Ngân hàng đồng hành chương trình bình ổn giá với lãi suất từ 3,58%/năm
Theo đó, chương trình bình ổn giá của TP. Hồ Chí Minh thực hiện đối với các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng phục vụ học tập năm 2023 - Tết Giáp Thìn năm 2024.
Việc tham gia cung cấp nguồn vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại đã góp phần trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp giảm giá thành, giữ ổn định giá bán các mặt hàng thiết yếu, từ đó hỗ trợ trực tiếp người tiêu dùng trong dịp mua sắm cuối năm.
Có khoảng 10 ngân hàng thương mại đồng hành chương trình bình ổn thị trường năm 2023 - Tết Giáp Thìn 2024 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh |
Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, chương trình Bình ổn thị trường năm 2023 - Tết Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn Thành phố có 44 doanh nghiệp tham gia, tăng 03 doanh nghiệp so năm 2022; 11 doanh nghiệp bình ổn thị trường các mặt hàng phục vụ học tập; phần lớn là doanh nghiệp quy mô lớn, thương hiệu uy tín, chiếm thị phần cao.
So với năm 2022, Chương trình bổ sung nhiều nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm như các mặt hàng bột, các mặt hàng thực phẩm chế biến từ thủy hải sản, các mặt hàng cháo tươi, súp dinh dưỡng đóng gói, các mặt hàng đặc sản vùng miền như rong nho, măng, nấm, măng chua... Căn cứ nhu cầu, sức mua, kết quả cung ứng năm 2022, lượng hàng bình ổn thị trường năm 2023 tăng 3% - 5% so năm 2022; chiếm từ 23% đến 31% thị phần trong tháng thường, chiếm từ 25% đến 43% nhu cầu thị trường trong tháng Tết.
Lãnh đạo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh khẳng định chương trình bình ổn giá của thành phố có sự điều chỉnh lớn về quy định giá bán hàng bình ổn thị trường. Giá bán được xác định trên cơ sở thống nhất của nhiều bên liên quan như doanh nghiệp cung ứng, doanh nghiệp phân phối, cơ quan nhà nước (dưới sự chủ trì của Sở Tài chính) tạo sự đồng thuận cao, vừa đảm bảo ổn định giá, vừa đảm bảo lợi nhuận hợp lý của doanh nghiệp, lợi ích phù họp của người tiêu dùng.