Ngân hàng đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp
Chủ động ứng phó với mọi diễn biến | |
Quan trọng nhất là ổn định kinh tế vĩ mô |
Ảnh minh họa |
Trên thực tế, những hộ gia đình và doanh nghiệp vay vốn phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP đã được hỗ trợ gia hạn nợ hữu hiệu. Theo đó, trường hợp khách hàng bị thiệt hại về vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay do hậu quả thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên phạm vi rộng hoặc do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng và được các TCTD đánh giá chưa có khả năng hoặc không có khả năng trả nợ vay cho TCTD, chính quyền địa phương đánh đánh giá cụ thể thiệt hại, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, NHNN Việt Nam, Bộ Tài chính để được xem xét khoanh nợ không tính lãi đối với dư nợ bị thiệt hại; thời gian khoanh nợ tối đa 2 năm.
Các khoản nợ khoanh được giữ nguyên nhóm nợ như đã phân loại trước khi thực hiện khoanh nợ. Số tiền lãi TCTD không thu được do đã thực hiện khoanh nợ cho khách hàng được ngân sách nhà nước cấp tương ứng từ ngân sách địa phương. Trường hợp ngân sách địa phương khó khăn, các cơ quan hữu quan quyết định hỗ trợ từ dự phòng ngân sách trung ương. Nếu khách hàng khi tham gia mua bảo hiểm đối với đối tượng sản xuất nông nghiệp hình thành từ nguồn vốn vay, được TCTD giảm lãi suất cho vay với mức tối thiểu 0,2%/năm so với lãi suất của các khoản cho vay cùng loại và có thời hạn tương ứng.
Hộ gia đình và doanh nghiệp vay vốn nếu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh lập hồ sơ đề nghị khoanh nợ, trong đó có chứng thực của chính quyền địa phương xác nhận có thiên tai dịch bệnh và tài liệu chứng minh khách hàng có vay vốn tại TCTD. Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày có văn bản thông báo tình trạng thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng của chính quyền cấp tỉnh hoặc từ ngày xảy ra thiệt hại do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, chi nhánh TCTD, quỹ tín dụng nhân dân phối hợp với khách hàng lập hồ sơ đề nghị khoanh nợ.
Sau thời gian xét duyệt và trình hồ sơ theo quy định của Nghị định này, NHNN Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét quyết định việc khoanh nợ. Trong trường hợp tổng số tiền đề nghị khoanh nợ của các TCTD cùng một đợt thiên tai, dịch bệnh hoặc cùng đợt xảy ra rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng thì quyết định khoanh nợ, nếu số tiền vay thuộc thẩm quyền của NHNN thì cơ quan này quyết định, nếu vượt quá thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Theo thống kê của NHNN Việt Nam, tính đến cuối tháng 11/2019 chỉ tính riêng dư nợ bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi đã gần 2.000 tỷ đồng, các TCTD đã hỗ trợ người chăn nuôi lợn các tỉnh thành có dịch qua các biện pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ 493,4 tỷ đồng dư nợ; miễn giảm lãi suất cho vay cho dư nợ 141,2 tỷ đồng; cho vay mới phục hồi sản xuất kinh doanh 294,3 tỷ đồng; các biện pháp khác (ưu tiên thu hồi vốn gốc và trả lãi sau...) 22 tỷ đồng. Điều đó cho thấy trên thực tế hệ thống ngân hàng luôn đồng hành và thực hiện nghiêm các chính sách hỗ trợ tài chính cho người vay vốn mỗi khi gặp thiên tai dịch bệnh.
Theo một chuyên gia tài chính, khi người vay vốn gặp khó khăn do dịch bệnh gây nên, nếu được ngân hàng cho kéo dài thời gian trả nợ nhưng không bị ngân hàng chuyển nhóm nợ có ý nghĩa rất lớn vì người vay vốn không bị áp lực trả lãi hàng tháng hoặc theo kỳ; bản thân các TCTD cũng không bị gia tăng mạnh nợ xấu.