Ngân hàng chủ động hơn trong thực thi ESG
Ngân hàng chủ động thực thi ESG và hỗ trợ các doanh nghiệp thực thi ESG |
Từ nhận thức đến hành động
ESG đang hiện hữu ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực, với vai trò "huyết mạch", theo bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam, ngân hàng và các dịch vụ tài chính là nhân tố chủ đạo của nền kinh tế, do đó khi triển khai ESG sẽ cho phép các tổ chức tài chính không chỉ thúc đẩy chuyển đổi trong ngành này mà còn thúc đẩy áp dụng ESG trong các ngành khác thông qua việc cung cấp tài chính bền vững.
Hiểu được tầm quan trọng đó, nhiều ngân hàng đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp thực thi ESG từ rất sớm. Ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, đến ngày 30/11, BIDV đã tài trợ cho trên 1.500 khách hàng với 1.900 dự án/phương án tín dụng xanh. Tổng dư nợ đạt trên 73.000 tỷ đồng, chiếm gần 5% tổng dư nợ của BIDV. Trong đó, chủ yếu là lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (chiếm trên 80%), tiếp đến là lĩnh vực bảo vệ môi trường thiên nhiên, khôi phục môi trường sinh thái và phòng chống thiên tai (chiếm khoảng 10%)...
Đặc biệt, nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam nên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực thi ESG trong lĩnh vực này. Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng ban Định chế tài chính kiêm Phó Trưởng ban Thường trực Chỉ đạo ESG Agribank cho biết, với gần 70% dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và khách hàng cá nhân, ngân hàng đã ban hành quy định quản lí rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng; đưa ESG là một nội dung trong chiến lược kinh doanh; thông qua cam kết về triển khai ESG trong hệ thống; đồng thời có nhiều hoạt động đối với cộng đồng, phát triển tài chính toàn diện.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng là doanh nghiệp nên thực thi ESG trong hoạt động cũng là xu hướng tất yếu. Mới đây, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) là một trong số ngân hàng tiên phong tại Việt Nam công bố báo cáo riêng về Phát triển bền vững, bao gồm các thông tin liên quan đến việc xác định hướng đi, cách tiếp cận các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững, phương thức quản lí và kết quả đã đạt được. Bên cạnh đó, ACB còn đẩy mạnh số hóa các quy trình và giảm thiểu dùng giấy trong các hoạt động ngân hàng; cung cấp các khóa học về môi trường, hướng dẫn phân loại rác thải để nâng cao nhận thức và thúc đẩy thay đổi hành vi của nhân viên đối với các vấn đề môi trường.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã được Finance Asia - một trong những tạp chí hàng đầu và uy tín nhất trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng tại khu vực châu Á trao danh hiệu "Ngân hàng có tác động ESG xuất sắc nhất tại Việt Nam"; Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng đã tiến hành nghiên cứu và thực hiện tiếp cận nguồn vốn quốc tế xanh thông qua các định chế tài chính và tổ chức phi chính phủ.
Theo PGS.TS Trần Ngọc Hùng, Viện Tài chính - Kế toán, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, việc thực thi ESG đã giúp các ngân hàng thu hút nguồn vốn viện trợ không hoàn lại (ODA) từ các tổ chức quốc tế và đảm bảo nguồn vốn để hỗ trợ dự án chuyển đổi xanh. Ngoài ra, những nỗ lực trong việc thực hiện ESG đã giúp ngân hàng ở Việt Nam đạt được danh hiệu về tác động tích cực đến môi trường, xã hội và quản trị, góp phần củng cố vị thế là các ngân hàng xanh và bền vững hàng đầu trong nước.
Hành trình dài và sẽ ngày càng khó
Song quá trình thực thi ESG trong hoạt động của ngân hàng mang đến nhiều thách thức, thậm chí đòi hỏi nỗ lực hành động trong hàng chục năm và lâu hơn nữa. Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB chia sẻ, ESG là tầm nhìn 10 năm, 20 năm, 30 năm, thậm chí là 100 năm chứ không phải ngày một, ngày hai. Nếu ESG là đích đến, thì trước tiên cần có hướng đi đúng, bởi mục tiêu ở mỗi thời điểm có thể thay đổi, nhưng hướng đi đúng sẽ giúp doanh nghiệp không rơi vào chiếc vòng luẩn quẩn của hàng trăm ngã rẽ khác nhau.
Bên cạnh đó, nhận thức về các nguyên tắc ESG tại các ngân hàng thương mại hiện nay còn khá mới mẻ và hạn chế. Các ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn trong công tác triển khai, áp dụng đánh giá, thẩm định những tác động môi trường và các rủi ro liên quan đến danh mục đầu tư. Do đó, theo các chuyên gia, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lí điều chỉnh về hoạt động thực thi ESG để tạo hành lang pháp lí vững chắc giúp các ngân hàng có thể an tâm và dễ dàng hơn khi thực thi ESG trên thực tế.
Việc tuân thủ chuẩn mực về ESG, phát triển bền vững, ngân hàng xanh sẽ ngày càng phức tạp và nâng cao nên bà Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, ngân hàng cần xác định mục tiêu cụ thể và xây dựng lộ trình triển khai trong ngắn hạn và dài hạn; hoàn thiện mô hình tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị liên quan, thành lập bộ phận chuyên trách về phát triển bền vững; hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin phục vụ ngân hàng xanh; triển khai các hoạt động về tín dụng xanh, hướng tới chuẩn mực quốc tế; cập nhật các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, tiếp thu kinh nghiệm thế giới về tiêu chuẩn, điều kiện ngân hàng xanh nhằm hoàn thiện khung pháp lí, cơ chế nội bộ; chủ động và áp dụng các điều kiện để phát hành trái phiếu xanh và thu hút nguồn vốn quốc tế xanh...