Ngân hàng Hợp tác xã: Phát huy vai trò đầu mối dẫn dắt, liên kết hệ thống QTDND
Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị |
Điểm tựa hỗ trợ hệ thống phát triển, số hóa
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Hợp tác (NHHT) Nguyễn Quốc Cường cho biết, mặc dù năm 2021, hoạt động NHHT gặp nhiều khó khăn, áp lực lớn từ biến động khó lường của nền kinh tế, năng lực tài chính còn hạn chế, song NHHT đã có nhiều nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao, thực hiện tốt vai trò đầu mối liên kết hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND).
Báo cáo kết quả hoạt động NHHT năm 2022, Phó Tổng giám đốc phụ trách điều hành NHHT Nguyễn Minh Tuấn cho biết, đến 31/12/2022 tổng nguồn vốn hoạt động của NHHT là 49.799 tỷ đồng, tăng 1,33% so với 31/12/2021; trong đó tiền gửi điều hoà từ các QTDND là 24.309 tỷ đồng, giảm 11.471 tỷ đồng so với 31/12/2021 (giảm 32,06%); Tổng dư nợ cho vay là 31.185 tỷ đồng, tăng 4.987 tỷ đồng (tỷ lệ tăng 19,04%) so với 31/12/2021. Lợi nhuận đạt 102,96% kế hoạch.
Vai trò ngân hàng đầu mối hệ thống QTDND thể hiện rõ trong công tác điều hòa vốn giữa NHHT và QTDND luôn là hoạt động trọng tâm của NHHT với định hướng xuyên suốt là ưu tiên đáp ứng nhu cầu gửi và vay vốn của QTDND tại mọi thời điểm. Đối với những QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả, có nhu cầu bổ sung nguồn vốn để hoạt động, NHHT đã kịp thời điều chỉnh mức cho vay mở rộng tín dụng vượt mức quy định tại Quy chế điều hòa vốn nhằm hỗ trợ hoạt động của QTDND.
Mặt khác, NHHT vẫn tiếp tục triển khai chương trình cho vay “Chung tay hỗ trợ thành viên QTDND” với lãi suất thấp (tối thiểu 4,8%/năm) nhằm chia sẻ khó khăn với thành viên QTDND trong suốt 10 tháng đầu năm 2022. Ngoài ra, NHHT tiếp tục thực hiện chính sách điều hành lãi suất cho vay đối với QTDND thấp hơn lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và cá nhân tại mọi thời điểm. Tính đến 31/12/2022, dư nợ cho vay đổi với QTDND đạt 5.590 tỷ đồng, tăng 60,57% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là số dư cao nhất từ trước đến nay.
Đối với tiền gửi điều hòa của các QTDND, NHHT tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn đối với QTDND luôn cao hơn lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm tối đa 0,5%/năm tùy từng kỳ hạn cụ thể. Tính đến 31/12/2022, số dư tiền gửi điều hòa của QTDND là 24.309 tỷ đồng, giảm 32,06% do nhu cầu rút tiền gửi của thành viên để phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19 tăng cao.
Đặc biệt, trong bối cảnh xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra một cách mạnh mẽ trong ngành tài chính ngân hàng, NHHT đã triển khai đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại đa kênh, đa tiện ích tới các QTDND, thực hiện tốt vai trò ngân hàng đầu mối, đồng hành cùng QTDND trong công cuộc chuyển đổi số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Chủ tịch HĐQT NHHT Nguyễn Quốc Cường phát biểu khai mạc Hội nghị |
Đến 31/12/2022, NHHT đã kết nạp thêm 81 QTDND là thành viên hệ thống trên địa bàn các Chi nhánh trong toàn hệ thống NHHT, nâng tổng số điểm giao dịch của NHHT lên 761 điểm bao gồm 32 Chi nhánh, 66 Phòng giao dịch và 663 QTDND.
Số liệu giao dịch của các QTDND qua hệ thống chuyển tiền của NHHT: giao dịch chuyển tiền đi là 275.562 món (tăng 21%) với doanh số chuyển đi là 40.485 tỷ đồng (tăng 45%) so với cùng kỳ năm trước; Giao dịch chuyển tiền đến là 273.107 món (tăng 78%) với doanh số chuyển tiền đến là 19.191 tỷ đồng (tăng 75%) so cùng kỳ năm trước.
NHHT cũng đã cấp hạn mức thấu chi tài khoản thanh toán cho 407 QTDND thành viên tham gia hệ thống CF-eBank, với hạn mức được cấp là 542 tỷ đồng, doanh số sử dụng thấu chỉ đạt 7.440 tỷ đồng, thu lãi 3,057 tỷ đồng. Các QTDND đều thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc và phí theo quy định của NHHT.
NHHT tiếp tục phát triển các tiện ích gia tăng trên thẻ hướng tới khách hàng là thành viên QTDND như: Cấp hạn mức thấu chi lên tới 100 triệu đồng; kết nối với NAPAS cho phép giao dịch thẻ tại Hàn Quốc; triển khai các chương trình ưu đãi, khuyến mại... Đến 31/12/2022, có 259 QTDND tham gia thành viên hệ thống thẻ thanh toán của NHHT với số lượng giao dịch là: 59.825 giao dịch với tổng số tiền giao dịch là 3.296 tỷ đồng (tăng 70% về số lượng và hơn 151,8% về giá trị so với năm 2021).
Ứng dụng Co-opBank Mobile Banking được thiết kế với giao diện thân thiện, sắp xếp hợp lý, giúp người tiêu dùng trải nghiệm dễ dàng với nhiều ứng dụng ngân hàng đa năng đang trở thành phương thức hiệu quả để đưa dịch vụ tải chính đến với thành viên của QTDND đặc biệt khu vực nông thôn.
Đây cũng là cơ hội giúp NHHT và các QTDND tiếp cận với các thành viên, khách hàng mới, đặc biệt là ở khu vực vùng sâu, vùng xa nhằm hoàn thiện chiến lược phát triển tài chính toàn diện ở Việt Nam. Đặc biệt, NHHT ưu tiên nguồn lực để thực hiện chính sách miễn phí toàn bộ các loại phí triển khai và hỗ trợ vận hành các sản phẩm, dịch vụ thanh toán đồng thời thực hiện miễn phí toàn bộ các giao dịch chuyển tiền cho QTDND thành viên tham gia hệ thống ngân hàng điện tử; miễn phí các giao dịch trên ứng dụng Ngân hàng số Co-opBank Mobile Banking với giá trị miễn, giảm phí tính tới 31/12/2022 lên tới gần 4 tỷ đồng.
Toàn cảnh hội nghị |
Cần tiếp tục nâng cao năng lực hỗ trợ hệ thống
Vai trò hỗ trợ hệ thống ngày càng thể hiện rõ qua việc NHHT đã tích cực phối hợp với NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố trong công tác hỗ trợ các QTDND yếu kém trên địa bàn cả nước; NHHT đã cử 52 cán bộ tham gia quản trị, điều hành hoặc tham gia Ban kiểm soát đặc biệt các QTDND yếu kém trên địa bàn 14 tỉnh, thành phố; phổ biến Cẩm nang xử lý QTDND hỗ trợ các chi nhánh NHHT thực hiện tốt công tác quản lý và xử lý QTDND yếu kém.Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp sổ tiết kiệm trắng cho các QTDND theo quy định của NHNN.
Bên cạnh đó, trong vai trò ngân hàng thương mại Nhà nước, NHHT nhanh chóng đưa các ứng dụng số vào hoạt động ngân hàng, điều hành lãi suất huy động và cho vay linh hoạt, phù hợp với tín hiệu thị trường hỗ trợ nền kinh tế đặc biệt khu vực nông thôn. Tính đến ngày 31/12/2012, tổng dư nợ cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp và cá nhân 25.504 đồng, tăng trưởng tín dụng mới đạt đạt mức 12,58% so với 31/12/2021.
NHHT tích cực triển khai cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu và cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra trong năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu luôn được duy trì ở mức thấp (tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 0,46%).
Tại Hội nghị, nhiều cá nhân, tập thể của Co-opBank đã được nhận bằng khen, danh hiệu cao quý của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN, Công đoàn NHNN |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, thay mặt Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú biểu dương những nỗ lực và kết quả NHHT đã đạt được trong năm 2022.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú chỉ ra dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước năm 2023 sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức lớn hơn. Trong đó, tăng trưởng kinh tế dự báo sẽ chậm lại, áp lực lạm phát ngày càng rõ nét hơn, thương mại toàn cầu giảm... Vì vậy, hoạt động của hệ thống ngân hàng trong năm 2023 tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn.
Trong bối cảnh đó, để góp phần cùng toàn ngành Ngân hàng hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị Hội đồng Quản trị, Ban điều hành và toàn thể cán bộ, nhân viên NHHT tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được trong thời gian qua và nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2023, Chỉ thị 01 sẽ được NHNN ban hành sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 01. Trong đó, Phó Thống đốc nhấn mạnh 7 nhiệm vụ chủ yếu mà NHHT cần tập trung triển khai trong thời gian tới.
Một là, bám sát các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Chính phủ, NHNN, khẩn trương xây dựng kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính năm 2022 gửi NHNN phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu đề ra.
Hai là, quán triệt trong toàn hệ thống thực hiện tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh mới.
Ba là, tập trung nguồn lực, khẩn trương xây dựng và triển khai có hiệu quả phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025. Trong đó, xây dựng phương án tăng vốn điều lệ NHHT từ các nguồn hợp pháp; phát triển tăng trưởng về quy mô hoạt động, cải thiện chất lượng nguồn vốn tự có, nâng cao tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của NHNN; nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành, quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn Ngân hàng hiện đại…
Bốn là, nâng cao vai trò và trách nhiệm của NHHT trong việc liên kết hệ thống QTDND, điều hòa vốn, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an toàn hệ thống QTDND theo quy định của pháp luật. Thực hiện tốt chỉ đạo của NHNN về kiểm tra QTDND trong năm 2023. Trong đó cần Xây dựng kế hoạch, nội dung cụ thể để hỗ trợ cho hệ thống QTDND đảm bảo thiết thực, hiệu quả và đúng nhu cầu của QTDND. Phối hợp có hiệu quả với Hiệp hội QTDND và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trong việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ QTDND nhằm nâng cao năng lực trình độ quản lý, điều hành và chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ QTDND; Tích cực tham gia xử lý các QTDND yếu kém, gặp khó khăn hoặc có dấu hiệu mất an toàn trong hoạt động.
Năm là, tiếp tục triển khai hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số, mở rộng hợp tác kết nối với các đơn vị trong và ngoài ngành Ngân hàng để phát triển đa dạng các dịch vụ ngân hàng số, an toàn, tiện ích phù hợp với đối tượng khách hàng của NHHT là các QTDND và ở khu vực nông thôn,… Tăng cường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số.
Sáu là, đổi mới công tác cán bộ, quy hoạch, điều động luân chuyển, công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ đáp ứng yêu cầu hoạt động của NHHT trong giai đoạn mới.
Bảy là, tiếp tục phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng bộ NHHT đối với mọi mặt hoạt động, cũng như trong hoạt động kinh doanh của NHHT.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh toàn hệ thống NHHT tiếp tục tinh thần đoàn kết nhất trí triển khai kế hoạch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kinh doanh năm 2023 và tiếp tục hoạt động an toàn, hiệu quả, bền vững, xứng đáng với vai trò trụ đỡ phát triển cho hệ thống các QTDND, đóng góp ngày càng nhiều hơn vào quá trình phát triển của ngành Ngân hàng.