Nâng tầm thương hiệu Việt trên trường quốc tế
Trong tiến trình hội nhập quốc tế, từ rất sớm Chính phủ đã đặc biệt quan tâm đến vai trò của thương hiệu quốc gia Việt Nam. Vì vậy, ngay từ năm 2003, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 253/QĐ-TTg, trong đó Bộ Công thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành triển khai, thể hiện quyết tâm điều hành hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia, tạo mối quan hệ bền chặt giữa Chính phủ và doanh nghiệp, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp. Qua đó càng khẳng định vị trí, vai trò và những đóng góp quan trọng của doanh nghiệp trong nền kinh tế để quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hoá, dịch vụ chất lượng cao, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong nước và thế giới trong quá trình hội nhập.
Ảnh minh họa |
Kể từ đó, số doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia liên tục tăng qua các năm, từ 30 doanh nghiệp năm 2008 lên 124 doanh nghiệp năm 2020, là bằng chứng đầy thuyết phục rằng, chất lượng hàng hoá, dịch vụ Việt Nam ngày càng được cải thiện, từng bước vươn lên chiếm lĩnh thị trường trong nước và quốc tế dù gặp muôn vàn khó khăn thách thức. Chỉ riêng 124 doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia năm 2020 đã có tổng doanh thu năm 2019 khoảng 1.430 nghìn tỷ đồng và kim ngạch xuất khẩu 137 nghìn tỷ đồng, đóng góp đáng kể vào an sinh xã hội của đất nước.
Tổ chức tư vấn định giá thương hiệu quốc gia Brand Finance cũng công nhận rằng, Việt Nam được định giá tăng 29% từ 247 tỷ USD năm 2019 lên 319 tỷ năm 2020, đồng thời tăng thêm 9 hạng từ hạng 42 lên hạng 33 thế giới và Việt Nam được đánh giá là trường hợp thăng hạng nhanh trên thế giới. Cùng với sự phát triển của Thương hiệu quốc gia Việt Nam, giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng gia tăng mạnh mẽ. Theo xếp hạng của Forbes Việt Nam, tổng giá trị của 50 thương hiệu hàng đầu Việt Nam đạt gần 10 tỷ USD. Điều này có được là nhờ những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy hỗ trợ kinh tế, cải cách thể chế của Chính phủ trong nhiều năm qua, tạo đà cho thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp Việt ngày càng phát triển, bên cạnh sự nỗ lực không mệt mỏi của các doanh nhân, doanh nghiệp, thể hiện hiệu quả của cơ chế, chính sách thuận lợi của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, một khảo sát của Bộ Công thương cho hay, khoảng 80% số doanh nghiệp được khảo sát chưa quan tâm đến thương hiệu, nhất là các DNNVV.
Thế nên, trong bối cảnh mới, mỗi doanh nghiệp cần dành sự quan tâm đúng mức cho việc xây dựng, giữ vững và phát triển thương hiệu quốc gia. Đây là việc làm cấp bách và cần có kế hoạch lâu dài, nhất quán trong chính sách của Nhà nước, cần sự đồng thuận và nỗ lực của cả cộng đồng doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra thị trường thế giới.
Cùng với đó, cần có những hướng dẫn và hỗ trợ từ hiệp hội ngành hàng, cơ quan bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.