Chuyển đổi xanh: Passport ra thế giới
Doanh nghiệp Việt đối mặt với thách thức trong chuyển đổi xanh Việt Nam – Điểm đến đầu tư hấp dẫn trong quá trình chuyển đổi xanh Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững |
Sản xuất xanh mở rộng “cánh cửa” thị trường
Với tư duy “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam đã chọn cách làm mới, cũng như hợp tác với những tập đoàn nông nghiệp quốc tế để đầu tư hệ thống chuỗi giá trị cao, áp dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài với cả trăm năm kinh nghiệm, vốn hóa hàng triệu USD đã lựa chọn doanh nghiệp nông nghiệp Việt là đối tác tin cậy khi không ít “nhà nông chân đất” đã tự chuẩn hoá, nâng tầm với hàng loạt chứng chỉ tiêu chuẩn quốc tế Global GAP gồm 349 tiêu chí, thay vì tiêu chuẩn VietGAP chỉ có 12 tiêu chí như khi còn trong “sân nhà.” Nhiều dự án của doanh nghiệp nội đều sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời nối lưới, sử dụng điện sạch, giảm phát thải một lượng lớn carbon so với sử dụng nguồn điện truyền thống.
Trong xu thế xanh hiện nay, các tập đoàn trên thế giới đang hướng tới mô hình “tổ chức màu xanh ngọc”, tức là vừa kinh doanh xuất sắc, vừa hướng tới sự phát triển xanh, bền vững. Bối cảnh toàn cầu hóa đòi hỏi ngành nông nghiệp cũng phải đổi mới tư duy sản xuất chứ không thể đứng ngoài cuộc chơi. Đó là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường, hướng tới nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người. Với tầm quan trọng này, mô hình kinh tế xanh trong lĩnh vực nông nghiệp đang nhận được sự ủng hộ từ Chính phủ, các bộ ngành, mà ngay cả các tổ chức tín dụng cũng có nhiều chính sách đồng hành cùng doanh nghiệp.
Đồng tình với quan điểm chuyển đổi xanh chính là hộ chiếu thông hành “passport” để sản phẩm của doanh nghiệp Việt trong bất kỳ lĩnh vực nào, tiếp cận và chinh phục thị trường thế giới. Ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, các thị trường lớn của dệt may Việt Nam như EU, Mỹ, Hàn Quốc hay Trung Quốc cũng bắt đầu đưa ra hàng loạt đòi hỏi về chứng chỉ xanh để có thể xuất hàng vào thị trường của họ. Tiêu chuẩn xanh là khâu đầu tiên trong chuỗi dệt may và có đến 86 chỉ tiêu đánh giá để một đơn hàng. Chẳng hạn, theo quy định, các nhãn hàng lớn không còn được đốt nồi hơi bằng than, củi mà phải dùng nồi hơi điện để đốt vải vụn, làm tăng 15% chi phí trên giá sản xuất. Như vậy, xu thế xanh là xu thế tất yếu, doanh nghiệp phải đầu tư để đạt được 86 chỉ tiêu đánh giá mới có thể bán hàng ra quốc tế.
Tài chính xanh “bệ đỡ” xanh hóa
Song, để có thể xanh hoá lâu dài và hướng đến mục tiêu chung của Chính phủ, giúp doanh nghiệp Việt vươn xa, chinh phục thị trường thế giới, các tổ chức tín dụng, ngân hàng trong nước cũng nên chủ động vào cuộc, hợp tác với tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ xanh cho doanh nghiệp, để ngân hàng an tâm cho vay, tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi xanh đối với cộng đồng doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực. Cần có gói cho vay để đầu tư hạ tầng xanh, nhà máy xanh, quy trình sản xuất đến tiêu dùng xanh, trong đó bao gồm cả gói chi phí đánh giá, vì phí đánh giá hiện nay rất cao. Thực tế, hiện có nhiều doanh nghiệp đã đầu tư xanh nhưng chưa được đánh giá, hoặc có chứng chỉ đánh giá nhưng chưa biết tận dụng lợi thế này.
Bà Bùi Thị Thu Hà, Quản lý Dự án Sáng kiến tài chính công bằng Việt Nam (FFV) đánh giá, vài năm trở lại đây đã có thay đổi tích cực trong cam kết chính sách về ESG ở phần lớn các ngân hàng tại Việt Nam. Đến nay, qua phân tích của FFV cho thấy xu hướng tích cực là các tổ chức tài chính, ngân hàng đã công bố thông tin nhiều hơn, hệ thống, khung quản lý rủi ro môi trường - xã hội rõ ràng hơn. Một số ngân hàng đã bắt đầu có chính sách yêu cầu về ESG đối với doanh nghiệp nhận tài trợ, tín dụng. Chính sách tiếp nhận và xử lý phản hồi về các vấn đề ESG cho cá nhân, cộng đồng bị ảnh hưởng bởi các khoản đầu tư, tín dụng của ngân hàng. Từ đó, cũng có ảnh hưởng và lan tỏa đến cộng đồng doanh nghiệp đối với định hướng phát triển xanh.
Bàn về vấn đề này, ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp của HDBank chia sẻ thẳng thắn về phát triển tín dụng xanh: “Không chỉ có ngân hàng trong nước, nhiều định chế tài chính nước ngoài, đều mong muốn các doanh nghiệp phát triển theo hướng xanh. HDBank có vốn từ các định chế tài chính này, hiểu được mong muốn của họ, từ đó có thuyết phục, đồng hành với các doanh nghiệp trên hành trình chuyển đổi xanh để vươn ra thế giới”.
Tuy nhiên, để tiếp cận được nguồn vốn này, doanh nghiệp phải chủ động trong quá trình, cách thức chuyển đổi xanh và phải trình bày được mô hình xanh mà mình đang theo đuổi. Các doanh nghiệp cần phải chủ động làm điều này bởi đây là yếu tố giữ chân các khách hàng và tìm kiếm các đối tác quốc tế trong bối cảnh yêu cầu hội nhập quốc tế ngày một nâng cao. Nếu không tự trang bị và tiến nhanh, tiến mạnh trong quá trình chuyển đổi xanh đồng nghĩa các doanh nghiệp Việt sẽ tự loại mình ra sân chơi quốc tế.
Bên cạnh đó, ông Tôn Thất Hạc Minh, Tư vấn trưởng, CTCP Năng lượng và Môi trường thông minh cho biết, cách đây một năm, trong nước bàn về thị trường carbon, tín chỉ carbon thúc đẩy cho việc thực hiện Nghị quyết 98 tại TP. Hồ Chí Minh. Nếu nói về khả năng tiếp cận tài chính xanh, thị trường carbon, thì các doanh nghiệp cần phải hiểu đây là kết quả, chứ không phải nguyên nhân. Nó đến từ năng lực xanh từ con người, hạ tầng đến năng lực về ESG (bộ tiêu chuẩn về môi trường - xã hội và quản trị), cũng như năng lực tài chính. Hiện nay đa phần các doanh nghiệp trong nước đều đang gặp thách thức về ESG. Do năng lực tài chính hạn chế nên khi nói đến ESG sẽ chỉ thuộc về công ty lớn. Do vậy, phải bình dân hóa ESG, để một doanh nghiệp nhỏ vẫn có thể làm được, giúp doanh nghiệp trong nước có cơ hội bình đẳng với doanh nghiệp nước ngoài trên “sân chơi” lớn.