc Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) cho rằng, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu, đến năm 2025 kinh tế số sẽ đóng góp 20% GDP; trong khi tỷ lệ này hiện nay Việt Nam mới chỉ vào khoảng 5%.
Hiện nay, trên thế giới một số công ty cho vay trực tuyến đã cho vay mà không cần văn phòng truyền thống. Ví dụ: người tiêu dùng đến siêu thị muốn mua một chiếc tivi giá 100 triệu đồng, nhưng trong tài khoản chỉ có sẵn 20 triệu đồng. Nếu có xác thực điện tử khách hàng, nhà cho vay liên kết với điểm bán lẻ sẽ cho vay 80 triệu đồng còn lại để người tiêu dùng mua chiếc tivi yêu thích ngay lập tức mà không cần phải đến quầy giao dịch ngân hàng.
Theo các chuyên gia, quan hệ thương mại và tín dụng tiêu dùng sẽ trở nên nhanh chóng hơn khi có eKYC. “eKYC là một trong những mắt xích trọng yếu trong phát triển ngân hàng số”, ông Phạm Xuân Hòe - Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng khẳng định và cho biết: Lợi ích của phát triển eKYC hiện nay với chi phí thấp ngân hàng sẽ cung cấp cho thị trường những sản phẩm chuyển tiền với mức phí bằng không. Cũng tương tự như NHNN đang cho VietinBank, VIB thực hiện thí điểm sử dụng chuỗi khối (blockchain) để chuyển tiền và các ngân hàng thỏa sức sáng tạo các sản phẩm tài chính. Không nên quá lo lắng về rủi ro xác thực khách hàng điện tử, bởi các ngân hàng kinh doanh sẽ sử dụng các quy định của NHNN để trích lập dự phòng rủi ro cho các hoạt động của ngân hàng số.
Theo CIC, hiện nay các tổ chức tài chính Việt Nam áp dụng eKYC chủ yếu trong lĩnh vực thanh toán, ví như xác thực liên kết tài khoản giữa tài khoản Vietcombank sang ví điện tử MoMo. Áp dụng eKYC là một phần quan trọng trong dữ liệu lớn (big data) trong phát triển ngân hàng số.
Đồng tình quan điểm này, ông Trần Hoài Nam - Giám đốc Ngân hàng số TP Bank cho biết, eKYC có ba hoạt động trong ngân hàng: xác thực khách hàng lần đầu, xác thực một giao dịch của khách hàng với ngân hàng mà không cần đến ngân hàng, ngân hàng có thể chăm sóc và hỗ trợ những nhu cầu của khách hàng đã, đang quan hệ với ngân hàng. Từ đó, ngân hàng có thể sử dụng eKYC chấm điểm tốt cho khách hàng đã giao dịch trên ngân hàng số mà còn đánh dấu hành vi khách hàng trả nợ đúng hạn, trễ hạn thanh toán… thông qua lịch sử giao dịch với ngân hàng.
“Ngân hàng số làm eKYC không đơn giản là tiết kiệm chi phí mà còn gia tăng tiện ích cho người dùng, đo đếm được sự hài lòng của khách hàng sử dụng dịch vụ, từ đó điều chỉnh sản phẩm dịch vụ theo hướng tăng chất lượng dịch vụ và giảm thiểu các rủi ro trong giao dịch của ngân hàng với khách hàng”, ông Nam nhấn mạnh.
Lợi ích của eKYC trong phát triển ngân hàng số là không bàn cãi, nhưng hiện các giải pháp công nghệ eKYC cho ngân hàng điện tử, đang bán trôi nổi tràn ngập thị trường khiến các ngân hàng và công ty tài chính không biết chọn giải pháp nào phù hợp với người dùng và tương thích với các tổ chức tín dụng khác muốn đấu nối. Thực trạng mỗi ngân hàng đầu tư công cụ xác thực khách hàng từ xa cho các hoạt động thẩm định, đặt lịch giao dịch… trên ngân hàng điện tử đang gây lãng phí chi phí đầu tư mà lại không phục vụ người giao dịch ngân hàng điện tử hiệu quả. Bên cạnh đó, việc thiếu một thị trường eKYC chuẩn mực, dẫn đến sinh ra cả những công ty cung cấp các giải pháp ngăn chặn những loại eKYC giả mạo để trục lợi tài chính.
Ông Cao Văn Bình – Phó tổng giám đốc CIC cho biết, hiện nay chưa có chuẩn eKYC các ngân hàng có thể liên kết với CIC xây dựng một chuẩn eKYC chung. CIC có lợi thế thông tin tín dụng của người dân, các ngân hàng có kho dữ liệu khách hàng có thể chia sẻ trở lại với CIC từ đó tạo lập một kho dữ liệu lớn sử dụng trong khi chờ các hành lang pháp lý. |