Nâng "chất" nguồn nhân lực: Chìa khóa thành công cho tổ chức tài chính
Nền công nghiệp 4.0 là tương lai và thực tại không thể tránh khỏi của các doanh nghiệp, người tiêu dùng và toàn xã hội. Theo kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngành dịch vụ tài chính (DVTC) đóng vai trò tiên phong trong cuộc đua hướng tới chuyển đổi số toàn diện.
Bà Lã Trần Minh - Trưởng phòng Cấp cao, Dịch vụ Tư vấn Chuyển đổi Nguồn nhân lực, PwC Việt Nam |
Tuy nhiên, trong cuộc đua này, việc tăng cường phát triển kỹ năng số cho nguồn nhân lực dường như chưa được nhìn nhận đầy đủ và tương ứng. Để đạt được định hướng chuyển đổi số toàn diện đòi hỏi các tổ chức và cá nhân liên tục tìm hiểu và áp dụng các chương trình nâng cao kỹ năng phù hợp.
Chuyển đổi kỹ thuật số có đủ cho tương lai?
Theo thống kê sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước vào năm 2020, khoảng 95% các ngân hàng tại Việt Nam đã và đang có kế hoạch chuyển đổi số với nhiều định hướng khác nhau. Tại Việt Nam, đa số ngân hàng đang thực hiện việc số hóa, đồng thời cũng cho ra mắt các ngân hàng số như VCB Digibank của Vietcombank, MBBank của MB hay Yolo của VPBank.
Đây là minh chứng cho sự nhạy bén của ngành DVTC trong hành trình thích ứng với thế giới số nhưng việc phát triển, nâng cao các kỹ năng bền vững vẫn cần được ưu tiên song song cùng các chương trình chuyển đổi số.
Báo cáo Tương lai về việc làm do Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố vào năm 2020 cho rằng, một trong năm công việc hiện nay trong ngành DVTC có nguy cơ biến mất và việc làm của một nửa số nhân viên trong ngành này có thể thay đổi đáng kể. Với tốc độ thay đổi chóng mặt này, ngành DVTC đứng trước nguy cơ bị gián đoạn cận kề. Vậy, để đảm bảo thành công trong tương lai, các tổ chức DVTC tại Việt Nam nên tiếp cận và triển khai công cuộc nâng cao kỹ năng như thế nào?
Chương trình hành động nâng cao kỹ năng của bạn đã sẵn sàng?
Củng cố các kỹ năng cần thiết cho nguồn nhân lực, đảm bảo con người và công nghệ có thể bổ trợ và vận hành tốt cùng nhau là mục tiêu quan trọng, cần được các doanh nghiệp chú trọng không kém so với các đầu tư về công nghệ. Chương trình nâng cao kỹ năng của tổ chức nên bao gồm sáu bước sau:
Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu. Để đảm bảo thành công, việc nâng cao kỹ năng cần được xem như một hành trình lâu dài. Tại khảo sát về Mức độ sẵn sàng về kỹ năng số do PwC Việt Nam thực hiện, 49% nhân viên ngành DVTC tại Việt Nam bày tỏ mong muốn học hỏi các kỹ năng số mới để nâng cao kiến thức và áp dụng công nghệ. Câu hỏi quan trọng cần được đặt ra chính là "Làm thế nào để nguồn nhân lực có thể duy trì giá trị của họ trong một thế giới luôn thay đổi và thực hiện các nhiệm vụ gia tăng giá trị cho doanh nghiệp?"
3 điểm cần chú ý của chương trình nâng cao kỹ năng
Để đảm bảo tính bền vững cho chương trình nâng cao kỹ năng, ngành DVTC cần đặc biệt chú ý đến 3 điểm sau đây để tối đa hóa tỷ suất hoàn vốn từ các sáng kiến nâng cao kỹ năng.
Xác định lỗ hổng kỹ năng: Hiện nay có rất nhiều mô hình tham khảo để xây dựng một chương trình nâng cao kỹ năng cụ thể. Trong đó, các tổ chức tài chính có thể xác định các lỗ hổng năng lực bằng cách phân loại những kỹ năng hiện hữu thành các nhóm khác nhau (ví dụ như: năng lực cốt lõi, năng lực lãnh đạo và năng lực chuyên môn).
Việc phân loại này sẽ giúp phát hiện sự chênh lệch giữa kỹ năng của nguồn nhân lực hiện tại và nhu cầu của tương lai. Từ đó, cần đặt trọng tâm cho chương trình nâng cao kỹ năng vào những công việc sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi công nghệ mới và các nhân viên chịu rủi ro cao thay vì áp dụng dàn trải cho cả tổ chức.
Tích hợp việc nâng cao kỹ năng với các hoạt động quản trị nguồn nhân lực: Việc nâng cao kỹ năng cần được liên kết với các quy trình như quản lý hiệu suất, khen thưởng cũng như các chính sách nhân sự hiện có. Sự liên kết này sẽ củng cố cam kết của tổ chức với nhân viên và giúp tăng cường sự tham gia của họ. Các tổ chức cần đạt được sự cân bằng hợp lý giữa năng suất và phúc lợi của người lao động. Cách tiếp cận phù hợp trong việc nâng cao kỹ năng sẽ tối ưu hóa cả hai yếu tố trên.
Dữ liệu là tài sản quý giá nhất: Dữ liệu luôn tồn tại ở mọi tổ chức, doanh nghiệp nhưng nó sẽ chỉ có giá trị nếu được áp dụng một cách chính xác trong quá trình ra quyết định. Để các tổ chức tài chính có thể tối đa hóa hiệu suất, điều quan trọng là nhân viên của họ phải áp dụng các kỹ thuật phân tích phù hợp để thu thập thông tin hữu ích từ dữ liệu. Các kỹ năng thu thập dữ liệu, mô hình hóa hay phân tích dữ liệu sẽ là điều tất yếu, không thể thiếu trong tương lai.
Hướng dẫn triển khai các công cụ kỹ thuật số và cách sử dụng dữ liệu hiệu quả nên nằm trong chương trình nghị sự của tất cả các tổ chức ngành DVTC. Sự sáng tạo và đổi mới cần thiết để thành công đòi hỏi cả công nghệ mới và cách thức làm việc mới - đây là điều có thể được xác định và hỗ trợ một cách thích hợp bởi dữ liệu.
Chuyển đổi kỹ thuật số hiện là trọng tâm của ngành DVTC, nhưng việc nâng cao kỹ năng cũng cần được chú trọng và triển khai chủ động hơn, hướng đến việc trang bị kỹ năng cho nhân viên của mình cho một tương lai đầy biến động. Trong thị trường thay đổi nhanh chóng, để đạt được thành công đòi hỏi các bước đi chiến lược cụ thể và trên hết, là sự tự tin trong việc triển khai chương trình nâng cao kỹ năng cho nguồn nhân lực.