Ngân hàng đối mặt với áp lực nợ xấu
Áp lực nợ xấu gia tăng Ngân hàng đối mặt áp lực nợ xấu tăng |
Việc xử lý nợ xấu phụ thuộc nhiều vào các điều kiện kinh tế vĩ mô và thị trường. Trong khi đó những tác động bất lợi, tiêu cực từ môi trường bên ngoài, đặc biệt là dịch bệnh COVID-19 và những khó khăn của kinh tế toàn cầu cũng như trong nước những tháng đầu năm đã làm suy giảm khả năng trả nợ của các hộ gia đình và doanh nghiệp, khiến nợ xấu có xu hướng gia tăng.
Theo Tổng cục Thống kê, 10 tháng năm 2023, 50,7 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,9% so với cuối năm 2022; Bình quân một tháng có 14,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Điều này cho thấy tình hình khó khăn của doanh nghiệp từ đầu năm đến nay là rất lớn. Khó khăn của doanh nghiệp đã phản ánh vào kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Ngoài sụt giảm tín dụng, chất lượng tài sản của các ngân hàng cũng suy giảm, tỷ lệ nợ xấu có xu thế gia tăng. Theo công bố kết quả kinh doanh quý III/2023 của các ngân hàng cho thấy nhiều ngân hàng tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng mạnh. Đơn cử như tại PGBank đến thời điểm 30/09/2023 là 796 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm 2023 đưa nợ xấu của ngân hàng này từ 2,56% lên 2,61%. Nợ xấu nội bảng của ABBank cuối tháng 9/2023 là 4,6% trong khi cuối năm 2022 mới chỉ 2,9%. Trong số đó có một số ngân hàng tỷ lệ nợ xấu vượt 3% khi tính đến cuối quý III/2023 như VietBank tỷ lệ nợ xấu ở mức 4,06%; Nợ xấu tại BaoVietBank tăng 39% so với đầu năm, nâng tỷ lệ nợ xấu từ mức 3,34% hồi đầu năm lên 3,98% khi kết thúc quý III/2023.
Hoạt động ngân hàng cũng đang gặp nhiều báo động tiêu cực từ những khó khăn của nền kinh tế |
Là một trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp, luôn ở mức dưới 1% những năm gần đây nhưng trong 9 tháng đầu năm 2023, Vietcombank cũng ghi nhận nợ xấu gia tăng. Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank, nợ xấu tăng chủ yếu là do nguyên nhân khách quan tình hình kinh tế thế giới khó khăn, trong nước là những khó khăn của các doanh nghiệp vì nợ trái phiếu, thị trường bất động sản trầm lắng, khả năng sản xuất kinh doanh, trả nợ của các doanh nghiệp gặp khó khăn. Nợ xấu cuối quý III/2023 của Vietcombank là 14.393 tỷ đồng, tăng 84% so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay tăng từ 0,68% cuối năm 2022 lên 1,21% (tháng 9/2023). Tỷ lệ này cũng cao hơn đáng kể so với mức 0,82% ghi nhận vào cuối quý II/2023. Tuy nhiên Vietcombank cam kết từ nay đến cuối năm 2023 sẽ nâng chất lượng tín dụng và đưa tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức dưới 1%.
Theo đánh giá của các chuyên gia, rủi ro nợ xấu luôn tiềm ẩn trong hoạt động ngân hàng dù thời gian qua, NHNN đã triển khai một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như giảm lãi suất cho vay hay ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Tuy nhiên tăng trưởng kinh tế vẫn chưa có nhiều cải thiện do chịu tác động từ kinh tế thế giới nên hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sụt giảm. Điều này dẫn đến khả năng thanh toán các khoản vay của doanh nghiệp ngày càng khó khăn. Trước sức ép về nợ xấu gia tăng, các ngân hàng cũng tích cực bán các tài sản thế chấp để giảm áp lực. Tuy nhiên, phần lớn tài sản thế chấp tại các ngân hàng lại liên quan đến bất động sản trong khi thị trường này đang khá ảm đạm khiến việc xử lý tài sản đảm bảo là bất động sản càng gặp thách thức.
Khó khăn nữa của các ngân hàng liên quan đến triển khai Thông tư 02. Đại diện MSB chia sẻ, từ đầu năm đến nay MSB đã triển khai Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ. Đến thời điểm hiện nay, MSB đã triển khai cơ cấu nợ với tổng số dư là 909 tỷ đồng. Hiện các ngân hàng, trong đó có MSB đang gặp khó khăn khi triển khai Thông tư 02. Cụ thể, theo Thông tư 02 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ có quy định thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ được xác định phù hợp với mức độ khó khăn của khách hàng và không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của khoản nợ được cơ cấu lại. Trong bối cảnh dự báo tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, khả năng phục hồi yếu, với quy định về thời hạn như trên doanh nghiệp khó xoay xở dòng tiền để trả nợ ngân hàng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, trước khó khăn hiện nay khoản nợ cũ của các doanh nghiệp cho dù được cơ cấu nợ cũng khó trả được nợ. Do đó, tình hình nợ xấu của các ngân hàng gia tăng là vấn đề đáng lo ngại. Trong khi triển vọng kinh tế năm 2024 được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn. Vì vậy, ông Nguyễn Quốc Hùng cũng đề nghị, NHNN rà soát, xem xét điều chỉnh Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phù hợp, đảm bảo cho các TCTD trong giai đoạn khó khăn này có thêm nguồn lực để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và nền kinh tế. Ở góc độ ngân hàng cần quản lý chặt chẽ cho vay các lĩnh vực rủi ro cao nhằm giảm nguy cơ nợ xấu cho ngân hàng.
Bên cạnh đó, ông Hùng cũng nhấn mạnh, việc xử lý hiệu quả nợ xấu rất cần có sự vào cuộc tích cực và đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương.